Những bí mật trước giờ G - Kỳ 3: Dấu ấn của ngày “tháo chạy tán loạn”

25/04/2009 19:32 GMT+7

Bảy Vĩnh là người dẫn đầu đội biệt động tinh nhuệ tấn công táo bạo vào Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn mà điệp viên Phạm Xuân Ẩn đã đánh giá cao về lòng gan dạ và tài chỉ huy từ trước. Nghe đọc bài

Bảy Vĩnh với Tư Cang lại là hai người cùng được bí mật đưa vào Nam trong một đội tình báo để xâm nhập vào nội thành Sài Gòn lần thứ hai năm 1961. Khi nghe Bảy Vĩnh tường thuật về trận đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, thì Tư Cang với cương vị Chính ủy Lữ đoàn 316, Cụm trưởng Cụm tình báo H63, đã nhận định đây là trận đánh ngoạn mục ở hai khía cạnh. Thứ nhất, chỉ với 14 tay súng không có xe tăng yểm trợ (như kế hoạch vạch trước) nhưng vẫn tự tác chiến, chế ngự và đoạt xe tăng của đối phương để tiến chiếm mục tiêu sớm nhất. Thứ hai, đội biệt động ít ỏi quân số này mà đã khống chế được một cơ quan đầu não của bộ chỉ huy quân đội Sài Gòn để cắm ngọn cờ giải phóng lên nóc nhà, chính thức báo tử giờ tàn của Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn (9 giờ sáng 30.4). Chiều ấy, khi hay tin Tư Cang đến, Bảy Vĩnh tự lái chiếc xe du lịch Falcon bóng loáng tịch thu được trước phòng làm việc của đại tướng Cao Văn Viên (Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa) để chạy ra đón Tư Cang trước cổng Bộ Tổng tham mưu. Vừa là bạn, vừa là đồng đội hoạt động tình báo và cùng bên nhau nhiều lần thoát qua cái chết trên đất Sài Gòn, nên khi gặp lại họ không khỏi xúc động đến rơi nước mắt. Đó là những giọt nước mắt đầu tiên mà Tư Cang đã ghi qua hồi ký Nước mắt ngày gặp mặt. Đọc xong, thượng tướng Trần Văn Trà lúc còn sống đã viết lời giới thiệu: “tác giả (Tư Cang) là người chỉ huy một đơn vị đi đầu trong chiến dịch, đã cung cấp một số tư liệu sống, thật cụ thể, cho bức tranh toàn cảnh đồ sộ về cuộc chiến tranh vĩ đại vừa qua”. Những cảnh ngổn ngang của ngày 30.4 trên đường phố Sài Gòn cũng được Tư Cang ghi nhận chân thật: “dọc đường phố, xe con, xe vận tải quân sự của quân đội Sài Gòn bỏ lại nằm rải rác. Người ta đã tháo mất bánh xe dự bị. Các thùng xăng bị chọc thủng để lấy xăng. Là vì của không có chủ, ai muốn lấy gì thì lấy. Tiếng súng cứ nổ rải rác đó đây, đạn lửa đan chéo nhau trên trời. Ai muốn bắn chơi cứ bắn. Súng thì vất bừa bãi trên đường không ai thèm lượm (...). Từ trong các kho vô chủ, tôi thấy nhiều người chạy ra, cõng những bao gạo trên lưng hoặc đội một đống vải dù trên đầu, người thì xách một thùng xăng, người thì lăn một bánh xe. Thật là một cảnh hỗn độn!”.

Nhiều cảnh tương tự bày ra trước mắt Tư Cang trên đường đến kho quân cụ gần chùa Việt Nam Quốc Tự. Tại đó, ông nghe một sĩ quan cộng sự của mình là Bảy Thanh báo cáo: “Nguy hiểm quá anh Tư ơi. Vòi xăng cứ để mở, đồng bào đưa thùng vô, cái nào đầy rồi thì xách chạy. Xăng tràn ra sân. Đạn lửa bắn cùng trời thế này, kho có thể cháy như chơi. Tôi đã khóa lại và cho Dũng đứng gác. Tôi phải quay lại về dinh Trần Văn Hương, điều thêm hai tổ đến đây mới đủ sức bảo vệ”. Tư Cang dựa vào các thông tin tình báo để phân công tiếp: “Các anh hãy đến khu trung tâm Sài Gòn để kiểm tra những địa chỉ đã ghi trong bản đồ trinh sát này, trong đó có một căn nhà lầu của Nguyễn Văn Thiệu để lại, kế bên là những biệt thự của Phạm Kim Ngọc – Bộ trưởng tài chánh, cũng như của nhiều quan chức cao cấp khác trong bộ máy hành chánh của chế độ Sài Gòn.  Tất cả lấy dinh phó tổng thống Trần Văn Hương làm địa chỉ liên lạc trong đêm 30.4 này cho đến khi có lệnh mới”. Nói xong ông ra chiếc xe jeep loại mới nhất thời đó vừa tịch thu được từ một trung tá Sài Gòn để tự lái đi.

Đó là chiếc xe mới toanh có đề hai chữ “Cục R” bằng sơn đỏ ở kính chắn gió đã được đề cập ở cuối kỳ 2. Thấy hai chữ “Cục R”, Tư Cang thoáng nghĩ rất nhanh chẳng lẽ đây là xe của Trung ương Cục miền Nam với hai chữ lộ liễu như vậy? Mà thêm nữa, mấy ngày nay vẫn không hề có thông báo, thông tin gì về ám hiệu bằng chữ ấy. Không ngần ngại, Tư Cang rút súng bắn một phát chỉ thiên, lệnh xe kia dừng lại. Các tay súng biệt động đi theo ông thoáng cái đã đến bên xe chĩa thẳng nòng AK vào bên trong, bảo tất cả ngồi yên. Tư Cang quát hỏi: “Thuộc đơn vị nào?”. “Dạ, ở trong cư xá đằng kia đi ra”. Tư Cang chắc mẩm  đây là lính Sài Gòn trú ở doanh trại gần đó nên hỏi tiếp: “cấp bậc gì?”. “Dạ, trung tá, còn hai thằng này là hạ sĩ quan, đều là lính thợ của kho quân cụ, xin ông tha cho”. Tư Cang gật đầu:

- Ờ, bỏ xe lại đây, chạy trở vào nhà đóng cửa lại, đừng ra đường nữa, đơn vị phía sau đến bắn chết, nghe chưa!

Viên trung tá và thuộc hạ xuống xe chạy trở vô phía cư xá, nhưng Tư Cang gọi quay lại,  ngoắc viên trung tá lên ngồi cạnh mình để trả lời vắn tắt việc thao tác và sử dụng cần số của loại xe mới: “Thưa ông, chiếc xe này thuộc loại A2, loại mới nhất của jeep lùn (thời 1975). Máy nó tốt hơn hẳn các loại jeep cũ, chúng tôi mới dùng có mấy tháng nay”. Tư Cang nói: “được rồi, đi đi”, họ cảm ơn rồi chạy thẳng một mạch. Tư Cang quan sát kỹ trong xe thấy nệm ghế màu đỏ tươi, vỏ bọc chỗ ngồi còn bóng loáng. Sau xe, có đặt sẵn hai khẩu tiểu liên AR15, hai súng ngắn 12 ly, một bình điện dự bị và nhiều phụ tùng xe phòng khi trắc trở. Có cả một thùng mì tôm và một thùng bia hộp kèm theo nữa. Rõ là ba thầy trò viên trung tá đang chuẩn bị một cuộc đi xa, nhưng họ không biết rằng vào thời điểm ấy họ khó mà lọt ra khỏi vòng quân quản của lực lượng quân đội cách mạng. Vừa nghĩ như thế, Tư Cang vừa tự lái chiếc xe jeep lùn ấy chạy vào đường Hồng Thập Tự (đường Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay), đến cầu Thị Nghè, thấy một chiếc xe tăng của quân Sài Gòn bị bắn cháy đang còn nằm chình ình ra đó. Qua cầu, tới đầu ngõ hẻm vào cư xá Việt Nam Thương Tín, lòng ông bỗng chùng lại, bồi hồi, vì cuối ngõ hẻm hun hút kia là ngôi nhà của vợ con ông đang sống, họ phải biệt ly, xa cách nhau mấy chục năm ròng. Ông chưa thể vào đó được, mà phải phóng thẳng đến khu vực Giáo xứ Nguyễn Duy Khang để gặp một cán bộ biệt động chỉ huy trưởng mũi nổi dậy ở vùng Hàng Xanh là Nguyễn Bá Tòng và chỉ huy phó là Hai Truyền. Hai người đã đưa ông xem quang cảnh sáng 30.4 qua cuộn phim ghi hình vừa tráng xong: “Cuộn phim chụp rất đạt, hình ảnh sắc nét khá rõ ghi lại diễn biến từ ngã tư xa lộ qua nhà thương dưỡng lão, đến cầu Thị Nghè. Nhân dân đổ ra hai bên đường, tay cầm cờ cách mạng, nét mặt rạng rỡ, đón đoàn xe tăng, xe chở bộ binh như đón những người thân đi xa về. Tôi lấy kính lúp của anh Tòng trao cho đọc được cả những biển số xe đang đi trên đường sáng 30.4 như: CE 1949, CE 4211, CE 4250...”. Xem cuộn phim tài liệu quý này, Tư Cang mường tượng như thể đây là cuộc diễu binh trong thành phố thân quen của mình, thành phố mà ông đã trải qua hơn hai thập niên hoạt động bí mật, gắn bó với những tên tuổi trong ngành tình báo như Tư Trung (Phạm Xuân Ẩn), Bảy Vĩnh. Hoặc những chiến sĩ của Cụm H63 ít người biết đến vì công tác bảo mật, đã nằm xuống vĩnh viễn trước ngày 30.4 ở Sài Gòn như Năm Hải, Tư Lâm, Ba Cảnh, Sáu Ẩn, Tư Khương, Tư Re, Chín Ghém, Ba Đào, Tư Đạo... Họ đã cùng ông bám trụ những điểm nóng từ Củ Chi đến nội thành để thu thập tin tức tình báo, phân tích và đánh giá tình hình, chính xác tới nỗi Giám đốc cơ quan tình báo CIA ở Sài Gòn là William Colby đã có lần cảnh báo Nguyễn Văn Thiệu là trong lòng Sài Gòn và ngay cả dinh Độc Lập đang có mặt những điệp viên cộng sản. Những bằng chứng thuyết phục cho điều ấy sẽ được trình bày trong các kỳ tiếp theo của loạt bài này.

(Còn tiếp)

Giao Hưởng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.