Những bí ẩn về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung sắp được giải mã?

23/01/2006 22:37 GMT+7

Cuộc đời của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ chứa nhiều ẩn số mà người đời sau chưa thể khám phá hết được. Một trong những điều bí ẩn làm nhiều nhà nghiên cứu bận tâm và đau đầu nhất trong hàng chục năm qua là lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở đâu?

Theo sử cũ

Công việc xây dựng quốc gia đang tiến hành trôi chảy, thình lình Hoàng đế Quang Trung băng hà. Đó là ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý (15/9/1792). "Đại Nam chính biên liệt truyện" chép về việc Hoàng đế Quang Trung trước khi mất đã trối trăng lại với Trần Quang Diệu và triều thần như sau: "Sau khi ta mất rồi, trong một tháng lo chôn cất sơ sài cho xong việc mà thôi. Các ngươi phải lo phò thái tử sớm ra Vĩnh đô để khống chế thiên hạ. Nếu không bị quân Gia Định kéo ra, các ngươi không còn chỗ chôn đấy".

Cũng theo "Đại Nam chính biên liệt truyện", mộ Quang Trung được chôn ở khu vực nam sông Hương. Vào thời điểm tình hình thế nước năm 1792, có lẽ những di huấn của Quang Trung đã được các tướng lĩnh dưới quyền thực hiện. Lăng mộ của ông có thể đã được xây cất bí mật, sơ sài để tránh tai mắt của kẻ thù.

Mùa đông năm 1802, Gia Long về kinh đô Phú Xuân và tiến hành cuộc trả thù tàn khốc đối với nhà Tây Sơn. Theo "Đại Nam chính biên liệt truyện", mộ của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bị đào phá, thi hài bị giã nát rồi đổ bỏ, nhốt sọ vào ngục thất.

Từ đó cho đến những năm cuối thế kỷ XIX, do nhà Nguyễn vẫn còn nuôi hận thù với nhà Tây Sơn nên không ai dám nghĩ đến chuyện đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung.

Tìm kiếm và tranh cãi

Năm 1928, một học giả người Pháp ở Huế là L.Cadière, chủ bút tập san "Đô thành hiếu cổ" đã đặt vấn đề về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Cadière đã công phu khảo sát 317 ngôi mộ ở vùng ngoại ô Huế và dừng lại trước lăng Ba Vành ở làng Cư Chánh, ngoại ô Huế với bao nỗi thắc mắc. Tại sao giữa khu rừng âm u xa thành phố mà lại có một ngôi mộ lớn đến thế, nấm mộ bị đào, bia lại bị đục xóa. Cadière đã điều tra xác minh nhưng kết quả cho thấy đó không phải là mộ Hoàng đế Quang Trung.

Năm 1941, ông Nguyễn Thiệu Lâu, giáo viên môn Sử tại trường Quốc học Huế đã tiếp bước Cadière đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Sau một thời gian tìm kiếm, ông Nguyễn Thiện Lâu đã gặp lăng Ba Vành và đã khẳng định đó chính là mộ Hoàng đế Quang Trung.

Sự kiện này đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ và âm ỉ kéo dài cho đến năm 1974. Ngày 29/4/1974, có một phái đoàn đã dùng trực thăng đến lăng Ba Vành để khảo sát và sau đó đi đến kết luận: Lăng Ba Vành không phải là mộ Quang Trung.

Sau đó ít lâu, một số người trong phái đoàn này đã tìm các chứng cứ để phủ nhận lại kết luận trên, họ cho rằng lăng Ba Vành chính là mộ Hoàng đế Quang Trung.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), công việc tìm kiếm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung đã lôi cuốn nhiều cơ quan, nhiều nhà nghiên cứu, nhiều trường Đại học ở Hà Nội và Huế, trong đó đáng lưu ý là công trình nghiên cứu của cụ Nguyễn Hữu Đính, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TP Huế. Dựa vào các dữ kiện lịch sử, quan niệm phong thủy và quan niệm chọn sính phần của vua chúa Việt Nam, cụ Đính khẳng định: Lăng Ba Vành chỉ có thể là lăng Quang Trung được triều Tây Sơn ngụy trang để phòng nguy cơ Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, tàn phá lăng mộ Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là phỏng đoán.

Cuối năm 1987, ở Huế lại rộ lên "Sự kiện lăng Ba Vành và vấn đề lăng mộ Quang Trung" do ông Trần Viết Điền, cán bộ giảng dạy môn Vật lý trường ĐHSP Huế khởi xướng. Ông Điền đã đi sâu về nguyên lý dịch học và phong thủy, khai thác triệt để những chi tiết "có lý" về lăng mộ Quang Trung trong các bài thơ của Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích. Từ cơ sở này, ông Điền cũng có ý cho rằng, lăng Ba Vành là lăng của Hoàng đế Quang Trung.

Và rồi, giả thuyết này đã bị giới sử học bác bỏ bởi theo họ, chủ nhân của lăng Ba Vành là Ý đức hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát, chết vào đầu năm 1746.

Theo sử cũ, triều Cảnh Thịnh có xây một lăng mộ giả ở làng Linh Đường (Thanh Trì, Hà Nội) để sứ thần nhà Thanh sang điếu tang và sách phong cho vua mới. Năm 1998, Viện khảo cổ học Việt Nam đã tổ chức khai quật và đã chính thức xác nhận người nằm dưới mộ không phải là Hoàng đế Quang Trung.
Tiếp đó, nhà khảo cứu Nguyễn Đắc Xuân (Huế) đã âm thầm vào cuộc và đưa ra một giả thiết hoàn toàn mới với những kiến giải tỉ mỉ, cụ thể dựa trên sử sách và thực tế. Theo ông, vị trí phủ Dương Xuân của các chúa Nguyễn và cung điện Đan Dương sau này chính là Sơn Lăng của Hoàng đế Quang Trung. Sau đó, ông Nguyễn Đắc Xuân đã tổ chức một đoàn khảo cổ gồm nhiều nhà khoa học ở Huế, khai quật đường hầm phía tây ngôi nhà 62/13/12 đường Điện Biên Phủ, phường Trường An, TP Huế, để củng cố cho nhận định của mình. Đáng chú ý, ý kiến này của ông Nguyễn Đắc Xuân đã được học giả Hoàng Xuân Hãn tán đồng.

Mộ Quang Trung ở núi Khuân Sơn?

Bất ngờ, trong số xuất bản vào tháng 10/2005, Tạp chí Xưa và Nay (Hội Sử học Việt Nam) đã công bố một tư liệu có liên quan đến vấn đề lăng mộ Hoàng đế Quang Trung. Đó là bài thơ "Kiến Quang Trung linh cữu" (Nhìn thấy linh cữu Quang Trung) của ông Lê Triệu (1771-1846), quê ở Lệ Trung, Đại Trung, Hoàng Hóa, Thanh Hóa.

Trong "Kiến Quang Trung linh cữu", ông Lê Triệu cho biết, ông đã từng đến viếng lăng mộ Hoàng đế Quang Trung ở núi Khuân Sơn và rất đau xót, phẫn nộ khi lăng mộ Quang Trung bị Gia Long - Nguyễn Ánh phá hủy.

Vậy thì núi Khuân Sơn ở đâu? "Đại Nam nhất thống chí" có chép: "Núi Khuân Sơn ở phía nam huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế), có tên nữa là Thượng Sơn, vì hình núi tròn như vựa thóc...".

Vấn đề tìm lại dấu vết liên quan đến lăng mộ Hoàng đế Quang Trung vĩ đại đã trở thành mối quan tâm của hậu thế. Vì vậy có thể nói, thông tin trên là cực kỳ quý giá đối với giới nghiên cứu sử học, khảo cổ học, nhất là đối với những người quan tâm đến triều đại Tây Sơn và Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hy vọng, từ thông tin này, những bí ẩn về lăng mộ Hoàng đế Quang Trung sẽ được các nhà sử học, khảo cổ học nghiên cứu, giải mã và làm sáng tỏ.


Bài viết có tham khảo và sử dụng một số tư liệu từ:
- Đại Nam chính biên liệt truyện (Quốc sử quán Triều Nguyễn)
- Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán Triều Nguyễn)
- Những khám phá về Hoàng đế Quang Trung (PTS sử học Đỗ Bang)
- Nhà Tây Sơn (Quách Tấn - Quách Giao)

Huỳnh Thúc Giáp

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.