Những 'bảo tàng' độc đáo: 'Bảo tàng' của xứ vàng

Những tinh hoa của nghề, tiếc thay lại đang nằm im nơi các bộ sưu tập cá nhân hoặc lưu lạc đâu đó trong dân gian.

Những tinh hoa của nghề, tiếc thay lại đang nằm im nơi các bộ sưu tập cá nhân hoặc lưu lạc đâu đó trong dân gian.

Nghệ nhân Hồ Hồng Phước hiến tặng chiếc cân ngà voi quý hiếm - Ảnh: H.X.HNghệ nhân Hồ Hồng Phước hiến tặng chiếc cân ngà voi quý hiếm - Ảnh: H.X.H
“Ban đầu là nhà bảo tồn, nhưng tương lai gần sẽ là bảo tàng vàng đầu tiên ở VN nếu các bạn biết cách phấn đấu”, vị khách đến từ Hà Nội, một giáo sư có nhiều năm nghiên cứu bảo tồn văn hóa dân tộc đã ngạc nhiên khi nhìn thấy các hiện vật quý của nghề kim hoàn Quảng Nam.
Dạo một vòng quanh nhà bảo tồn mỹ nghệ văn hóa kim hoàn khai trương đầu tháng 11.2015 tại huyện Quế Sơn, vị khách này bảo ở nơi có hội mỹ nghệ kim hoàn rất lớn như Hà Nội cũng chỉ thấy trưng bày sản phẩm. Còn Quảng Nam lại sưu tập, phục chế được công cụ, máy móc, hiện vật kim hoàn cổ xưa để nhìn vào đó có thể hình dung ra lịch sử hàng trăm năm trước.
Từ cái cân bằng ngà voi đến máy thử hột xoàn
Tấm bản đồ Quảng Nam bằng chất liệu đá treo trang trọng ở gian giữa nhà bảo tồn, trên đó thu thập chữ ký của nhiều nhân vật nổi tiếng. Nhưng để có con dấu và chữ ký của 142 tiệm vàng Quảng Nam thì lại không dễ. Trần Văn Anh, chủ hiệu vàng Ngọc Minh (H.Duy Xuyên), đã vất vả suốt nhiều tháng mới thu thập được. “Ban đầu họ sợ mình tiếp cận thông tin rồi gây bất lợi cho việc kinh doanh, nên rất dè dặt”, anh kể. Bây giờ thì mọi chuyện đã khác, hàng trăm hiện vật quý yên vị trên các kệ tủ. Ông Trần Đình Phi, thành viên ban vận động, tiết lộ từ 5 - 7 năm trước, một vài anh em đã khởi sự gầy dựng bảo tàng vàng. Khi gian thờ nhị vị tổ sư nghề kim hoàn hoàn tất tại H.Quế Sơn, họ càng thêm quyết tâm. “Có lẽ do tổ nghề “chỉ dẫn”. Bởi ý tưởng ban đầu thấy cũng nhỏ thôi, ngờ đâu lại hình thành nên công trình này”, ông Phi tâm sự.
Cầm trên tay chiếc cân làm bằng ngà voi, nghệ nhân Hồ Hồng Phước (hiệu vàng Vĩnh Lộc) nói: “Hiện vật này ngót 200 tuổi rồi đó!”. Ông xúc động vì vật gia bảo đã thành tài sản chung. Loại cân bằng ngà voi rất ít gặp, thường các đại gia dùng để cân thuốc phiện, nhưng cũng có thể cân vàng. Nhiều thế hệ trong gia đình ông Phước giữ kín, giờ mang ra hiến tặng không chút tiếc nuối. Món quà ấy được sắp xếp ngăn nắp cùng với loại cân tiểu li đủ kiểu dáng, các sản phẩm bật lửa tinh xảo, máy thử hột xoàn, bình xăng, bộ bàn chạm khắc tinh vi của thợ xưa…
Đôi bông tai tàn ô nhỏ xíu trong lòng bàn tay
Những chiếc bật lửa được trang trí lạ mắt
Góp nhặt tinh hoa của nghề
Nghệ nhân Trần Văn Anh đang giữ đôi bông tai tàn ô vừa mua khoảng 2 tháng trước từ một cô gái. Nói là cầm cố tạm rồi sẽ chuộc, nhưng mãi không thấy chủ nhân quay lại. Kỷ vật truyền đã 3 đời, túng bấn lắm mới mang đi bán để nhận khoản tiền tương đương 1 chỉ vàng. Trong con mắt nhà nghề của thợ kim hoàn, đây là di sản quý. Thợ xưa đã phải dùng búa “doa” cục vàng rồi kéo thành sợi mảnh đến mức chỉ còn khoảng 1/10 li, sau đó mới tỉ mỉ đan theo hình những chiếc nan rổ. Anh quả quyết sẽ sớm hiến tặng đôi tàn ô cho “bảo tàng vàng”, để hậu thế biết từng có những món đồ mỹ nghệ tinh xảo như thế trong quá khứ, giờ muốn làm lại cũng không thể…
Những tinh hoa của nghề, tiếc thay lại đang nằm im nơi các bộ sưu tập cá nhân hoặc lưu lạc đâu đó trong dân gian. Vậy là cả trăm hội viên kim hoàn xứ Quảng khởi sự truy tìm và sẵn sàng góp tiền mua để làm đầy bộ sưu tập chung. Ai tặng gì cũng đều được khắc chữ trang trọng. Có cả những chiếc cân tiểu li thô sơ, dụng cụ lấy quặng, cán vàng, phân kim, đồ nghề chế tác trang sức, khảm cẩn bằng tay... Riêng mô hình long thuyền, phương tiện mà gia đình tổ sư Cao Đình Độ đi từ Cẩm Thủy (Thanh Hóa) vào Phong Điền (Thừa Thiên-Huế) tầm sư học nghiệp hồi thế kỷ 18, thấy gắn thêm 18 lá cờ. Như một biểu tượng “cùng hội cùng thuyền” của thợ kim hoàn 18 huyện, thành phố tại Quảng Nam.
Nhận lời hỗ trợ trưng bày bộ sưu tập kim hoàn, họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (nguyên Trưởng phòng nghiệp vụ - Trung tâm quản lý bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Nam) sực nhớ đến Kosa linga, báu vật quốc gia làm bằng vàng phát hiện tại H.Đại Lộc, đang lưu giữ tại Bảo tàng Quảng Nam. Cùng với bao nhiêu đồ trang sức bằng vàng tìm thấy qua các cuộc khai quật khảo cổ học, ông Hỷ đặt nghi vấn phải chăng mỏ Bồng Miêu cung cấp nguồn nguyên liệu và chính bàn tay tài hoa của người bản địa đã chế tác nên những sản phẩm tinh tế kia? Ông Hỷ thốt lên: “Xứ vàng Quảng Nam mà không sớm có một bảo tàng vàng thì quá tiếc!”.
“Nương thân” cạnh... cây xăng
“Bảo tàng vàng” hiện đang tạm “nương thân” ở khu văn phòng rộng khoảng 200 m2 trong khuôn viên cây xăng cạnh QL1A ở H.Quế Sơn, do ông Trần Đình Hoàng (chủ tiệm vàng Khải Hoàn ở H.Thăng Bình) sở hữu. Ông Hoàng khẳng định mình cho mượn địa điểm vô điều kiện, nhưng cũng không thể làm bảo tàng kim hoàn ở đây vì diện tích quá nhỏ. Hiện các hội viên kim hoàn Quảng Nam đang vận động chính quyền địa phương nghiên cứu hỗ trợ khoảng 2.000 - 3.000 m2 đất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.