Những bài hát nổi tiếng 'chết hụt'

30/10/2016 08:56 GMT+7

Giai điệu tự hào Tình trong lá thiếp cho biết Câu hò bên bến Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Bài ca hy vọng của nhạc sĩ Văn Ký suýt nữa đã không được hát để rồi nổi tiếng như bây giờ.

Những người yêu nhạc sĩ Hoàng HiệpCâu hò bên bến Hiền Lương chắc chắn sẽ vô cùng biết ơn NSƯT Văn Hanh, nghệ sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông chính là người đã tìm thấy bài hát Câu hò bên bến Hiền Lương trong tập bài hát chưa có kế hoạch được sử dụng.
“Ông tìm thấy một bản nhạc là Câu hò bên bờ Hiền Lương trong tập bài hát chưa sử dụng đến và có lẽ là không sử dụng đến. Sáng hôm sau ông đề nghị bài này rất hay phải phối âm phối khí cho tôi”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ câu chuyện của NSƯT Văn Hanh, cha mình - trong chương trình Giai điệu tự hào Tình trong lá thiếp. Ông chính là người đã tìm thấy bản nhạc và cũng là người đầu tiên hát bài hát trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.
Bài hát tưởng không được chọn hát đó sau này đã trở thành một cây cầu nối tinh thần giữa người dân hai bên bờ vĩ tuyến 17, những ngày đất nước bị chia cắt sau hiệp định Genève. “Khi bố tôi đến hát bài hát đó bên bờ Hiền Lương, đồng bào bờ bên kia nghe thấy khóc. Họ phải che nón để khóc. Bố tôi cũng khóc nhưng ông không phải che nón vì đang ở bờ bên này”, bà Thái nhớ lại.
Ca sĩ Vân Khánh hát Câu hò bên bến Hiền Lương Ảnh BTC cung cấp
Bài ca hy vọng do Khánh Linh thể hiện nhận được nhiều bình chọn của khán giả ở trường quay Ảnh BTC cung cấp
Không chỉ có Câu hò bên bến Hiền Lương suýt không được hát, một bài hát nổi tiếng khác trong Giai điệu tự hào tối 29.10 cũng từng “chết hụt”. Đó chính là Bài ca hy vọngcủa nhạc sĩ Văn Ký. Ông chia sẻ, khi bài hát mới ra đời, có người cho rằng nghe nó lạc quan quá, lãng mạn quá.
“Có người có ý kiến ngầm bảo không hát bài này. Rồi nhà xuất bản nói anh nên chữa để hợp với nhiều người. Nhưng may thay đài phát thanh thu không sửa gì. Bài hát thu hết một ngày, và Khánh Vân là người đầu tiên hát… Tôi nghĩ nếu chúng ta nên có cái nhìn rộng lượng với nghệ thuật nếu không thì chết. Bài hát của tôi suýt chết. Chính nhân dân là người đã cứu nó. Tôi nghe thấy dân người ta hát, tôi sướng quá, tôi phải ngồi sụp xuống.Tôi gửi được cả bài ca vào miền Nam…”, nhạc sĩ Văn Ký nói.
Bên cạnh câu chuyện của những bài ca nổi tiếng suýt "chết hụt", Giai điệu tự hào Tình trong lá thiếp đều mang câu chuyện xuyên suốt về những cuộc chia ly Nam Bắc. Những câu chuyện đó nhiều lần được gửi qua những bức thư để trần. Những lá thiếp như thế thường có đường đi rất dài. Nó có thể đi từ 1960 đến 1962, 1963 mới tới tay người nhận. Lâu đến như thế vì nó đã phải đi vòng qua nhiều nước, thậm chí sang cả Pháp rồi quay về Campuchia trước khi tới nơi ở Việt Nam.
Cũng chính vì bề dày hình dung từ quá khứ như vậy nên những bản phối mới đã khiến không chỉ ca sĩ phải thử sức, nó còn khiến cả hội đồng bình luận ngỡ ngàng. Với phần biểu diễn guitar Hawaii của nghệ sĩ Đoàn Đính, nhạc sĩ Đức Trí đã có một trải nghiệm khác hẳn về bài hát Gửi người em gái miền Nam của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. “Những điệu thời kỳ đó rất Tây, nhưng bài hát này tại sao nó có hai câu kết rất dân gian. Hôm nay nó vang lên với giai điệu Bắc Bộ thì tôi hiểu vì sao. Cây đàn guitar Hawaii nay diễn đạt âm của Việt Nam rất trọn vẹn”, nhạc sĩ Đức Trí nói.
Hồ Trung Dũng với Áo lụa Hà Đông Ảnh BTC cung cấp
Trung Quân Idol cho biết thoạt đầu rất run khi nhận hát Tình ca. Ảnh BTC cung cấp
Một cảm giác “mắm tôm trộn mỳ Ý” ngon lành khác của chương trình là giai điệu trên đàn nguyệt làm nền cho bài Áo lụa Hà Đông. Nghệ sĩ Đức Dũng đã tự sáng tạo phần đệm cho bài hát này mà không bị phụ thuộc vào người phối khí. Điều kỳ lạ là âm hưởng dân tộc này lại vô cùng hợp với âm hưởng jazz ngọt ngào của bản phối.
Tình ca do Trung Quân Idol thể hiện có lẽ nên dũng cảm hơn để có được một màu sắc mới hơn hẳn. Trong khi đó, sự tươi trẻ của Bài ca hy vọng qua giọng hát Khánh Linh đã chinh phục hầu hết khán giả có mặt tại trường quay. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong thể hiện lại thuộc về Có phải em mùa thu Hà Nội của diva Hồng Nhung. Được nhạc sĩ Đức Trí “trục vớt” từ kho tư liệu từ 1971 rồi đẩy lên thành một bài hát đậm dấu ấn Hồng Nhung năm 1991, lần này bài hát được thêm vào phần acoustic với ngón nghề guitar điêu luyện của nhạc sĩ Thanh Phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.