Nhớ "Màu tím hoa sim"

20/03/2010 05:13 GMT+7

19 giờ ngày 18.3.2009, nhà thơ Hữu Loan - tác giả của bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim đã đi vào cõi vĩnh hằng tại nhà riêng (thôn Vân Hoàn, xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), thọ 95 tuổi. Mời nghe đọc bài

Ít có nhà thơ nào ra đi ở cái ngưỡng thượng thọ như nhà thơ Hữu Loan. Sau hơn một năm đau ốm, ông đã ra đi thanh thản trong một không gian “màu tím” rất riêng của ông, “tím chiều hoang biền biệt”. Khép lại một chuỗi ngày dài đằng đẵng đến cả 50 năm nhọc nhằn thể xác lẫn tinh thần. Chỉ khoảng mười năm cuối đời ông mới nếm trải được hương vị ngọt ngào của “đứa con tinh thần” khi mà Công ty cổ phần công nghệ Việt Vitek VTB mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim với giá 100 triệu đồng (ngày 19.12.2004).

Nói tới Hữu Loan là phải nhắc đến bài thơ Màu tím hoa sim - bài thơ đã hơn 60 tuổi và đã được bao nhiêu thế hệ yêu thích thơ ca chép vào sổ tay thơ. Trên BBC News ngày 10.11.2002, trong bài viết Chiến tranh đã tạo nên cảm xúc cho các nhà thơ trên thế giới như thế nào?, tác giả L.Pollard đã chọn Màu tím hoa sim là một trong ba bài thơ tiêu biểu viết về đề tài chiến tranh. Đó là một bài thơ đầy tâm trạng của người lính Vệ quốc quân hay tin người vợ trẻ vừa mất ở quê nhà.

Màu tím hoa sim được Nguyễn Bính đăng trọn vẹn lần đầu tiên trên báo Trăm hoa vào năm 1956. Bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc như: Áo anh sứt chỉ đường tà (Phạm Duy), Màu tím hoa sim (Duy Khánh), Những đồi hoa sim (Dzũng Chinh), Chuyện hoa sim (Anh Bằng), Tím cả chiều hoang (Nguyễn Đặng Mừng), Tím cả rừng chiều (Thu Hồ), Chuyện người con gái hái sim (?)... Trong đó phổ biến nhất là các bài hát của Dzũng Chinh và của Phạm Duy.

Dạo ấy (khoảng năm 1932 - 1933), chàng thanh niên Nguyễn Hữu Loan con nhà nghèo nhưng học giỏi nổi tiếng. Cha mẹ cày thuê cuốc mướn, đi học “bữa đực bữa cái” mà lại đỗ đầu  kỳ thi cao đẳng tiểu học. Để có thể học tiếp, Hữu Loan phải vừa đi dạy vừa theo học trường Trung học Đào Duy Từ (Thanh Hóa). Năm 1941, Hữu Loan ra Hà Nội thi tú tài. Có tới 700 thí sinh dự thi nhưng số người đỗ chỉ “đếm đủ trên đầu ngón tay”. Vậy mà trong số đó có anh học trò nghèo tự học ở tỉnh Thanh. Vì mến sự hiếu học của “cậu tú Loan” nên bà Đái Thị Ngọc Chất - vợ của ông thanh tra canh nông Đông Dương Lê Đỗ Kỳ đã bàn cùng chồng mời Hữu Loan làm gia sư cho các con của mình: Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên (sau này là trung tướng Phạm Hồng Cư) và Lê Đỗ An. Chính từ chuyện làm gia sư trong gia đình này mà sau này kết thành mối lương duyên giữa Hữu Loan và cô em gái Lê Đỗ Thị Ninh của 3 người anh trai này. Họ kết hôn ngày mùng 6 tháng hai (âm lịch) năm 1948, khi đó Hữu Loan 33 tuổi còn nàng mới 17.

Lúc đó “Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình/yêu nàng như tình yêu em gái/ Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới/Tôi mặc đồ hành quân/Đôi giày đinh bết đất bùn hành quân/Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo/Tôi ở đơn vị về/Cưới nhau xong là đi...”.

Hữu Loan từ biệt người vợ trẻ, trở về nơi đơn vị đang đóng quân ở vùng Thọ Xuân (Thanh Hóa) cách nhà khoảng 100 km. Chỉ hơn 3 tháng sau ngày cưới, người vợ trẻ ra sông giặt áo, bị trượt chân ngã và nước lũ cuốn trôi.

“...Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím/Áo nàng màu tím hoa sim/Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ/Nàng vá cho chồng chiếc áo ngày xưa/Một chiều rừng mưa/Ba người anh từ chiến trường Đông Bắc/ Biết tin em gái mất trước tin em lấy chồng/Gió sớm thu về rợn rờn nước sông/Đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị...

Chiều hành quân qua những đồi hoa sim/Những đồi hoa sim/Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết/Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt...

Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau/ Chiều hoang tím có chiều hoang biết/Chiều hoang tím, tím thêm màu da diết...

Màu tím hoa sim tím tình tang lệ rớm/Tím tình ơi lệ ứa/ Ráng vàng ma và sừng rúc điệu quân hành/Vang vọng chập chờn theo bóng những binh đoàn/Biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím/Tôi ví vọng về đâu? Tôi với vọng về đâu?...”.

Xin tiễn biệt tác giả của một trong những bài thơ tình hay nhất thế kỷ XX! 

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.