Nhớ giai điệu của huyền thoại ABBA giữa mùa giãn cách

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
27/08/2021 16:00 GMT+7

5 bản thu âm mới của nhóm nhạc huyền thoại Thụy Điển ABBA sẽ trở lại mùa thu này, khi bộ tứ đều đã trên 70 tuổi. Thông tin ấy lan tỏa trên bầu trời âm nhạc thế giới một cách hào hứng.

Cảm xúc ấy cũng không ngoại lệ với tôi. Để được nghe những ca khúc mới của ABBA sẽ ra sao, sau ngần ấy năm.
Trong không gian giãn cách của Sài Gòn những ngày này, với dấu mốc thời gian như kéo ngược những thính giả lớn tuổi trở về với vòng quay của chiếc băng cassette dạo ấy. Mà hầu như nhiều người bây giờ còn nhớ cả hình ảnh của cả nhóm nhạc được in phủ bìa, len sau lớp nhựa vỏ băng và những cuộn dây băng dài 90 m, với dòng chảy âm nhạc mượt mà chứa đựng “trong ruột” dây.
Giọng ca của huyền thoại ABBA một thời ngân lên lần đầu tiên trong tôi là vào năm 1986, lúc ấy đã bước qua tuổi đôi mươi, giữa những gian nan tột cùng của tháng năm bao cấp.
…Đó là một ngày chớm xuân, khi đi thực tập sư phạm ở trường Trung học phổ thông TX.Đông Hà, nay là thành phố tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Trị. Tan học xong, một cậu học trò mời tôi (lúc ấy là giáo viên thực tập hướng dẫn) và vài đứa bạn về nhà chơi. Ngôi nhà nằm ở mặt tiền đường quốc lộ số 9, trục đường ngược lên Khe Sanh, Lao Bảo để từ đó xuyên qua Lào. Cậu học trò nhẹ nhàng đặt cuộn băng ABBA vào một dàn loa máy Akai đặt ở góc nhà. Sau đó, khi hỏi về dàn âm thanh ấy ở đâu ra, tôi mới được rỉ tai cho biết: “Ba em đặt mua ở bên Thái. Khó khăn lắm mới về được đây”. Hóa ra, ba của cậu học trò ấy là đoàn trưởng một đoàn xe chuyên chở hàng quá cảnh sang Lào!
Âm thanh bừng dậy, giọng ca phối với nhạc cụ qua đôi tay và sự cảm âm tài hoa của các nghệ sĩ tưởng chừng rất ngẫu hứng nhưng chuyên nghiệp và đẳng cấp của Agnetha Fältskog, Björn Ulvaeus, Benny Andersson và Anni-Frid Lyngsta, khiến tôi ngây ngất.

Những kỷ vật của nhóm nhạc ABBA được trưng bày trong bảo tàng tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển)

Ảnh: Gia An

Giọng nữ chính của ABBA, Agnetha Fältskog nay tái xuất thì cũng đã 71 tuổi, nhưng lúc ấy thực sự đã “khuấy đảo” một cách thần kỳ những cung bậc trải trên khung nhạc với nào là Happy New Year, Dancing Queen, Voulez-Vous… ghi dấu ấn khó thể phai nhòa. Suốt một buổi chiều như thế, âm thanh ấy cứ lan rộng trên triền đồi của một thị xã còn hoang phế sau chiến tranh, lúc ấy mới vừa bước qua năm thứ 11!
Nối tiếp những ngày sau đó, trước khi rời trường sư phạm để lên cao nguyên, tôi cũng nhiều lần nghe ban nhạc nổi tiếng thuở ấy qua “dàn máy độ” của một đồng nghiệp dạy toán, có ngôi nhà nhỏ bên kia cầu Gia Hội (Huế). Thầy Duy Tuấn dạy kèm toán cho học trò ở xứ cố đô, theo cách xưng hô của các phụ huynh thời bấy giờ, có lẽ là người mê nhạc hiếm thấy.
Để có một dàn máy nghe nhạc, Tuấn đã cất công đi tìm tay thợ lành nghề nhất của Huế, để “độ” một dàn nghe nhạc, mà theo tôi có lẽ xịn còn hơn cả dàn “đặt bên Thái” của cậu học trò đã kể. Những năm của thập niên 1980, ở một thành phố hay một thị xã, có vài ba người rất giỏi nhặt nhạnh các thiết bị cũ để ráp nối, thành ra các dàn máy như vậy. Có khi loa một đằng, máy một nẻo, ampli một nơi, lại thành ra bộ dụng cụ chuyển tải thần tình những bản nhạc ở nơi xa lắc xa lơ của mấy ban nhạc, mà nhóm ABBA là một huyền thoại.

Những đĩa nhạc đánh dấu thành công của nhóm nhạc huyền thoại ABBA

Ảnh: Gia An

Và để có những album riêng của mình, Tuấn đã “săn tìm” ABBA theo cách của giới mộ điệu thời ấy hay làm. Anh đến quầy thu âm Thìn bên hông chợ Đông Ba để tìm nhạc của nhóm ABBA. Lần hồi, qua mấy năm, gia tài âm nhạc sưu tầm của Tuấn lên đến hàng trăm chiếc băng cassette, toàn là tuyển. Hồi ấy, anh nói với tôi: “Có bao nhiêu tiền, mình chỉ chuyên tâm bỏ vào việc thuê thu âm các bản nhạc mình thích”. Và anh khoe, riêng nhóm ABBA cũng được vài chục bản!
Buổi sáng 27.8, khi đọc thông tin nhóm ABBA trở lại với 5 ca khúc mới sau gần 40 năm vắng bóng, tôi kết nối Zalo với Tuấn. Anh hồ hởi nói rất vui khi nghe tin này, nhưng cũng rất tiếc qua nhiều lần chuyển nhà và chịu lụt lội mấy bận nên bây giờ số băng cassette không biết đã thất lạc hao hụt đi bao nhiêu.
Nhưng, cái sự hào hứng của Tuấn với nhạc thì vẫn nguyên vẹn. Anh nói: “Sở dĩ nhiều người thích nhạc ABBA một thời, là bởi nhạc của nhóm này rất khó lẫn. Khung lót giai điệu của các bản đều “xài” piano, chơi thăng hoa một cách đẳng cấp. Chẳng hạn với bản Happy New Year, qua hàng thập niên, dù sau này có vài nhóm thử chơi, nhưng đều không qua được ABBA. Đó chỉ là một trong rất nhiều ví dụ để thấy bản sắc của họ. Cũng phải nói cách chơi nhạc của ABBA dù là thể loại pop, hay pop rock hoặc rock and roll thì vẫn biến hóa, không lặp lại và sắc thái của mỗi nhạc cụ trong một dàn âm thanh rất rõ, không nhập nhòe: trống ra trống, bass ra bass, ắc-co ra ắc-co… nên người nghe không bị… ngán hoặc có thể bị “mệt” như khi nghe nhiều ban nhạc sau này”.
Tôi hiểu, đó là sự định vị phong cách khó phai của ban nhạc một thời với khán thính giả. Nên chi bây giờ, thông tin ABBA tụ họp để trở lại phòng thu, vẫn có sức cuốn hút. Mặc dù trong dự định của họ, sự trở lại này đúng ra vào năm 2019 nhưng do dịch bệnh nên phải hoãn.

Cây đàn guitare được sử dụng cho ca khúc Waterloo của ABBA trong cuộc thi Eurovision 1974

Ảnh: Gia An

Bây giờ ở năm 2021, khi Sài Gòn nói riêng và nhiều nơi trên thế giới nói chung vẫn đang gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19, song mùa thu này, có lẽ những khuôn mặt một thời của nhóm nhạc huyền thoại ABBA với những bản nhạc mới của họ vẫn được nhiều người háo hức đợi chờ.
Tự dưng, tôi lại hình dung về buổi chiều nọ được nghe nhạc ABBA, trên cung đường ngoằn ngoèo của quốc lộ 9, khi hàng rào kẽm gai của cuộc chiến ở đôi nơi vẫn chưa được cuốn lại. Và lại nhớ như in những ngày lang thang ở Huế, với người bạn đã từng nhịn ăn sáng, để thu cho được vài bản nhạc yêu thích…
Nhóm nhạc huyền thoại Thụy Điển đã chia sẻ một bài đăng trên mạng xã hội hôm 26.8 thông báo về sự kiện ABBA Voyage, đồng thời mời người hâm mộ tham gia trang web quảng bá sự kiện của nhóm vào ngày 2.9 tới. Các thành viên Agnetha Fältskog (71 tuổi), Björn Ulvaeus (76 tuổi), Benny Andersson (74 tuổi) và Anni-Frid Lyngstad (75 tuổi) cùng chia sẻ một đoạn clip ca khúc You Owe Me One (ra đời năm 1982) trên Instagram cùng với thông tin về ABBA Voyage. 
Buổi hòa nhạc ABBA Voyage sẽ có sự góp mặt của các thành viên nhóm nhạc huyền thoại biểu diễn dưới dạng ảnh ba chiều (3D) của chính họ trong thời kỳ hoàng kim. Chương trình dự kiến đặt tại một địa điểm có sức chứa 3.000 khán giả ở đông London (Anh) - nơi sẽ mở cửa vào mùa xuân năm tới. Thành viên Björn Ulvaeus cũng nói với tờ The New York Times và The Times rằng ABBA đã ghi âm 5 ca khúc mới và sắp phát hành vào mùa thu năm nay.

Nhóm nhạc ABBA của Thụy Điển lừng danh thế giới từ thập niên 1970

ẢNH: BILLBOARD

Nhóm nhạc ABBA được thành lập vào năm 1972 với 4 thành viên là Agnetha Fältskog (SN 1950), Björn Ulvaeus (SN 1945), Benny Andersson (SN 1946) và Anni-Frid Lyngstad (tên thân mật là Frida - SN 1945). ABBA đã tiêu thụ gần 400 triệu đĩa nhạc trên toàn thế giới, kỷ lục này chỉ đứng sau vua nhạc rock and roll Elvis Presley và ban nhạc The Beatles. Tuy nhiên, kể từ khi tan rã (năm 1982) đến nay, các thành viên của ABBA chưa từng trình diễn cùng nhau trước công chúng. Lần hội ngộ gần đây là hồi tháng 5.2013, khi 3 thành viên cùng tham dự lễ khánh thành bảo tàng ABBA tại Stockholm (trừ Agnetha Fältskog vắng mặt do bận quảng bá album mới tại Anh)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.