Nhớ cồn cào tuổi thơ

25/09/2010 10:34 GMT+7

Có người hỏi tôi, sao người nơi khác đến viết về Hà Nội thì rất nhanh, mà tôi thì vất vả thế? Đúng là người sống lâu ở Hà Nội cảm nhận về thủ đô không ào ạt như người mới đến.

Năm 1986, Linh, con trai tôi, đi xa. Tôi nhớ, chiều ấy, vào đúng sinh nhật Linh, nỗi nhớ cồn lên da diết. Tôi ngồi vào bàn, và viết, những dòng đầu tiên chợt đến thế này: Những phố phường tuổi thơ tôi, Hà Nội/ Những con đường tuổi thơ tôi, Hà Nội/ Phố hàng Đào, hàng Bông, những đường về cửa ô/ Những ngày hè, chiều đông/ Để nhớ, để mong/ Để ngóng, để trông...
 
Bản thảo đầu tiên đề ngày 6-1-1986, dành tặng cho con trai. Nhưng không giống phần đông những bài hát khác, đọc đi đọc lại, những ca từ bài hát vẫn làm tôi không hài lòng.
 
Mất 8 năm để hoàn thiện ca khúc
 
Rất lạ, có những khi bốc lên hát vài câu cũng thành bài hát, có bài chỉ viết mất hai phút, như Tôi về đây nghe sóng, nhưng cũng lại có những bài viết rất lâu mà tôi vẫn không ưng ý, Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội chẳng hạn.
 
Suốt 8 năm liền, từ 1986 đến 1994, năm nào tôi cũng đem bài hát ra sửa, mỗi lúc một chút, và mãi vẫn tự thấy chưa thể hoàn thiện được. Ban đầu là Những phố phường đã thành tranh, những con đường đã đi vào thơ. Những phố phường rất mơ... sau thành Những phố thường tuổi thanh xuân hò hẹn. Những con đường gợi bao nhiêu kỷ niệm. Những chiều chiều hồ Tây, những thu sang hồ Gươm. Những xa xưa Trần Lê, những hôm nay dựng xây. Một dáng hào hoa, một thoáng ngàn xưa... nhưng vẫn không thấy thật đã.
 
Tôi nhớ, đã ghi vào bản thảo của mình “đây mới chỉ là tư liệu”. Thực ra, lúc đó cho công bố cũng được nhưng cái “cảm” của người nghệ sĩ giúp tôi biết dừng lại ở chỗ nào, biết đưa ra vào lúc nào.
 
Cho đến tận một ngày, khi ra sân bay đón một người chị 40 năm xa cách mới trở về Việt Nam, câu đầu tiên chị ấy nói: “Cường ơi, chị nhớ mãi ngày chị xa Hà Nội”. Chao ôi, cái câu nói của người con xa quê lâu này nó mới xúc động làm sao. Ngày ra đi là một thiếu nữ, ngày về, mái tóc đã điểm sương.
 
Tôi giật mình khi nghe câu nói của chị tôi, và từ đó, nảy ra câu hát: Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội để mở đầu cho ca khúc.
 
Đúng là phải lùi xa để nhìn lại mới thấy những gì mình đã mất, đã xa đáng quý nhường nào, thứ tình cảm ấy cũng giống như thể tình yêu vậy.
 

Run người khi nghe Tùng Dương hát

Chắc có lẽ đồng cảm với tôi, ca sĩ Đức Chính, một người Hà Nội gốc, đã trở thành người hát đầu tiên và rất thành công, đưa bài hát đến với rất đông khán giả. Mười lăm năm sau, vào dịp đại lễ ngàn năm, một người nữa cũng đã khiến tôi phải run người khi nghe lại bài hát của mình, đó là ca sĩ Tùng Dương. Dương hát đắm say, đúng chất một nghệ sĩ, và khi tôi nhắm mắt nghe lại, thấy như đâu đây những ngày tuổi thơ đã ùa về.

Và thế rồi tôi đã có thể chia sẻ với khán giả: Nhớ vô cùng ngày tôi xa Hà Nội/ Những phố phường tuổi thơ tôi bồi hồi/ Phố Hàng Lược chợ hoa, phố Hàng Đào lụa tơ/ Đất Thăng Long người ơi/ Mái nhà nào chờ tôi/...
 
Những tháng ngày tuổi thơ tôi - Hà Nội/ Những chiều chiều đội mưa/ Lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ... / Bài hát mùa đông, làn gió mùa đông/ Phía sông Hồng/ Những cánh buồm, những cánh buồm nâu/ Những con thuyền dắt nhau về đâu/ Bãi dâu chiều khuất xa/ Mãi vẫn là tuổi thơ tôi - Hà Nội/ Mãi vẫn là bà tôi, dắt tôi trong chiều nghiêng...
 
Chắt lọc từ cuộc sống chính mình
 
Có nhiều người hỏi tôi sao lại “chiều nghiêng”? Thực ra là bà nghiêng, vì bà còng, nhưng tôi cứ tưởng là lưng bà thẳng, còn chiều mới nghiêng. Nghe vô lý, nhưng lại rất có lý là thế.
 
Có người hỏi tôi, sao người nơi khác đến viết về Hà Nội thì rất nhanh, mà tôi thì vất vả thế? Đúng là người sống lâu ở Hà Nội cảm nhận không ào ạt như người mới đến.
 
Tôi sống ở Hà Nội, phố cổ. Cả tuổi thơ của tôi gắn với Hà Nội, với những bãi dâu sông Hồng, những nỗi nhớ quay quắt, cả những ngày hoang mang tột độ không biết sẽ về đâu.
 
Những gì tôi viết đều là những điều tôi đã chắt lọc từ cuộc sống của chính mình, bằng những trải nghiệm từ muôn vàn kỷ niệm. Không phải ngẫu nhiên mà có Phía sông Hồng/ Những cánh buồm, những cánh buồm nâu/ Những con thuyền dắt nhau về đâu/ Bãi dâu chiều khuất xa...
 
Đó là cả một câu chuyện bi thương của người bạn tôi thời hoang mang, khốn khó những năm 1983-1985. Trong đêm gió mùa đông bắc, mưa lạnh đến run người, người phụ nữ với đứa con 5 tháng tuổi bị gió đánh trôi thuyền về phía bãi dâu sông Hồng, đau đớn, xót xa.
 
Và nữa,  Những chiều chiều đội mưa/ Lũ bạn bè ngày xưa/ Trốn học đi tìm thơ cũng là những kỷ niệm thời học ở trường THPT (nay là Trường THPT Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm). Thuở ấy, chúng tôi thích bắt chước nhà văn Maxim Gorki, bỏ học đi làm nghề với hy vọng sẽ trở thành mẫu người như nhà văn thần tượng của mình. Sông Hồng khi ấy có rất nhiều bè gỗ từ miền ngược xuống, chúng tôi xin lên bè, đổi lại, sẽ dạy chữ cho người chở bè, kiểu như bình dân học vụ vậy.
 
Cứ thế, nhiều bạn của tôi bỏ học lang thang dọc sông Hồng, sống như những lãng tử với cuốn sổ thơ. Chưa người nào trong đám bạn tôi sau này trở thành như Gorki nhưng chúng tôi có được những trải nghiệm tuyệt vời để nhìn lại, có thể viết về những ngày “trốn học đi tìm thơ” rất ấn tượng của mình.  
 
Theo Người Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.