Nhịp điệu huyền bí của 'Những lớp sóng'

24/04/2021 17:10 GMT+7

“Vì là một tác phẩm rất khó đọc, dĩ nhiên Những lớp sóng cũng là một tác phẩm rất khó dịch”, lời giới thiệu của chính dịch giả Nguyễn Thành Nhân khiến người đọc bị thu hút mạnh mẽ với cuốn sách được xem là tuyệt phẩm văn chương hiện đại của Virginia Woolf.

Những lớp sóng (The Waves) là cuốn tiểu thuyết thứ bảy của Virginia Woolf, cũng là cuốn tiểu thuyết dịch cuối cùng của nhà văn - dịch giả Nguyễn Thành Nhân trước khi anh qua đời đột ngột ngày 7.11.2020 ở tuổi 57. Những lớp sóng được tác giả của Mùa xa nhà đặc biệt dành nhiều tâm sức, cũng tương đồng với việc nó là tác phẩm được nữ tiểu thuyết gia, tiểu luận gia, nhà phê bình văn học Anh Virginia Woolf đặc biệt lao tâm khổ tứ nhiều nhất so với quá trình tạo tác các tiểu thuyết khác của bà.
Dịch giả cho biết, Virginia Woolf khởi thảo tác phẩm vào khoảng tháng 9.1929 và hoàn thành vào tháng 2.1931, sau nhiều lần chỉnh sửa. Bà muốn The Waves là “tác phẩm đầu tiên của tôi theo phong cách của chính tôi”, và bà tự gọi đó là “kịch thơ” hơn là tiểu thuyết.
Và quả đúng là một tác phẩm khó đọc, nếu bạn chú mục tìm đến những nhân vật, tình tiết, câu chuyện với những bối cảnh, diễn tiến, nút thắt và có đầu có cuối như với thể loại tiểu thuyết quen thuộc. Những lớp sóng không mang đến cho bạn điều đó một cách dễ dàng, tác phẩm đòi hỏi bạn đọc chậm, kỹ, và hóa thân vào mỗi nhân vật, phát huy trí tưởng tượng, tư duy của chính mình để nhìn ra sự kiện, kết nối sự kiện, tự vẽ nên bối cảnh, nhân vật và đeo đuổi đến tận cùng tác phẩm. Khi đó, phần thưởng dành cho bạn sẽ là những cảm xúc tuyệt vời, sâu xa ám ảnh nhờ tài năng văn chương của nữ văn sĩ Virginia Woolf mang lại.
Tiểu thuyết Những lớp sóng gồm 9 phần, mỗi phần có một “đoạn dẫn” mô tả tuyệt đẹp và đầy chất thơ, tính triết về đường đi của mặt trời (1, mặt trời chưa mọc, 2 - 3: mặt trời mọc, 4 - mặt trời đã lên cao, 5 - mặt trời đã lên tới thiên đỉnh, 6 - mặt trời không còn ở giữa bầu trời; 7 - mặt trời đã xuống thấp hơn trên bầu trời; 8 - mặt trời đang lặn; và 9 - mặt trời đã chìm xuống), cũng là biểu tượng cho mỗi giai đoạn của cuộc đời con người. Sau đó, sẽ là cuộc trò chuyện đối thoại - độc thoại của các nhân vật, với 5 nhân vật chính: Louis, Susan, Bernard, Neville, Rhoda, và Percival, người đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của tất cả những nhân vật trên nhưng lại không có tiếng nói nào trong tác phẩm.
Qua những cuộc độc thoại, cốt truyện hiện ra, với những mối quan hệ, tính cách nhân vật, với những biến chuyển nội tâm cùng các sự kiện đời sống, kể từ khi họ còn là những đứa bé trong nhà trẻ, đến khi tới trường nội trú, lên đại học, những công việc và sự lựa chọn, thành danh của mỗi người. Theo dòng thời gian, tác phẩm cũng cho thấy sự dịch chuyển của nhân vật từ nơi này sang nơi khác, những cuộc gặp gỡ của nhóm bạn khi đã trưởng thành, sự đổi thay tất yếu của họ khi lớn lên. Bi kịch bắt đầu với cái chết của Percival và trong giai đoạn cuối của cuộc đời, những người bạn đã trở nên xa cách, những kết nối gượng gạo, khó khăn hơn, những triết lý, suy tư của đời người vào lúc “mặt trời đã chìm xuống biển” mang đến cho bạn đọc một nỗi buồn khổng lồ trĩu nặng.
Những lớp sóng khó đọc ở việc nắm bắt nội dung tác phẩm khi Virginia Woolf chọn cách viết như một vở kịch thơ, nhưng lại dẫn dụ bạn đọc vào một mê cung đầy sức hút với những câu văn đẹp đẽ ngập tràn hình ảnh, khơi gợi cảm quan và sức tưởng tượng, khiến chạm vào đâu cũng rưng rưng mê đắm, nghèn nghẹn, không thể dứt dừng.
Ngay từ phần 1, bạn đã được đắm mình vào một khu rừng lấp lánh cảm xúc trong trẻo của buổi bình minh cuộc đời, khi đọc những câu văn tự sự với quan sát, miêu tả tinh tế, đầy mẫn cảm.
Hai bàn chân mình bị lạnh vì những hòn đá. Mình cảm nhận được từng hòn riêng biệt, tròn hay nhọn”, Neville nói.
Trong phòng rửa bát, nước lạnh bắt đầu chảy từ cái vòi nước lên con cá thu trong cái bát”, Rhoda nói.
Mình bốc cháy, mình run rẩy, rời khỏi mặt trời này, bước vào bóng tối này”, Jinny nói.
Bông hoa này kế tiếp bông hoa kia rải rác giữa những chiều sâu xanh ngắt. Những cánh hoa là những chú hề. Những cuống hoa nhú lên từ những chỗ trũng tối đen bên dưới. Những bông hoa bơi như đàn cá được tạo thành từ ánh sáng bên trên mặt nước xanh thẳm. Mình cầm một cái cuống hoa trong tay. Mình là cái cuống hoa. Rễ của mình cắm xuống những chiều sâu của thế giới, qua đất khô và gạch, và đất ẩm, qua những mạch quặng chì và bạc...”, Louis nói.
Tất cả những con tàu của mình đều là màu trắng”, “Cái tập thể tuyệt vời này, tất cả đều mặc y phục màu nâu, đã cướp đi bản sắc của mình”, Rhoda nói.
Hay chỉ một vài tình tiết qua lời nói của Susan cũng khiến bạn xúc động nhớ đến cảm xúc kiểu "mối tình đầu" kinh điển:
Mình đã nhìn thấy chúng, Jinny và Louis, đang hôn nhau. Giờ mình sẽ gói nỗi đau khổ của mình trong chiếc khăn tay. Nó sẽ bị vo chặt thành một cuộn tròn. Mình sẽ đi tới rừng sồi một mình, trước giờ học. Mình sẽ không ngồi ở một cái bàn, làm những bài toán số học. Mình sẽ không ngồi cạnh Jinny và Louis nữa. Mình sẽ mang niềm đau khổ của mình tới và đặt nó lên trên những rễ cây bên dưới những tán sồi xanh. Mình sẽ kiểm tra nó và cầm nó giữa những ngón tay. Chúng sẽ không tìm thấy mình. Mình sẽ ăn quả hạch và nhìn kỹ những quả trứng qua bụi mâm xôi, mái tóc của mình sẽ rối bù và mình sẽ ngủ dưới những bờ rào, uống nước từ những cái mương và chết tại đó”.
Những miêu tả của Virginia Woolf sắc nét, ấn tượng như trong Phần 4 - mặt trời đã lên cao “Nắng đổ xuống thành những cái nêm ánh sáng sắc nét trong căn phòng. Bất cứ thứ gì ánh sáng chạm vào đều được phú cho một sự hiện hữu mãnh liệt. Một cái đĩa giống như một hồ nước trắng. Một con dao trông giống như một lưỡi dao găm làm bằng băng”… Những câu văn biểu cảm mà mỗi câu là một ám dụ, triết lý sâu sắc: “Giờ chúng ta hãy thoát khỏi bóng tối của sự cô độc”, Louis nói. “Giờ chúng ta hãy nói, một cách tàn bạo và trực tiếp, những gì trong tâm trí chúng ta” (Neville).
Tính cách nhân vật và cuộc đời mỗi người trong tiểu thuyết này cũng được gói trong lời độc thoại của nhân vật khác, như trong phần 9, độc thoại duy nhất của Bernard:
Tốt hơn nên thiêu rụi cuộc đời của mình giống như Louis, khao khát sự hoàn hảo; hoặc rời bỏ chúng ta giống như Rhoda, bay qua chúng ta tới sa mạc; hoặc chọn một người duy nhất trong số hàng triệu người như Neville; tốt hơn nên giống Susan và yêu và ghét hơi nóng của mặt trời hoặc cỏ bị sương giá làm cho xơ xác; hoặc giống như Jinny, trung thực, một con thú”.
Và Bernard, trong tư cách là người kể chuyện xuyên suốt tác phẩm, người phát triển bản thân thành một nhà văn đã thốt lên thay cho những người bạn thời ấu thơ giờ đây chuẩn bị bước vào lãng quên vĩnh hằng bằng những lời thống khoái mạnh mẽ: “Cuộc sống thật thú vị. Cuộc sống thật tốt đẹp”, nhưng cũng đã đến lúc “Tôi thúc đinh vào con ngựa của tôi. Để chống lại ngươi, ta sẽ lao tới trước, bất khả chiến bại và bất khuất, hỡi Cái chết!”.
Những lượng sóng vỡ tung trên bờ biển!” đã kết thúc tác phẩm như cách của một bài thơ giàu tính triết, khiến người đọc tràn ngập những nghĩ suy về cuộc đời, như sóng không thôi vỗ bờ.
Những lớp sóng của Virginia là triều dâng của đời sống, triều dâng của một thứ ngôn ngữ từ nghệ thuật ngoại hạng mà dường như chỉ có ở một thiên tài như nàng, người tạo ra những bước sóng lạ thường trong văn chương thế kỷ hai mươi” - nhà văn Nhật Chiêu, người luôn thôi thúc dịch giả Nguyễn Thành Nhân lúc sinh thời hoàn thành bản dịch của mình viết về tác phẩm trong lời đề tựa ở bìa sau cuốn sách. Và ông cũng cho rằng đó là lý do mà “Nguyễn Thành Nhân, người say mê Virginia Woolf đến độ thắng lướt những e sợ ngại ngần (…), đã đưa Những lớp sóng về ngân nga tiếng Việt. Đó là một niềm vui”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.