Nhiều phát hiện mới về Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn

Bùi Ngọc Long
Bùi Ngọc Long
18/10/2019 06:17 GMT+7

Ngày 17.10, tại TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) diễn ra hội thảo khoa học Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn, do Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên-Huế tổ chức.

Đáng chú ý, các báo cáo nghiên cứu tại hội thảo lần này có nhiều thông tin và phát hiện mới được công bố như: Phú Xuân vào thế kỷ 17 đã là nơi sản xuất đại bác theo công nghệ Bồ Đào Nha, là quê hương chế tạo vũ khí hiện đại sớm nhất của thế giới thông qua kỹ thuật gia người Bồ là João Da Cruz; là nơi có xưởng sản xuất và sửa chữa đồng hồ hiện đại kiểu Tây phương thông qua Nguyễn Văn Tú, từng du học ở Hà Lan. Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn đã sáng tạo hỏa hổ, là loại vũ khí tên lửa, tạo nên nhiều trận hỏa công vang dội.
Tại hội thảo, tác giả Nguyễn Anh Huy công bố những công trình khảo cứu phát hiện về Phủ Ao, cung điện mùa hè thời chúa Nguyễn, nằm ở khu vực ao hồ đường Mạc Đĩnh Chi (thuộc P.Phú Cát, TP.Huế) hiện nay, ẩn chứa nhiều thông tin về lịch sử cần được thăm dò khảo cổ học; hay với nhiều tư liệu mới tác giả Trần Viết Điền cũng đưa ra giả thiết về phủ Tiền Dực, nằm ở khu vực Trung tâm đào tạo quốc tế của Đại học Huế (số 4 Lê Lợi) và Trung tâm công nghệ thông tin (số 6 Lê Lợi) hiện nay.
Một trong những báo cáo tại hội thảo gây chú ý bởi đã đặt ra câu hỏi có hay không cung điện Đan Dương và Đan Lăng của vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm (trước đó Hội Khoa học lịch sử VN và Viện Khảo cổ đã tiến hành thăm dò khảo cổ học). Liên quan vấn đề này, tác giả Võ Vinh Quang đã có bài Đan Dương không thể là tên lăng của Hoàng đế Quang Trung, lý giải Đan Dương là danh từ chung chỉ lăng tẩm vua chúa, hàm ý chỉ cõi thượng tiên, cảnh giới siêu thoát chứ không phải là tên lăng của vua Quang Trung...
“Phú Xuân là chiếc cầu nối nhịp sống bắc - nam đất nước, của quá khứ và hiện tại, của trí tuệ uyên bác cung đình và văn hóa dân gian, của thủ phủ Đàng Trong đến kinh đô cả nước, của văn hóa dân tộc đến văn minh nhân loại. Không có Phú Xuân thời chúa Nguyễn, sẽ không thể có lãnh thổ nước ta như hôm nay, từ Thuận Hóa các chúa Nguyễn có cơ sở, tiềm lực đủ mạnh để hoàn thành công cuộc Nam tiến”, hai tác giả Thái Quang Trung và Lê Thị Hoài Thanh khẳng định.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu và công bố về Đàng Trong và Tây Sơn có liên quan đến Phú Xuân, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một công bố nào về trung tâm chính trị Phú Xuân mang tính xuyên suốt từ lúc ra đời năm 1687, thời chúa Nguyễn đến lúc kết thúc vai trò chính trị của nó vào cuối thời Tây Sơn vào năm 1801. Phú Xuân sau năm 1801 đã chuyển giao vai trò lịch sử cho Huế, kinh đô cuối cùng của nước VN.
“Khi nhìn lại 5 di sản văn hóa thế giới được tôn vinh đều thuộc về di sản triều Nguyễn, rõ ràng công tác bảo tồn và tôn vinh của Huế chưa thật công bằng, trong đó có trách nhiệm của giới sử học. Hội thảo khoa học Phú Xuân thời chúa Nguyễn và Tây Sơn nhằm góp phần cho sự công bằng lịch sử và định hướng bảo tồn toàn diện và khách quan cho các giá trị văn hóa Huế”, PGS-TS Đỗ Bang nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.