Nhiều hạt sạn trong sách Lịch sử Việt Nam phổ thông

03/01/2019 06:51 GMT+7

Tập 6, bộ sách Lịch sử Việt Nam phổ thông do Viện Hàn lâm KHXH VN và Viện Sử học biên soạn, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật mới phát hành năm 2018 có nhiều hạt sạn về nội dung liên quan đến những sự kiện rất 'phổ thông'.

Cuốn sách 400 trang, khổ 15,5 x 24 cm, do PGS-TS Tạ Thị Thúy (Viện Sử học) chủ biên, có nội dung “Từ năm 1930 đến năm 1945” gồm 6 chương.
Trang 234 viết trong tiểu sử Trần Huy Liệu: “Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (tháng 8.1945), ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng, kiêm Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền của Chính phủ lâm thời (1945 - 1953). Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Huy Liệu dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế chấp nhận sự thoái vị và ấn tín của Bảo Đại”.
Chỉ một câu mà nhiều lỗi sai về tiểu sử Trần Huy Liệu. Tại Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (tháng 8.1945), ông được bầu làm Phó chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng là đúng. Còn khi về Hà Nội, trong danh sách công bố Chính phủ lâm thời (28.8.1945), ông Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng Bộ Thông tin tuyên truyền. Chức vụ bộ trưởng này, ông chỉ làm trong giai đoạn lâm thời, tức là từ tháng 8.1945 đến ngày 2.3.1946, không có chuyện kéo dài đến năm 1953. Thêm nữa, không phải “sau Cách mạng Tháng Tám”, mà là ngay trong thời gian diễn ra Cách mạng Tháng Tám, Trần Huy Liệu dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ vào Huế chấp nhận sự thoái vị và ấn tín của Bảo Đại.
Nhận xét về Chính phủ Trần Trọng Kim, sách viết: “Chính phủ này gồm toàn những trí thức trẻ…” (trang 312). Đây là nhận xét thiếu chính xác. Chỉ có thể nhận xét Chính phủ Trần Trọng Kim nhiều trí thức trẻ, chứ không thể “gồm toàn những trí thức trẻ…” được. Bởi vì, những vị như Trần Trọng Kim, Trần Văn Chương, Trịnh Đình Thảo, Vũ Ngọc Anh đều đã ngoài 40, 50 tuổi làm sao mà trẻ?
Chú thích đánh số 1 về Chính phủ Trần Trọng Kim cũng có nhiều sai sót. Ví dụ luật sư Trần Văn Chương viết thành Trần Đình Chương. Ông này chỉ làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thì ngoặc thêm cho ông cái chức “kiêm Phó thủ tướng”. Tên đúng của Bộ trưởng Bộ Tiếp tế là Nguyễn Hữu Thí (có dấu sắc) chứ không phải Nguyễn Hữu Thi.
Về tiểu sử Tổng bí thư Hà Huy Tập, trang 336 viết ông sinh năm 1902. Vậy bấy lâu nay Viện Lịch sử Đảng mất bao nhiêu công sức để tìm ra năm sinh thực sự của Tổng bí thư Hà Huy Tập là 1906, đã mở các đợt tuyên truyền lớn và in nhiều sách (cả sách ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật) là vô ích sao?
Trang 339 viết “Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (tháng 2.1941)”. Trang 341 viết cụ thể: “Ngày 28.2.1941, cùng với Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Người đã vượt cột mốc 108 biên giới Việt - Trung trở về Tổ quốc sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước ngày 28.1.1941 - sự kiện này đã được xác định vài chục năm trở lại đây.
Thiết nghĩ những người chủ biên, tổ chức in ấn, phát hành tập sách này cần có ý kiến trao đổi về những vấn đề nêu trên và tìm cách đính chính, hiệu đính, bổ sung nếu có sai sót.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.