Nhiều chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn

29/03/2019 16:28 GMT+7

Dịp 1.4 năm nay, tròn 18 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua đời, nhiều chương trình, đêm nhạc tưởng nhớ ông sẽ được tổ chức.

18 năm kể từ ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “nằm xuống với đất muôn đời”, những bài hát của ông vẫn luôn được vang lên trong vô vàn đêm nhạc tưởng nhớ, được biểu diễn bởi nhiều thế hệ ca sĩ, được thưởng thức qua nhiều loại hình nghệ thuật, và  không thể tách rời khi nói về văn hóa và âm nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng được báo chí quốc tế nhắc đến như một "Bob Dylan của Việt Nam" (BBC) hay "Nhạc sĩ được yêu mến nhất tại Việt Nam" (The Washington Post)...

Nhiều hoạt động trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn

Năm nay, gia đình cố nhạc sĩ cùng bạn bè, nghệ sĩ trong và ngoài nước cùng cộng đồng người yêu nhạc Trịnh tại Việt Nam tổ chức đêm nhạc Gọi tên bốn mùa vào tối 30.3 tại Sân vận động Hoa Lư, TP.HCM. Chương trình được phát vé miễn phí, với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ: Bằng Kiều, Lệ Quyên, Đức Tuấn, Lân Nhã, Đồng Lan, Tấn Sơn, Hồng Vy… cùng các nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn, An Trần, Tuấn Mạnh. …
Dã tràng ca sau hơn 50 năm lần đầu tiên được phát hành chính thức với tiếng hát Đức Tuấn ẢNH: NSCC
Dịp này, gia đình Trịnh Công Sơn, Học viện Âm nhạc & Trình diễn nghệ thuật Soul (SMPAA), Tổ chức Âm nhạc & Nghệ thuật Biểu diễn Á Châu (AMPA Education) cùng nhiều nhà tài trợ khác sẽ cùng hợp tác tổ chức Tuần lễ Trịnh Công Sơn từ ngày 30.3 đến hết ngày 7.4 với nhiều hoạt động: ra mắt  Music Video những ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Dã tràng ca (Đức Tuấn), Diễm xưa (nghệ sĩ piano Tuấn Mạnh), Dấu chân địa đàng (ca sĩ Tấn Sơn); tổ chức 2 đêm nhạc Nhớ Trịnh Cộng Sơn tại Nhà hát TP.HCM vào ngày 2 , 3.4, với sự xuất hiện đặc biệt của danh ca, nhà soạn nhạc hàng đầu Nhật Bản Tokiko Kato – người đã biểu diễn ca khúc Diễm xưa bằng tiếng Nhật, góp phần mang nhạc Trịnh lan tỏa trên toàn thế giới.
Ngoài ra, còn có những hoạt động nghệ thuật nằm trong Tuần lễ Trịnh Công Sơn như: Đêm nhạc Trịnh Công Sơn tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM vào ngày 1.4, tuần lễ thi vẽ tranh Trịnh Công Sơn với chủ đề: Trịnh Công Sơn trong tôi, ra mắt dự án phim điện ảnh Trịnh Công Sơn và chính thức mở dự tuyển 2 diễn viên cho vai diễn Trịnh Công Sơn trong phim.
Nguyệt hạ - Tôi là ai mà yêu quá đời này
18 năm có thể xem là khoảng thời gian vừa đủ để một con người sinh ra và đến tuổi trưởng thành. Ngần ấy thời gian, nhạc Trịnh vẫn tan hòa cùng rất nhiều cung bậc cảm xúc, những nỗi niềm thổn thức của người yêu nhạc, trong đó có ca sĩ Giang Trang. 
7 năm là đoạn đường mà Giang Trang đã kiên trì mang nhạc Trịnh đến cho khán giả theo một cách tự nhiên, mộc mạc nhất, qua những chương trình mà cô xem như những cuộc ngồi lại trong không gian ấm áp, để ca sĩ tự sự cùng khán giả hơn là biểu diễn bằng hỗ trợ của nhạc cụ điện tử, kỹ thuật biểu diễn hay sân khấu hoành tráng: Lênh đênh nhớ phố (2011), Hạ huyền 1 (2012), Hạ huyền 2 (2013), Nguyệt hạ 1(2016), Nguyệt hạ 2”(2018).
Nghệ sĩ Giang Trang và Phạm Kỳ Nam sẽ biểu diễn và trò chuyện về vai trò của âm nhạc đối với đời sống trong đêm Nguyệt hạ ẢNH: NSCC
Và nay, sẽ là đêm Nguyệt hạ - Tôi là ai mà yêu quá đời này, cũng là chủ đề của chương trình Khơi nguồn cảm hứng (chuỗi chương trình trao đổi về nghề với các nghệ sĩ truyền cảm hứng) số 7, diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 31.3 tại Toong, 126 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, TP. HCM. Một đêm thưởng thức những tác phẩm của Trịnh Công Sơn trong tinh thần “tự nhiên, mộc mạc”, và trò chuyện cùng các khách mời: Giang Trang (hát) và Phạm Kỳ Nam (đàn guitar) về vai trò của âm nhạc đối với đời sống. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chia sẻ: "Mỗi bài hát đều bắt nguồn từ một duyên cớ nào đó. Có khi từ một câu chuyện không đâu".
Một chương trình nữa tưởng nhớ Trịnh Công Sơn, là đêm nhạc tưởng niệm với chủ đề Mùa xuân quá vội, diễn ra vào 19 giờ 30 ngày 31.3, tại Quán Văn, số 119 Ngô Đức Kế , P12 , Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.