Nhếch nhác hẻm bích họa Đà Nẵng

Huy Đạt
Huy Đạt
05/10/2018 08:33 GMT+7

Mới đưa vào hoạt động chừng 5 tháng, hẻm bích họa ở TP.Đà Nẵng đã nhanh chóng bị lãng quên, thậm chí bị chiếm dụng làm nơi đổ phế thải xây dựng.

Dự án hẻm bích họa Đà Nẵng (ở hẻm 75 Nguyễn Văn Linh, P.Phước Ninh, Q.Hải Châu), được Đoàn phường Phước Ninh phối hợp với Hội Mỹ thuật, Hội Vẽ tranh tường, Hội Kiến trúc sư Đà Nẵng… thực hiện, trên tổng diện tích 1.500 m2 ở đoạn tường dài gần 200 m. Con hẻm này rộng 3 m, thông từ đường Nguyễn Văn Linh qua đường Phan Châu Trinh.
Giới trẻ Đà Nẵng và du khách từng rất háo hức khi nhắc đến “Làng bích họa Đà Nẵng”, có tên tiếng Anh là “Danang fresco village” khi khu vực này “lột xác” thành địa điểm chụp hình lý tưởng kể từ đầu tháng 4.2018.
Tập kết phế thải xây dựng ngay đầu hẻm bích họa
Tuy nhiên, không ai nhận ra đây là “phố” bích họa chỉ sau vài tháng. Công trình đang có dấu hiệu xuống cấp, bong tróc sơn do tác động của thời tiết. Hiện cứ khoảng 50 m thì có một đống xà bần (rác thải xây dựng), và khoảng 10 m hẻm như thế lại có một đống xà bần đổ bên dưới, sát các bức tranh. Thậm chí, hẻm chỉ rộng 3 m nhưng đống chất thải “chình ình” án ngữ ngay đầu hẻm chiếm hết 2 m.
Anh Phạm Phú Vũ, Bí thư Đoàn phường Phước Ninh, cho biết sắp đến Đoàn phường sẽ khắc phục, sửa chữa những khu vực xuống cấp và mở cuộc vận động người dân dọn dẹp rác thải. Đoàn phường đã đề xuất cấp trên triển khai phát triển giai đoạn 3 dự án hẻm bích họa Nguyễn Văn Linh, tìm cách kết nối với các công ty lữ hành để đưa du khách đến.
UBND TP.Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo hỗ trợ kinh phí nâng cấp công trình, hỗ trợ tuyên truyền cho người dân để cùng bảo vệ công trình.
Tháo dỡ cặp tranh kỷ lục VN bị... bôi bẩn 
Ảnh: Hoàng Sơn
UBND TP.Đà Nẵng đã có văn bản yêu cầu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng tiến hành tháo dỡ các tác phẩm đang trưng bày tại hầm đi bộ bờ tây cầu Rồng. Đây là công trình được Trung tâm Sách kỷ lục VN trao chứng nhận kỷ lục Cặp tranh phong cảnh chủ đề về biển vẽ bằng acrylic trên toan lớn nhất VN vào tháng 8.2016. Hai bức tranh có tên Biển gọi và Tài nguyên vô giá có kích cỡ 35,6 x 2,1 m/bức, do họa sĩ Trần Hữu Dương và nhóm họa sĩ khoa mỹ thuật (Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật Đà Nẵng) thực hiện, nhưng chỉ qua 2 năm trưng bày đã bị bôi bẩn, viết vẽ bậy (ảnh). Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.