‘Nhân vật đặc biệt’ xuất hiện tại phiên tòa phúc thẩm vụ 'Thần đồng đất Việt'

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
16/07/2019 19:17 GMT+7

Khi phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp bản quyền tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt diễn ra tại TAND TP.HCM sáng 16.7 thì đột nhiên bà Phan Thị Mỹ Hạnh xuất hiện.

12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện Thần đồng đất Việt và trải qua nhiều “sóng gió” ở phiên tòa sơ thẩm, bà Phan Thị Mỹ Hạnh - bị đơn của ông Lê Linh đều không có mặt mà toàn bộ công việc đều ủy quyền cho luật sư là GS-TS Nguyễn Vân Nam. “Sáng nay, bà ấy đến tòa cũng làm tôi hơi bất ngờ vì từ khi xảy ra tranh chấp 12 năm, tôi chưa hề được gặp”, ông Lê Linh tiết lộ.

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh (phải) có mặt tại tòa sau khi phiên xử diễn ra một tiếng đồng hồ

Luật sư Nguyễn Vân Nam (phải) và cộng sự chuẩn bị chu đáo hồ sơ

Trước đó, trong quá trình tiến hành các thủ tục tại phiên tòa, luật sư Nam vẫn thay mặt bà Mỹ Hạnh theo ủy quyền bình thường; nhưng khoảng 1 giờ sau khi tòa tiến hành xét xử thì bà Mỹ Hạnh xuất hiện. Bà lẳng lặng ngồi vào vị trí cạnh luật sư của mình, thỉnh thoảng đứng lên trả lời bổ sung lập luận của luật sư theo những câu hỏi đặt ra của HĐXX.
Ông Nguyễn Vân Nam cho rằng: “Do ông Lê  Linh nhiều lần thay đổi yêu cầu khởi kiện, TAND TP.HCM phải yêu cầu ông Linh xác định lại yêu cầu khởi kiện. Tại “Đơn xác định lại yêu cầu” ngày 4.8.2008, ông Linh thay đổi yêu cầu, xác định lại là chỉ yêu cầu tòa án “Làm rõ vấn đề nguyên đơn chính là tác giả duy nhất đối với phần hình vẽ các nhân vật này trong tác phẩm”. Và như vậy, chính ông Linh đã tự bác bỏ khẳng định mình là tác giả kịch bản và phần tranh mà ông đã khai và cam kết khai đúng sự thật tại bản tự khai ngày 7.9.2007”.
Họa sĩ Lê Linh khẳng định là người sáng tạo các nhân vật
Tuy nhiên, họa sĩ Lê Linh luôn khẳng định ông chính là người sáng tạo ra các nhân vật. “Khi mới về Phan Thị, tôi muốn tạo ra một bộ truyện tranh thuần Việt, không bị ảnh hưởng của người khác. Tôi quyết định toàn bộ mọi việc về viết lời và minh họa. Từ tập 1 đến 20, tôi đều vẽ nét chính nhưng sau này do tới giai đoạn đòi hỏi gấp rút phải phát hành sách liên tục, công ty tổ chức lại bộ máy thêm 1 họa sĩ để họa nét phụ cho tôi nhưng do quyết định toàn bộ phần lời và tranh trên sách vẫn ghi tôi là tác giả duy nhất”.

Phiên tòa diễn ra căng thẳng, gay cấn

Ba luật sư bên nguyên đơn ông Lê Linh

Ông Nam lập luận: “Một hành vi chỉ được xem là vi phạm khoản 4, điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ nếu hội đủ 3 điều kiện: là một trong các hành vi sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc; làm mất sự toàn vẹn của tác phẩm và gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả. Như vậy, để xem xét 3 điều kiện này có hội đủ hay không. Nguyên đơn hoặc tự mình làm rõ ít nhất là các nội dung: (1) Làm tác phẩm phái sinh (hay “biến thể” như nguyên đơn tự gọi) có khác với sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm hay không?; (2) Các hành vi làm tác phẩm phái sinh cụ thể của bị đơn là những hành vi như nào? chúng có phải là sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc tác phẩm không; (3) Chúng có làm mất đi sự toàn vẹn của tác phẩm hay không; và (4) Thế nào là làm phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả và trong trường hợp cụ thể này, các hành vi làm tác phẩm phái sinh của Công ty Phan Thị đã làm phương hại đến danh dự và uy tín ông Lê Linh cụ thể như thế nào?”.
Do những vấn đề ông Nam đặt ra quá dài nên chủ tọa phiên tòa liên tục nhắc nhở phải hỏi ngắn lại.

Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi

Trong khi đó, luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn - đại diện cho họa sĩ Lê Linh, đưa ví dụ: ‘Làm một bộ phim dựa trên một tiểu thuyết/truyện nào đó. Theo quy định của pháp luật về quyền tác giả thì việc làm phim từ một tiểu thuyết/truyện như vậy là sự “chuyển thể” tác phẩm tiểu thuyết/truyện thành tác phẩm điện ảnh. Tức là thực hiện tác phẩm phái sinh từ tác phẩm gốc là tiểu thuyết/truyện. Trong trường hợp nhà làm phim chuyển tải một cách đầy đủ nội dung cốt truyện, nhân vật mà không sửa chữa, cắt xén cốt truyện, thay đổi nhân vật thì nhà làm phim chỉ xin phép chủ sở hữu của tác phẩm tiểu thuyết/truyện mà mình muốn xây dựng thành phim vì quyền làm tác phẩm phái sinh thuộc quyền tài sản của chủ sở hữu quyền tác giả. Trường hợp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chẳng hạn, nếu anh lấy lời bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ mà sửa lại thì không thể gọi là tác phẩm phái sinh được mà có thể bị kiện ra tòa vì vi phạm pháp luật”.
Ông Khánh Toàn cũng dẫn chứng bức tranh Mona Lisa nổi tiếng của Leonardo da Vinci bị sao chép. “Không có bức tranh nào trên thế giới có hai người là đồng tác giả, mà dù người sao chép có hoàn thiện cũng chỉ là tác giả vẽ lại chứ không thể là tác giả của bức tranh ấy được”, ông Toàn nói. 

Ông Lê Linh trả lời câu hỏi của HĐXX

Bà Phan Thị Mỹ Hạnh: 'Bao nhiêu năm làm sách tôi không ngờ có ngày mình lại phải ra tòa như thế này'

"Tôi không vẽ được nên nhờ Lê Linh vẽ trên cơ sở gợi ý của tôi"
Có mặt bất ngờ tại tòa, bà Mỹ Hạnh kể lại những vất vả để bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt có chỗ đứng trên thị trường, thậm chí bà nhiều lúc phải “cãi tay đôi’ với biên tập viên các nhà xuất bản để giữ lại nội dung, hình ảnh theo đúng ý của mình. “Tôi là người sử dụng vi tính để giúp đưa ra hình tượng nhưng dùng vi tính thì hình vẽ cứng nhắc nên không sử dụng được phải thuê họa sĩ vẽ tay. Anh Linh có ưu điểm vẽ rất nhanh. Trong khi 1 tuần các em thiếu nhi thời đó tiếp nhận hơn 20 cuốn truyện tranh Nhật Bản của các đơn vị khác nên đòi hỏi tốc độ xuất bản của Phan Thị phải gấp rút”. Bà Mỹ Hạnh cũng khẳng định: "Tôi không vẽ được nên nhờ Lê Linh vẽ trên cơ sở gợi ý của tôi. “Từ tập 1 – 7, tôi trao đổi với anh Linh bằng cách làm đồ họa cho anh Linh thấy rồi ngồi vẽ. Tuy nhiên, sau đó do tôi tập trung làm marketing cho bộ truyện tranh nên anh Bá Hiền tham gia. Từ tập 79 trở đi, dù không còn làm cho Phan Thị nhưng các tập sách truyện tranh Thần đồng đất Việt đều ghi ‘có sử dụng Lê Linh là đồng tác giả’’”.
Trao đổi với PV Thanh Niên sau khi chủ tọa dừng phiên xử ngày 16.7, bà Mỹ Hạnh tâm sự: “Bao nhiêu năm làm sách, tôi không ngờ  có ngày mình lại phải ra tòa mệt mỏi như thế này”.
Được biết phiên tòa phúc thẩm vụ tranh chấp Thần đồng đất Việt sẽ tiếp tục phần tranh tụng vào chiều 29.7 tới.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.