Nhàn đàm: Tản mạn Sài Gòn, mùa đông không lạnh...

20/12/2020 06:58 GMT+7

1. Hà Nội lạnh, miền Bắc đã có những ngày rét đậm, rét sâu của mùa đông. Cái rét mà chỉ khi bạn hình dung bằng nỗi nhớ về thời bao cấp khó khăn, không có nhiều áo len áo dạ, không có cả những bữa ăn no bụng, mới có thể thấm thía nổi nó tê tái, buốt giá dường nào.

Bạn chẳng muốn phải trở về với cái lạnh như thế, chỉ là khi ai đó viết dòng trạng thái trên Facebook “Thèm mùa đông quá”, bạn mới cố để hình dung. Nhớ ngày nào, người bạn thân viết thư cho kẻ đã xa quê, kể rằng chẳng biết làm cách nào để bàn tay đỡ cóng. Bây giờ, nỗi thèm mùa đông là thèm được mặc áo choàng khăn thật sắc màu, thật đẹp, thật mốt; thèm được ăn những món ngon mà vừa ăn vừa hít hà, như gói xôi nóng gạo nếp nương ủ trong lá chuối thơm xanh buổi sáng, chụm đầu bên nhau quanh bếp lửa than bập bùng cháy đỏ với món chả cá Lã Vọng thơm vàng buổi chiều... Nỗi thèm mùa đông là được lang thang trên những con đường xao xác lá bay, cảm nhận vẻ bạc màu trên những tàng cây, mái phố, mặt hồ; chạnh lòng nhìn những ô cửa sổ khép kín tránh gió lùa, như khép những ấm áp vào trong, và cũng gói ghém cả những riêng tư nồng ấm hay cô quạnh.
Chẳng hiểu vì sao, mỗi khi tháng chạp, người Sài Gòn thường hướng về Hà Nội. Đâu đó trong quán cà phê ngõ hẻm, dưới cây sa kê lá vàng như một chiếc quạt lớn ngơ ngác giữa trời xanh, bạn thoáng nghe những câu hát da diết như nói hộ lòng ai “Làm sao về lại mùa đông” (ca khúc Nỗi nhớ mùa đông của nhạc sĩ Phú Quang). Đâu đó nhen lên những cảm xúc ngủ quên của người gốc Bắc trong mùa khô ngập nắng phương Nam. Nhen lên chút rung cảm của người Sài Gòn với cái lạnh lạ lùng của miền Bắc - nơi mà, cùng một đất nước đấy, mà nước mình dài quá, hai ngàn cây số đủ để mùa cũng khác nhau. Để Sài Gòn, dù chẳng lạnh 9, 10 độ, thì những tiếng rao đêm “Ai bánh giò đây...”, “Bánh mì nóng đây...” nghe cũng trở nên khuya khoắt xa vắng hơn. Và buổi sáng sớm, khi đi qua quán cà phê đang lịch kịch dọn mở, bạn nghe tiếng phát thanh viên đọc bản tin thời tiết “Hôm nay trời rét đậm,... bà con miền Bắc chú ý, trâu bò cẩn thận sương muối”, nhớ bài tập đọc thời tiểu học ngày nào, đâu đó hiện lên hình ảnh bà mẹ áo bông chần và em nhỏ chít khăn vuông ôm rơm lót ấm cho gia súc trong gió bấc... những điều mà khi lớn rồi bạn mới biết thương.
2. Năm nào cũng thế, tháng chạp Sài Gòn thường là tháng chộn rộn với những hẹn hò, dự định. Mùa này là mùa của bao cuộc đón đưa. Nhớ thời “trước Covid” không xa, nhiều gia đình, cặp vợ chồng, tình nhân bay đi xứ trời Âu, hay sang Hàn, Nhật... để đón Noel và Tết dương lịch cùng tuyết trắng đầu mùa và ánh đèn lung linh nơi xứ sở ôn đới thơ mộng. Rồi ngược lại, bạn bè, người thân từ khắp nơi trở về Sài Gòn hội tụ, để rưng rưng với mùa Noel bình yên của một Sài Gòn lấp lánh ánh sáng yêu thương và chia sẻ, một Sài Gòn nồng nàn như cái nắng bốn mùa thênh thang trên những ngả đường. Sài Gòn với tiếng chuông nhà thờ ngân nga, tiếng chuông chùa thong thả điểm trên những con phố mùa nào cũng xanh ngát hàng me. Sài Gòn của những “Ông già Noel” đẫm... mồ hôi vẫn đi phân phát quà đúng hẹn...
Năm nay dịch Covid, cậu bạn ở Mỹ kể rằng “mỗi ngày, em canh chờ từng giờ từng phút... từng thông tin để có thể về thăm quê”, mà chưa thể...
Trong những đợi chờ, xa cách, ngóng trông nhau, đành bật khúc nhạc Giáng sinh, mở ra những trang sách cũ, tìm trong ấy những ấm áp, sẻ chia. “Chẳng điều gì tốt đẹp diễn ra trên thế giới này nếu như lòng người không đầy ắp tiếng cười”, câu nói thấm thía của lão Scrooge trong cuốn sách kinh điển Hồn ma đêm Giáng sinh (A Christmas Carol) của Charles Dickens khiến bạn mỉm cười. Quả là như thế, trong khi chúng ta mong chờ một mùa Noel bình yên, một mùa đông “không lạnh” ở khắp nơi trên thế giới này, thì trước hết, hãy mỉm cười, thắp lửa từ chính lòng mình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.