Nhàn đàm: Những phong thư cũ

27/09/2020 06:39 GMT+7

Cho đến tận bây giờ, khi công nghệ không ngừng phát triển, khi mọi thứ đều quá dễ dàng với những cái lướt tay trên bàn phím, thì tôi vẫn giữ lại những phong thư cũ trong ngăn kéo của mình.

Từng dòng thư ấy, đã nằm trong ký ức, thế nhưng sự hiện diện của chúng ở một góc nào đó, khiến tôi tĩnh tâm hơn và sống chậm hơn với đời.
Những phong thư đã cũ, có cái bạc màu với những chiếc tem đủ hình hài, màu sắc. Mỗi lá thư kể về một câu chuyện, là mối liên hệ gắn kết vô hình nhưng đầy thương nhớ.
Đó là những lá thư của người anh đi bộ đội. Mỗi bận nghe tiếng xe đạp lóc cóc của bác đưa thư nghiến vào lối mòn nhỏ đầy sỏi dẫn vào nhà, tôi cuống quýt đến mức chưa kịp mang dép, chạy đôi chân trần trên sỏi để đón thư. Anh thường kể về những ngày nắng gió tập luyện trên thao trường, về kỷ luật quân đội, về những người bạn mà anh đã gặp… Những câu chuyện ấy nối tiếp nhau và có tác động đến mức, khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về nhà, thì tác phong của mấy anh em trong nhà cũng gần như bộ đội: từ cách gấp chăn màn cho đến tác phong ăn uống, sinh hoạt đều thật gọn gàng, sạch sẽ.
Trong ngăn kéo ấy, nhiều nhất vẫn là thư của ngày xa nhà đi học. Với thế hệ 8X khi ấy, những học trò vùng nông thôn như chúng tôi hầu như rất ít hoặc chưa biết đến internet. Bởi vậy khi rời khỏi lũy tre làng cũng đồng nghĩa với tiếp nhận rất nhiều điều bỡ ngỡ. Năm đầu tiên là những câu chuyện về thành phố mà tôi đã đến, là chuyện trường chuyện lớp, là nỗi nhớ nhà thường trực cả trong từng giấc ngủ. Năm thứ hai bắt đầu câu chuyện về những điều mới lạ, là sức hút của thành phố xô bồ nhưng cũng đầy cơ hội cho bao nhiêu người muốn tìm vùng đất hứa… Rồi những cánh thư thưa dần vào năm cuối, nhường chỗ cho những kỳ thi, nhường chỗ cho bao ước vọng đã ươm mầm tự khi tôi mới bước chân rời làng mưu cầu chữ nghĩa.
Trong số những phong thư ấy, tôi nâng niu những bức thư mà cha đã gửi. Chữ cha rất khác biệt, kiểu chữ được rèn giũa nghiêm khắc của lớp đệ nhất, đệ nhị ngày trước. Kiểu chữ rất cứng, phóng khoáng và không bao giờ thiếu nét. Trong thư, cha luôn giấu hết những điều phiền muộn, giấu hết những lo lắng sau vụ mất mùa vì hạn hán, hay lũ lụt. Nhưng những vết chân chim trên gương mặt sạm đen vì gió sương sớm tối không thể nào cha giấu được. Cha kể về niềm vui dù rất nhỏ của gia đình, về cây bưởi vừa cho ra lứa quả đầu tiên, về đàn yến tự nơi nào thiên di về kêu cả một khoảng vườn. Cha căn dặn hãy cứ theo đuổi sự lựa chọn của mình và luôn biết giữ mình trong cuộc sống.
Còn bao nhiêu lá thư của bạn bè thời cắp sách đến trường. Mỗi đứa viết nên một câu chuyện, về một mơ ước và khát vọng. Rồi chúng tôi tốt nghiệp, ra trường. Những hành trình mưu sinh lập nghiệp đã cuốn mỗi người vào trong mối lo toan cơm áo thường nhật. Rồi công nghệ thông tin phát triển, người ta không còn ngồi viết cho nhau những lá thư nữa. Thay vào đó, mạng xã hội nhanh chóng kết nối bạn bè lại với nhau, gần nhau hơn vì độ sắc nét của hình ảnh và sự cập nhật nhanh nhạy. Thế nhưng, cái gì đến nhanh thì cũng sẽ dễ quên nhanh. Đôi khi, tôi có cảm giác mình bị đánh lừa thị giác, bị phân tâm bởi sự nhớ nhớ quên quên trong cuộc sống. Ví như thi thoảng gặp lại người bạn cũ, chợt giật mình không nhớ đó là ai vì nhìn thoáng quen, thoáng lạ.
Chợt nhớ hơn những bức thư bạc màu ký ức. Bây giờ, còn ai đủ thời gian, đủ kiên nhẫn để ngồi viết cho nhau những dòng chữ đầy thương nhớ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.