Nhàn đàm: Lời thương nhắn gửi Sài Gòn

Diệu Ái
Diệu Ái
01/08/2021 06:20 GMT+7

.Cảm xúc của tôi thật đặc biệt khi xem clip hình ảnh nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn biểu diễn trước hàng nghìn bệnh nhân và y bác sĩ, nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến .

Xem đoạn chia sẻ khác của nghệ sĩ Hoài Linh trên nền nhạc Sài Gòn tôi sẽ (do thầy giáo Nguyễn Thái Dương sáng tác), tôi - một người con miền Trung tự dưng bật khóc ngon lành. Khóc vì thương Sài Gòn quá đỗi.
Hẳn rằng, cảm thương về Sài Gòn trong tôi không thể so sánh với cảm xúc của mỗi người dân Sài Gòn hay với những ai xem Sài Gòn là máu mủ ruột rà, là quê nhà thứ hai. Những ngày này là thời khắc về một Sài Gòn mà chẳng ai quên được. Náo nhiệt, xôn xao là thế, giờ đây thành phố vắng lặng, những con phố im lìm, chùa chiền, giáo đường hiu quạnh. Nơi nào hoang vắng, ít người đã thấy thương, huống chi Sài Gòn đã luôn chộn rộn.
Còn nhớ, cách đây mười lăm năm, chuyến xa nhà đầu tiên trong đời tôi là vào Sài Gòn để thi đại học. Năm đó, trên chuyến tàu thống nhất Bắc Nam, tôi mang theo ước mơ, mang theo hy vọng và cả sự hồi hộp náo nức khi hình dung về một Sài Gòn xa xôi sầm uất mà trước nay chỉ nghe qua lời kể, qua màn hình ti vi. Với đứa con gái quê mùa như tôi, phút giây đặt chân lên Sài Gòn là sự choáng ngợp, ngất ngây. Anh họ đùa, bảo tôi ngồi xe máy mà say xe kìa, tại xe cộ chạy nhiều quá nên tôi chóng mặt. Ấn tượng đầu tiên về đất và người Sài Gòn là gì đó thật mênh mông, bất tận nhưng ngọt ngào, bao dung. Sớm hôm đi thi, một dì ở khu nhà trọ chẳng quen biết nhưng nói với tôi vài lời ngắn gọn “ráng lên nghen con”. Giọng Sài Gòn nghe sao ngọt lịm, nhẹ nhàng và tình cảm quá chừng.
Thật xấu hổ khi phải kể lại rằng, ngày đó tôi rớt đại học, giấc mơ gắn bó với thành phố vụt tắt. Thế nhưng, có lẽ, nợ duyên vẫn còn, sau này đi làm, tôi có dịp trùng phùng với Sài Gòn mỗi năm bởi tổng công ty tôi làm việc đóng tại đây. Rồi may mắn sao, những cuốn sách của tôi được xuất bản từ công ty phát hành ở Sài Gòn, tôi lại được biết quen thêm nhiều chị em, bạn bè ở đó. Nhiều người thân, nhiều bạn bè tôi đã chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai. Học xong, làm việc, lập nghiệp, xây dựng gia đình luôn trong đó. Chưa bao giờ tôi nghe họ thở than một chút nào về thành phố này, vì những gì Sài Gòn mang lại đã đáp đền đủ cho những vất vả nhọc nhằn.
Dịch giã căng thẳng, những người có hoàn cảnh sống tạm bợ, bấp bênh đã không thể trụ nổi, không thể bám víu nổi, đành phải khăn gói, chọn quay về quê hương cội quán. Ừ, thôi thì như mấy mạ mấy mệ ở quê mình vẫn nói, “về nhà, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”. Bạn nhỏ bảo em chọn cách quay về để không làm gánh nặng cho Sài Gòn, nhất định em sẽ quay trở lại vào một ngày không xa.
Sài Gòn đã là quê nhà của triệu triệu người tứ xứ. Thành phố đã cưu mang ôm ấp, chẳng nề hà, chọn lựa, chẳng chấp trách chê bai, cứ là ai, đến Sài Gòn và đều được ở lại. Với những người xem thành phố này như một phần máu thịt, như bản nhạc Về quê mà nhạc sĩ Trần Mạnh Tuấn đã biểu diễn hôm rồi, Sài Gòn đôi khi hơn cả quê nhà bởi nơi này đã cho họ nguồn sống, cho họ một chốn tựa nương.
Người miền Trung chúng tôi thường ngại ngần trao cho nhau những lời thương ngọt, những cái ôm siết chặt. Người Sài Gòn lại khác, sẵn lòng nói lời thương, sẵn lòng dang tay ôm chặt một người quý mến. Muốn học nết hay ho ấy nên từ giờ, tôi nhủ lòng sẽ siêng tỏ bày yêu thương với tất thảy. Và lời thương lớn lao đầu tiên, với tất cả trìu mến, trân trọng, tôi muốn gửi đến Sài Gòn dấu yêu. Thương quý nguyện cầu thành phố sớm an lành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.