Nhàn đàm: Không làm việc vô nghĩa

06/06/2021 06:09 GMT+7

Cứ mỗi lần quanh tôi nổi lên một cuộc tranh cãi nào đó mà tôi thấy nôn nao muốn nhảy vào cuộc tranh cãi, tôi liền trấn tĩnh vài giây để không vội vàng bị cuốn vào nó.

Và câu chuyện có thật về ứng xử của bố tôi luôn khiến tôi kịp thời lựa chọn sáng suốt để không bao giờ làm việc vô nghĩa nữa, không phí thời gian cuộc đời và năng lượng vào những việc tào lao bên ngoài.
Bố tôi là giảng viên Trường đại học Dược Hà Nội. Một hôm ở bộ môn sinh hóa nơi bố tôi làm việc nổ ra tranh cãi rất căng, không phân thắng bại. Ai cũng tranh nhau nói, nói văng cả bọt mép, phừng phừng mặt mũi và ai cũng cho là mình đúng, người kia sai. Một mình bố tôi không nói gì cả. Ông trưởng bộ môn bực mình hỏi: “Tại sao anh không nói gì, anh cho ý kiến đi chứ?”. Bố tôi trả lời: “Tôi không cho ý kiến, tôi chỉ bán ý kiến”. Sau câu nói đó của bố tôi, mọi người lặng cả đi.
Hầu hết chúng ta trong đời mình đều đã từng bị cuốn vào một cuộc tranh cãi nào đó. Đã bao giờ bạn tự hỏi, kết quả của cuộc tranh cãi này là gì? Ta thu được ích lợi gì, được bài học nào cho bản thân sau cuộc tranh cãi, ta có lớn lên chút nào sau tranh cãi? Câu hỏi này rất ít khi chúng ta đặt ra, bởi ta còn mải liếm láp vết thương đau đớn mà đối phương nhắm vào ta, làm ta trọng thương trong cuộc cãi lộn nảy lửa; ta còn mải tìm cách báo thù kẻ đã làm ta bẽ mặt trong cuộc tranh cãi mà ta có phần đuối lý…
Đức Phật dạy, trên đời chỉ có ba việc: việc Trời, việc người và việc mình. Cuộc sống của chúng ta luôn xáo trộn, bất an, bất hạnh là bởi ta không chịu tập trung lo việc mình cho trọn vẹn, mà cứ mải đi lo việc người khác, thậm chí lo cả việc của trời. Chúng ta chưa chịu tĩnh tâm nhìn sâu vào bên trong mình xem mục tiêu của mình là gì, mình có kế hoạch thực hiện mục tiêu đó chưa và thực hiện như thế nào, đến bao giờ hoàn thành mục tiêu, mà chúng ta chỉ vội vã nhăm nhăm xen vào can thiệp việc người khác.
Chính vì xen vào chuyện người khác, can thiệp việc người khác, mà ta ít khi toại nguyện, vì người khác nào dễ để cho ta quyết định thay cho họ, điều khiển họ. Chính vì ít khi chịu tập trung toàn thời gian và năng lượng vào việc của chính mình nên ta không đạt được hiệu quả như mong muốn, do đó ta càng không hài lòng, ta càng bực bội…
Vậy đó, người mà ta cần để mắt đến nhất, cần cảnh giác nhất, là chính ta. Muốn an yên, vui hưởng hạnh phúc, thì ta chớ xông vào làm việc vô nghĩa nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.