Nhàn đàm: Báo mới đây! Báo mới đây!

21/06/2020 09:37 GMT+7

'Tôi chỉ là một trẻ con bán báo/Khắp phố phường chân sáo chạy tung tăng/Cất tiếng rao lanh lảnh vang đường/Tôi đem những món văn chương chào khách/Này tạp chí, này tân văn, tôi cắp nách/Đón mời chư mặc khách, tao nhân…'. Câu thơ của Tú Mỡ, lạ thay mỗi lần nhớ lại, từ trong ký ức của tôi vẫn còn nghe vọng lại ' Báo mới đây! Báo mới đây!'.

Năm tháng đó, khoảng thập niên 60 của thế kỷ trước, báo chí từ Sài Gòn về đến miền Trung vào buổi trưa. Cả nhà đang ngồi quây quần cơm nước, nghe tiếng rao ấy, trăm lần như một, đều như vắt chanh, bao giờ ba tôi cũng sai tôi chạy ra đầu đường mua lấy tờ báo mới. Tôi có cảm tình với tiếng rao lanh lảnh ấy, từ thuở ấy, thuở mới lên năm lên mười. Tình cảm ấy, nay vẫn vẹn nguyên dù đã lục thập hoa giáp.
Ai là người có sáng kiến nghĩ ra cách bán báo bằng tiếng rao?
Phải là từ Sài Gòn, cái nôi đầu tiên ra đời của báo chí Việt Nam, và người đó, theo tôi, chính là nhà báo cách mạng Nguyễn An Ninh - chủ bút tờ
La Cloche Félée (Tiếng chuông rè); hoặc ít ra ông cũng là vị tổng biên tập đầu tiên trực tiếp bán báo tận tay cho người đọc. Tờ báo này số 1 phát hành ngày 10.12.1923, lần đầu tiên người Sài Gòn rất ngạc nhiên khi bắt gặp hình ảnh: một thanh niên nổi tiếng học giỏi từ Pháp về, mặc áo dài đen đạo mạo, tóc bềnh bồng rất... bụi đời, đôi mắt sáng quắc, người thấp, chắc da chắc thịt đã ôm chồng báo chạy trên đường Catinat, Bonard, d’Espagne... cất tiếng rao lanh lảnh với giọng Parisien:
- Báo mới đây! Xin mời quý ông, quý bà! Báo mới đây!
Chi tiết đắt giá này, không phải do tôi bịa ra. Bằng chứng là trong hồi ký của Vương Hồng Sển, ông kể lại có lần đang ngồi ăn với người đẹp trong nhà hàng Yeng Yeng thưởng thức món bít tết Chateaubriand với giá 8 cắc một đĩa. Ngước ra ngoài, nhìn thấy ông Ninh đang đứng nghỉ chân, ông Sển vội vàng bước ra khỏi quán mua tờ báo để được… cầm lấy tay người mà mình ngưỡng mộ. Hành động dũng cảm này, ông Sển cho biết nhằm “lấy le” với những người đẹp đang ngồi chung bàn: “Mình cũng là người đồng tịch đồng sàng với nhà cách mạng này”.
Một chi tiết nhỏ nhưng cho thấy vai trò của nhà báo thuở ấy rất được mọi người trọng vọng, kính nể. Thế thì, ngay cả tiếng rao “Báo mới đây! Báo mới đây!” của trẻ em bán báo cũng giành được thiện cảm của bạn đọc là lẽ tất nhiên.
Từ đó, một thói quen không thể thiếu trong sinh hoạt hằng ngày của nhiều người là ngong ngóng chờ nghe tiếng rao ấy, nhanh chóng mua lấy một tờ. Cầm lấy trên tay. Thơm mùi giấy mới. Nhẹ nhàng lật từng trang. Đọc ngấu nghiến. Một thế giới mới đang mở ra trước mắt. Thói quen lành mạnh này hằn nếp trong lối sống của thị dân đã từ lâu lắm rồi...
Và thật lạ lùng, dù đã được đăng biết bao nhiêu thơ văn, tin bài trên báo, đã được anh em mới vào nghề xếp vào loại “cựu trào”, vậy mà... Ừ, vậy mà trong tôi vẫn còn nguyên vẹn cảm giác ấy - một niềm vui tinh khôi, trong sáng như thuở mới vào nghề. Bài báo ấy, chính óc mình nghĩ ra, tay mình viết, thế nhưng khi được in trên báo, bỗng nhiên không hiểu cơn cớ ra làm sao, mình cảm thấy nó hay hơn, oách hơn. Và nhất là nó cũng “tầm vóc” hơn nữa. Thật đấy, chỉ vì liếc qua bên cạnh bài mình, còn là những bài của những cây bút nổi tiếng nữa. Được in chung với họ trong một trang báo, tự dưng hãnh diện, thấy mình “lớn” hẳn lên. Cứ như thế, từng ngày, từng ngày, mình bước chân vào nghề báo lúc nào cũng không nhớ nữa.
Với tôi, khi nghĩ về nghề báo, kỷ niệm khó quên nhất vẫn là ngày tháng hoa niên: “Khi vàng đứng bóng im trưa/Tiếng khô lá rụng làm thưa phố phường” (Hồ Dzếnh), bỗng nghe náo nhiệt: “Báo mới đây! Báo mới đây!”. Rồi lớn lên tôi theo nghề viết báo lại càng gần gũi với hình ảnh thân thương: “Khắp phố phường chân sáo chạy tung tăng/Cất tiếng rao lanh lảnh vang đường”. Đôi lúc thảnh thơi nằm gác chân chữ ngũ, vắt tay lên trán nhớ về chặng đường dài đã đi qua, thú thật, tôi vẫn còn mường tượng đến nao lòng về tiếng rao ấy, âm thanh ấy, nay đã là quá khứ xa vời vợi. Xa hun hút.
Tự dưng lại nhớ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.