Nhân cách lớn Trần Văn Giàu

16/09/2016 05:48 GMT+7

Đã có rất nhiều bài viết về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của ông, nhưng hẳn rằng, để hiểu, đánh giá đúng về ông, chắc chắn đòi hỏi nhiều thời gian, thêm nhiều nghiên cứu trải nghiệm.

Những câu chuyện đẹp về nhân cách
Ở tuổi 90, với mong muốn có được nhiều, thật nhiều những thế hệ là các nhà nghiên cứu tiếp bước mình trong các lĩnh vực sử học, lịch sử tư tưởng ở miền Nam, ông quyết định bán căn nhà số 70 Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM - nơi đầy ắp những kỷ niệm riêng, lấy 1.000 lượng vàng lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu tặng cho những công trình khoa học xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội, sử học về Nam bộ.
Giờ đây, mỗi khi giải thưởng được trao cho những công trình khoa học xuất sắc mang tên ông, nhiều người càng hiểu thêm tấm lòng và trách nhiệm của ông. Nói như Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Trần Văn Giàu Tô Bửu Giám: “Đó là tâm huyết đến cuối đời vẫn lo việc đào tạo con người, phát hiện các viên ngọc quý trong cuộc sống của người Nam bộ, góp phần làm giàu thêm vốn tri thức, văn hóa Việt”.
Ông không chỉ để lại một di sản khoa học lịch sử, triết học đồ sộ mà còn để lại cho hậu thế một tấm gương mẫu mực, thanh liêm, một thần tượng về hành động cao cả, và trên hết là một tấm lòng nhân ái sâu sắc với tình cảm chân thành mà nhiều người tin yêu, quý trọng
TS Đinh Thu Xuân, người thân của ông kể rằng, khi hoàn thành cuốn Tổng tập Trần Văn Giàu (tập 1), ông ứa nước mắt: “Hôm trước ông Sáu Dân (Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có xin một cuốn. Nay ông mất rồi, phải mang một tập đến thắp hương cho ông”. Hôm kỷ niệm 95 năm ngày sinh của ông Nguyễn Văn Linh, ông dặn: “Mua 30 bông huệ thật to, thật thơm đến vái chín cái”. Khi cuốn Hồ Chí Minh - vĩ đại một con người vừa xuất bản, ông ngồi dậy thay quần áo mới, ký tặng rồi cầm sách chụp một tấm ảnh thật đẹp, đưa cho TS Xuân dặn: “Nhân chuyến công tác, nhớ mang đến tặng bác Giáp”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chụp một tấm ảnh mới gửi tặng lại ông với lời nhắn: “Bác Văn vẫn khỏe, ăn được, ngủ được, đọc sách báo được”. Khi còn sống, GS Hoàng Như Mai vẫn luôn nhắc nhớ về những giọt nước mắt xúc động của ông khi đến viếng một người học trò vừa mất.
Với bà Sáu, người vợ hiền, ông là người chồng rất mực thủy chung. Khi bà bị tai nạn do vấp té phải nằm một chỗ, hằng ngày, cứ đến bữa ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng bà. Ông chăm sóc bà cho đến lúc bà vĩnh viễn ra đi vào năm 2005. Ngày bà mất, ông thật buồn, nước mắt lăn dài trên má, ngồi im bất động. Khi TS Đỗ Nguyệt Hương tới viếng, ông nói: “Cô đi rất êm, không đau đớn gì, lúc dượng gọi dậy ăn cơm thì đã đi rồi, như người ngủ thiếp đi thôi!”.
Một con người chính trực, thanh liêm
Là một trí thức đi làm cách mạng từ những ngày đầu tiên, ông không chỉ để lại một di sản khoa học lịch sử, triết học đồ sộ mà còn để lại cho hậu thế một tấm gương mẫu mực, thanh liêm, một thần tượng về hành động cao cả, và trên hết là một tấm lòng nhân ái sâu sắc với tình cảm chân thành mà nhiều người tin yêu, quý trọng. Bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tên tuổi Trần Văn Giàu luôn là sự khẳng định về uy tín của một con người chính trực, thể hiện một tinh thần cách mạng cao quý, gian nan không lùi bước, hiểm nguy không sờn lòng. Có những thăng trầm, đầy gian khó đặt ông trước những thử thách khắc nghiệt, nhưng chính thử thách ấy đã rèn luyện sự kiên định, lòng trung thành của nhân cách lớn.
Ngay từ ngày mới gia nhập Đảng Cộng sản lúc đang du học tại Pháp; bị trục xuất vì tội tham gia đấu tranh, biểu tình chống Pháp; bị địch bắt bỏ tù, từ Khám Lớn, Côn Đảo tới Tà Lài, rồi tổ chức vượt ngục, bôn ba gây dựng lại cơ sở, phát động lại phong trào bị tan rã sau Nam Kỳ khởi nghĩa; hay lúc giữ nhiệm vụ Bí thư Xứ ủy Nam kỳ; Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ; Tổng giám đốc Nha Thông tin; Chủ nhiệm Khoa Lịch sử Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội; Chủ tịch danh dự Hội Khoa học lịch sử VN; Chủ tịch Hội Khoa học - Xã hội TP.HCM... tên ông luôn sáng ngời bởi trí tuệ và nhân cách.
…Nói về ông, viết về ông bao nhiêu cũng không đủ. Ông luôn cho thấy, con người bao giờ cũng phải vươn lên sống thật đẹp, thật cao cả theo thiên hướng và niềm đam mê của mình, theo lý trí của cuộc sống, theo sự mách bảo của trái tim mình. Ông đã sống một cuộc đời thật trọn vẹn, trọn vẹn như tấm lòng thủy chung son sắt của ông, trọn vẹn như một thế kỷ mà bước chân ông đã đi qua nhưng “vẫn còn dư sức lực” - từ dùng của GS Hoàng Như Mai viết mừng sinh nhật ông lần thứ 85: “Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù... Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực”.
Nhà văn hóa lớn
Ngày 15.9, Thành ủy TP.HCM tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề Đồng chí Trần Văn Giàu - Nhà cách mạng, Nhà giáo, Nhà khoa học - Dấu ấn một nhân cách nhân kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố GS Trần Văn Giàu (11.9.1911 - 11.9.2016), nguyên Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ.
GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận T.Ư, khẳng định GS Trần Văn Giàu để lại một di sản khoa học đồ sộ với các công trình nghiên cứu thể hiện tri thức uyên thâm, phong phú về triết học, lịch sử, văn hóa, tư tưởng. Với những đóng góp to lớn trong lĩnh vực sử học, năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh - giải thưởng cao quý nhất của nhà nước dành cho các nhà khoa học.
Theo GS Phan Huy Lê: “Trong thời gian công tác ở đại học, GS Trần Văn Giàu còn nghiên cứu và xuất bản một số công trình về lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử cận - hiện đại… GS Trần Văn Giàu cùng với các giáo sư khác đã đào tạo những thế hệ đầu tiên các nhà sử học từ nền đại học VN độc lập. Ông đã có công lớn xây đặt nền móng cho nền giáo dục đại học VN nói chung, đặc biệt là về khoa học xã hội và ngành lịch sử”.
Từng gặp gỡ, trò chuyện với GS Trần Văn Giàu, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, kể về những điều mà bà tâm đắc. Đó là ông dặn làm lãnh đạo phải dành thì giờ nghe trực tiếp tiếng nói của người dân. Phải học tập và rèn luyện không ngừng. Phải làm việc với tinh thần nghiêm túc, luôn biết tự đòi hỏi, khám phá và sáng tạo để không lặp lại chính mình. Ông luôn sống giản dị, chân thành và hết sức vị tha để có thể cảm hóa và dễ dàng tiếp cận mọi người. Giữ cho được tinh thần lạc quan, dù trong hoàn cảnh nào luôn có lòng tin vào con người, vào cuộc sống, vào những điều tốt đẹp để có thể làm nên việc lớn…
Trung Hiếu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.