Nhái tranh, chỉ cần nhận lỗi là xong?

12/12/2011 01:21 GMT+7

Việc phát hiện tranh nhái tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 (FMTQ - 2011) vừa qua là câu chuyện không còn mới. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các trường hợp vi phạm khác, tác giả chỉ cần xin lỗi, tự rút tác phẩm hay trả lại giải thưởng là mọi chuyện lại… đâu vào đấy.

Việc phát hiện tranh nhái tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011 (FMTQ - 2011) vừa qua là câu chuyện không còn mới. Tuy nhiên, cũng như hầu hết các trường hợp vi phạm khác, tác giả chỉ cần xin lỗi, tự rút tác phẩm hay trả lại giải thưởng là mọi chuyện lại… đâu vào đấy.

Chỉ tới khi dư luận phát hiện, lên tiếng về bức tranh Chờ xử lý của Đỗ Trung Kiên (tham gia festival) giống với tác phẩm Phượt 2 của Nguyễn Quang Hải, Hội đồng nghệ thuật FMTQ - 2011 mới giật mình, triệu tập ngay cuộc họp khẩn. Các thành viên đều nhận định bức tranh Chờ xử lý giống tới 90% nội dung, bố cục, cách tạo hình trong tác phẩm Phượt 2. Sau khi yêu cầu hai tác giả giải trình về quá trình hình thành tác phẩm, hội đồng quyết định rút bức Chờ xử lý ra khỏi festival.


Bức Chờ xử lý của Đỗ Trung Kiên tại Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc 2011


Bức Phượt 2 của Nguyễn Quang Hải

Câu chuyện trên không phải cá biệt, mà chuyện họa sĩ trong nước đạo lại các tác phẩm mỹ thuật hay nhiếp ảnh của các tác giả trong và ngoài nước từng xảy ra trong nhiều triển lãm, liên hoan, cuộc thi mỹ thuật lớn, nhỏ. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005, tác phẩm đoạt huy chương đồng - Bình minh trên công trường của Lương Văn Trung bị phát hiện sao chép gần như hoàn toàn bố cục, chất liệu, đề tài bức tranh Đội lao động của họa sĩ M.C.O. Cuznescov (Nga). Cũng trong năm đó, bức tranh cổ động an toàn giao thông Vượt đèn đỏ - Nguyễn Ánh Mỹ, bị cho rằng nhái lại tác phẩm cùng tên của Lê Minh Ngữ. Hay bức tranh Đảng là cuộc sống của tôi - tác giả Nguyễn Trung Kiên sao chép hình tượng trong bức ảnh Nụ hôn của gió - tác giả Trần Thế Long. Năm 2006, bức tranh cổ động Tất cả trẻ em được học - Chu Ngọc Thăng bị phát hiện giống với tác phẩm nhiếp ảnh Lớp học vùng cao của Lê Hồng Linh. Năm ngoái, tại cuộc thi vẽ tranh cổ động Đừng để HIV/AIDS lấy đi cuộc sống của bạn, tác phẩm đoạt giải nhất của tác giả Nguyễn Tấn Khởi đã lấy ý tưởng trong bức tranh của một học sinh người Mỹ - Rewais Hanna.

Cần những chế tài nghiêm khắc

Hầu hết quy định của các cuộc thi, liên hoan, triển lãm chỉ đưa ra một cách chung chung như: “Tác giả tự chịu trách nhiệm về bản quyền tác phẩm của mình” hay “Ban tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng nếu tác phẩm vi phạm thể lệ”… Do vậy, từ trước đến nay, đa số tác giả vi phạm chỉ phải chịu hình thức xử lý dừng ở mức rút tác phẩm, giải thưởng, khiển trách.

Hội đồng nghệ thuật FMTQ - 2011 quyết định gỡ tác phẩm Chờ xử lý khỏi triển lãm, không in tác phẩm trong vựng tập, tước quyền dự thi của Đỗ Trung Kiên và thông báo về nơi tác giả công tác. Ông Nguyễn Phú Cường- Cục phó Cục Mỹ thuật, Triển lãm, Nhiếp ảnh, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật FMTQ - 2011, cho rằng hình thức xử lý với vi phạm của tác giả Đỗ Trung Kiên là phù hợp với quy chế, hơn nữa tác giả này tự làm đơn xin rút tác phẩm, còn tác giả Nguyễn Quang Hải chỉ muốn làm rõ sự việc, chứ không có ý định kiện tác phẩm xâm phạm bản quyền. Trong trường hợp vi phạm tại cuộc thi sáng tác tranh cổ động Đừng để HIV/AIDS lấy đi cuộc sống của bạn, tác giả Nguyễn Tấn Khởi cũng chỉ cần tự xin rút giải thưởng và nộp lại tiền thưởng là mọi chuyện lại… êm xuôi. Những chế tài xử lý dễ dãi như vậy liệu có đủ sức răn đe?

Họa sĩ Nguyễn Đức Hòa đã bày tỏ: “VN đang trên đà hội nhập với thế giới, rồi sẽ đến lúc chúng ta phải đối mặt với những vấn đề này. Chúng ta cần có chế tài thật nghiêm khắc. Nếu cứ bỏ qua dễ dàng, sẽ đến lúc VN có nhiều họa sĩ sơn dầu nổi tiếng nhưng không biết vẽ sơn dầu, họa sĩ khắc tranh nổi tiếng nhưng không biết khắc tranh…”.

Thay vì chỉ mong chờ vào lòng tự trọng, đạo đức nghề nghiệp của các họa sĩ, thiết nghĩ ngay trong thể lệ, quy chế dự thi, tham gia liên hoan, triển lãm, cần có những chế tài nghiêm khắc, cụ thể. Đã có ý kiến như  tước quyền tham gia hoạt động mỹ thuật trong khoảng thời gian nhất định hay đưa ra mức tiền phạt thật nặng với các tác giả vi phạm…

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.