Nhạc sĩ Xuân Phương: 'Tôi kén chọn người hát, cũng phải tầm 'sao' tôi mới đồng ý'

06/05/2020 18:01 GMT+7

Trước khi viết ca khúc, nhạc sĩ Xuân Phương nghĩ ngay đến ca sĩ nào sẽ hát. "Tôi cũng kén chọn người hát, cũng phải tầm “sao” tôi mới đồng ý", "cha đẻ" ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa chia sẻ.

Khi bộ phim Xin hãy tin em (đạo diễn Đỗ Thanh Hải) lên sóng vào năm 1997, cái tên Xuân Phương đã được khán giả nhớ đến với ca khúc Mong ước kỷ niệm xưa được anh sáng tác cho phim.

Cùng với ca khúc này, hàng loạt ca khúc trong phim do Xuân Phương viết được khán giả yêu thích như Lời ru cho con, Lời chưa nói, Anh...

Suốt 20 năm qua, Xuân Phương là nhạc sĩ nhạc phim “đắt khách”, anh đã sáng tác nhạc cho hàng chục bộ phim truyền hình.

Nhiều ca khúc trong phim do anh sáng tác đã trở thành “hit”, thậm chí có ca khúc còn được biết đến nhiều hơn cả phim. Cách anh tạo “hit” là như thế nào?

- Nhạc sĩ Xuân Phương: Mỗi một bộ phim và ca khúc sáng tác đi cùng có sự tương hỗ lẫn nhau. Bài hát được phát 2 - 3 lần/tuần nên người xem phim sẽ “ngấm” hơn. Ngược lại, nhờ việc thích bài hát, khán giả có thể lại thích xem bộ phim.

Khi sáng tác, tôi chỉ nghĩ đơn giản mình cần tạo nên điều gì đó chung với cảm xúc của nhiều người, và cố gắng không viết riêng ca khúc chỉ cho bộ phim đấy. Nếu chỉ viết riêng cho phim thì việc đồng điệu hóa cùng cảm xúc của người nghe sẽ bị giảm đi. Bởi vậy, tôi chỉ lấy chủ đề, còn không “dính” quá nhiều vào bộ phim, để sau này ca khúc có cuộc sống thực sự tách riêng ra sau khi “rời” khỏi bộ phim.

xuan-phuong

Mong ước kỷ niệm xưa là ca khúc mà nhạc sĩ Xuân Phương được nhận tác quyền nhiều nhất

Ảnh NSCC

Nhiều ca khúc nổi tiếng của anh do ca sĩ nổi tiếng thể hiện (Anh - Hồ Quỳnh Hương, Mong ước kỷ niệm xưa - Tam ca 3A, Lời chưa nói - Trần Thu Hà…). Anh luôn chọn ca sĩ và thường phải là người nổi tiếng hát ca khúc của mình?

- Trước khi viết ca khúc, tôi phải nghĩ ngay đến ca sĩ nào sẽ hát để khai thác âm vực hay của họ. Mỗi một người có những âm vực hay riêng, có người có âm vực cao trong trẻo, có người thì âm vực trầm đầy đặn.

Bởi vậy, khi đã nhắm người hát rồi thì mình sẽ nắm được âm vực hay của họ để khai thác. Tôi cũng kén chọn người hát, cũng phải tầm “sao” tôi mới đồng ý.

Kiếm sống chính từ viết ca khúc theo đặt hàng bên ngoài

Có bộ phim nào làm “khó” anh khi sáng tác?

- Có lẽ, do bản năng nên khi viết những ca khúc cho phim có chủ đề tình yêu, tình bạn, trường lớp… mình rất dễ bật ra. Còn những bộ phim về những vấn đề về xã hội sẽ làm khó mình hơn.

Mà cái khó chủ yếu là về phần ca từ, như làm thế nào để viết về chính trị, xã hội mà không được “cứng”, vì “cứng” thì không ai nghe.

Hơn nữa, ca khúc mà chỉ phục vụ cho mỗi bộ phim thì sau đấy cũng “vứt” đi luôn. Còn nếu phim một đằng, ca khúc một nẻo thì cũng không được. Bởi vậy, cái khó chính là làm sao để có được sự dung hòa, mềm mại, có thể lồng ý tứ của bộ phim vào ca khúc.

Có bộ phim nào khiến anh phải tranh cãi với đạo diễn?

- Cũng có những bộ phim như thế nhưng không đến mức tranh cãi. Có thể đạo diễn cho rằng đoạn phim này tính chất thế này, nhưng trong lúc xem phim mình lại có cảm nhận khác thì chia sẻ lại với đạo diễn. Sau khi nghe mình nói thường đạo diễn cũng đồng ý. Nhưng thực ra việc này cũng ít thôi vì người làm nhạc và đạo diễn thường đã phải trao đổi rất kỹ trước khi làm rồi.

Ngoài làm nhạc phim, anh có quan tâm đến việc viết ca khúc đặt hàng?

- Bây giờ, nghề chính của tôi là dạy học (nhạc sĩ Xuân Phương công tác tại trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội), nhưng để kiếm sống chính lại từ viết ca khúc theo đặt hàng bên ngoài, có thể từ các ca sĩ, hay các đơn vị, tổng công ty, tập đoàn này kia…

Chủ yếu chúng tôi viết và “sống” bằng việc này, chứ làm mỗi nhạc phim như thế thì không ăn thua. Thực ra, khoảng vài năm nay, tôi chỉ làm nhạc cho phim mà không viết ca khúc cho phim nữa vì kinh phí không đủ.

Cách đây 15 năm, anh chia sẻ làm nhạc phim cát sê là 1 triệu đồng/tập phim. Vậy còn bây giờ, cát sê cho nhạc sĩ nhạc phim là bao nhiêu?

Chất lượng nhạc phim đã được tăng lên khi được đầu tư về chất xám, công nghệ, máy móc, nhưng kinh phí cho nhạc phim, hay sáng tác ca khúc cho phim lại chưa cân xứng. Khoảng năm 2008 - 2010, cát sê là khoảng 1,8 triệu/tập, rồi trừ đi 10% thuế nữa, nhưng từ đó đến nay vẫn vậy.

Nhạc sĩ sáng tác ca khúc trong phim sẽ được hỗ trợ thêm 10 triệu đồng, trong đó gồm cả sáng tác, phối khí, thu thanh, ca sĩ. Trong khi đó, bây giờ, chi phí đặt bài sáng tác hầu hết tối thiểu là 60 triệu đồng, còn có những tổng công ty, tập đoàn trả chi phí tới 200 triệu.

Ra ngoài đường, có nhiều người nhận ra anh là nhạc sĩ nổi tiếng không?

Tôi nghĩ là không! Bản thân tôi cũng rất “kén” khi được mời lên truyền hình. Thường tôi chỉ nhận lời mời tham gia lên hình, phỏng vấn trong chương trình của những bạn bè, người quen biết thôi vì tôi cũng không muốn xuất hiện nhiều!

Xin cảm ơn anh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.