Theo kế hoạch, đêm nhạc Bình yên kỷ niệm 30 năm sáng tác của nhạc sĩ Quốc Bảo sẽ diễn ra tại Nhà hát Hòa Bình, TP.HCM vào ngày 15.5, nhưng vì đợt dịch Covid-19 mới lại bùng phát, chương trình tiếp tục hoãn (sau lần dời lịch đầu tiên cũng vì dịch, lẽ ra được tổ chức hồi tháng 3 vừa qua). “Dịch Covid-19 làm cho mọi thứ thay đổi, đời sống văn hóa giải trí cũng không ngoại lệ, và người làm nghề cũng chịu sự tác động đó. Đó cũng là một trong những lý do vì sao chúng tôi chọn tên bài hát Bình yên làm chủ đề cho đêm nhạc này”, nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ.

“Bình yên” khi anh viết ca khúc này và hiện nay hẳn cũng đã khác nhau nhiều?

Bình yên khi tôi viết năm 2002 là một cảnh bình yên gia đình (vợ con) và dấn thân vào hoạt động xã hội, có cái gì đó còn nông nổi bấp bênh. Bình yên giờ đây là sự thinh lặng của tâm tưởng, của sự chứng kiến con cái trưởng thành, của sự già đi tự nhiên. Giờ bình yên như một trạng thái cân bằng trong đời sống và trong công việc, không còn bất ngờ nữa, mà êm đềm dàn trải...

“Không còn bất ngờ”, có lẽ cũng là trạng thái khi anh đón nhận thông tin hoãn show…

Đúng là như vậy. Nên chương trình chắc sẽ dời lâu hơn lần trước... Tôi có thời gian hiệu chỉnh kịch bản cho hay hơn, chặt chẽ hơn.

Nhạc sĩ Quốc Bảo với nhạc sĩ Bảo Chấn (phải) và Văn Tuấn Anh khi ra mắt đĩa than và CD Điều kỳ diệu của số 3 mới đây (Ảnh: NVCC)

Dù vậy, dịp này, anh cũng ra mắt đĩa than và CD ca khúc Quốc Bảo với giọng hát của Hà Trần (Trần Thu Hà), Bằng Kiều, Lê Hiếu, Nguyên Hà. Trong khi chờ đợi show diễn, người yêu nhạc Quốc Bảo sẽ thưởng thức những khoảnh khắc bình yên với hình thức khác. Nhân tiện, vì sao đêm nhạc kỷ niệm 30 năm sáng tác lại thiếu vắng Hà Trần, Mỹ Tâm hay Thủy Tiên - những ca sĩ được biết đến đầu tiên từ những bài hát của anh?

Thời điểm tôi lên kế hoạch cho đêm nhạc của mình, Tâm thì quá bận chuẩn bị live show của cô; Thủy Tiên bây giờ không sẵn sàng để hát, có lẽ cũng nhiều việc chi phối và hát không còn là chí thú đầu tiên của cô ấy nữa. Còn Hà Trần, vì cô đã ở VN quá lâu, không thể chờ thêm được nữa, sau khi tôi đã dời lịch từ tháng 3 sang giữa tháng 5... Vào thời gian diễn ra chương trình Hà Trần đã về Mỹ.

Dù chưa biết khi nào chương trình mới có lịch diễn trở lại, nhưng đêm nhạc sẽ phải được thực hiện vì như anh nói, đó là dấu mốc sơ kết 30 năm sáng tác...

Thật sự khi chuẩn bị làm show này, tôi không tự tin lắm về việc phát hành vé, vì Nhà hát Hòa Bình lớn quá. Trong khi, tìm không gian nhỏ hơn Nhà hát Hòa Bình mà lớn hơn Nhà hát TP.HCM quả không dễ để đảm bảo mọi khâu.

Về hòa âm phối khí, tôi cũng không tự tin, vì tôi làm việc trong phòng thu là chính, ít làm việc sân khấu hơn. Nên tôi mời anh Bảo Chấn tham gia cùng, và dành cho ban nhạc quyền lớn: có thể sửa bản phối của tôi. Sẽ có 21 tiết mục với 3 phần chính gắn liền 3 giai đoạn sáng tác của tôi: tinh khôi, độc thoại và bình yên. Tôi và ê kíp thực hiện của đạo diễn Quỳnh Thư sẽ làm sao để khán giả không có cảm giác đang xem phim tư liệu hành trình âm nhạc Quốc Bảo (cười).

Chỉ có CD và đĩa than 30 năm tình ca Quốc Bảo là tôi tự tin.

Nhìn lại 30 năm sáng tác, đâu là ca khúc mang đến cho anh nhiều ý nghĩa nhất?

Em về tinh khôi! Có lẽ thế. Tôi nghĩ đó là bài hát may mắn, vì khi tung ra thị trường năm 1998 (dù tôi viết từ năm 1992), tôi không đặt nhiều kỳ vọng, không nghĩ là nó để lại ấn tượng lớn như thế. Cuối cùng, tôi được rất nhiều từ nó: được công chúng biết đến rộng rãi, được sự nể trọng từ đồng nghiệp, đến bây giờ đó vẫn là bản ghi âm được nghe nhiều nhất - mang về tác quyền nhiều nhất trong danh mục những ca khúc của tôi.

Khi ra mắt tuyển tập ca từ Những lời bình yên, với 100 lời bài hát được anh chọn lọc trong 30 năm sáng tác, anh cho biết đó chỉ là 1/10 số lượng anh đã viết. Tính trung bình, mỗi năm anh viết hơn 30 ca khúc, con số không tưởng!

Tôi bắt đầu sáng tác từ những năm 1980, nhưng đến năm 1991 khi viết Tàn phai, tôi mới cho rằng đó là ca khúc đầu tiên của mình, sau đó là Em về tinh khôi..., và chúng chỉ nằm im trên giấy. Lúc bấy giờ, tôi vừa dạy nhạc ở Trường cao đẳng Sư phạm TP.HCM (nay là Trường đại học Sài Gòn) và vẫn viết liên tục, cả 100 bài, cũng để trong ngăn kéo... Phải đến năm 1998, khi tôi làm biên tập âm nhạc cho Phương Nam Phim, tôi mới có cơ hội làm nhạc, làm nhà sản xuất âm nhạc một cách chuyên nghiệp hơn. Ngay ấn phẩm đầu tay - album Mùa tình yêu (1998) tôi đã có cơ hội lấy bài hát của mình - Em về tinh khôi để đưa vào (cười).

Khi sáng tác, tôi ít viết bài đơn lẻ mà viết một loạt bài theo một phong cách hay không khí nào đó, nên có khi 1 ngày tôi viết 4 bài. Đến nay, ca khúc phổ biến trên thị trường của tôi có khoảng trên dưới 400 bài, theo danh mục của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN.

Trong những lần giao lưu gần đây với khán giả, anh cho biết chủ yếu viết nhạc bằng bút mực - giấy, vì anh vốn là người sưu tập bút máy hay còn lý do khác?

Khi sáng tác, tôi thường hình thành sườn hợp âm, sau đó viết giai điệu, rồi làm bản phối cho ban nhạc đánh, tạo thành beat có giai điệu sẵn (bản nhạc không có lời hát). Có thể tôi viết lời ngay sau đó, nhưng chưa hoàn chỉnh. Thường thì đến khi chính thức thu âm tôi mới hoàn thiện phần lời.

Đến nay, tôi vẫn còn thói quen viết lời bài hát trên giấy - khi là mặt sau của một trang ghi chú có sẵn đâu đó hay mảnh giấy bạc trong bao thuốc lá ở tiệm cà phê, lúc là những dòng phụ của tờ giấy nhạc ở phòng thu âm... Và như tôi từng nói trong quyển Những lời bình yên: Tôi đoán là mình sẽ viết như thế mãi mãi; để những lời từ tim chảy xuống ngón tay; để những thinh lặng không lời một hôm lên tiếng nói vô thanh, bằng ngôn ngữ cưu mang chúng ta bao đời nay, tiếng Việt.

Cơn đau 2 năm trước ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe của anh, nhất là mắt?

Rất nhiều... Điều may mắn nhất là tôi vẫn còn nhìn thấy được. Lúc đó gần như bị mờ một mắt do bị nghẽn mạch máu não. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù hoặc một cơn đột quỵ.

Bây giờ tôi vẫn chưa lấy lại được sức lực 100% như trước, làm việc bằng mắt bị giới hạn, ban đêm không đi xe máy được. Tôi vẫn phải uống thuốc cho tuần hoàn não ổn.

Nhạc sĩ Quốc Bảo với Tiêu Châu Như Quỳnh khi thực hiện dự án âm nhạc cùng cô (Ảnh: Louis Wu)

Nếu không ngại, anh có thể tiết lộ tiền tác quyền trung bình mỗi năm của mình? Mức tác quyền đó có đảm bảo đời sống của một nhạc sĩ?

Tôi không rõ mức cao nhất mà các nhạc sĩ nhận là bao nhiêu, nhưng với cá nhân tôi thì khoảng 200 triệu đồng/năm. 200 triệu làm sao sống ổn được (cười).

Có thể các nhạc sĩ khác hoạt động nhiều hơn ngoài việc sáng tác, nên đời sống thoải mái hơn; còn tôi, thời gian sau này ít tham gia biên tập hay làm thêm công việc khác. Dù vậy, tôi vẫn là người tay làm hàm nhai (cười) chứ không ngồi chờ tiền tác quyền. Năm nào tôi cũng phải có dự án, không đĩa thì sách hay viết nhạc phim... Nhưng nhìn chung, nhạc sĩ vẫn chật vật.

Nhạc sĩ Quốc Bảo và Nguyên Hà, Trini - những “nàng thơ” trong âm nhạc của anh (ảnh: NVCC)

Và, Quốc Bảo sau 30 năm sáng tác sẽ thế nào?

Tôi muốn ngưng 1, 2 năm để viết gì đó lớn hơn ca khúc, chẳng hạn là concerto (thể loại âm nhạc viết cho một hoặc vài nhạc cụ hòa tấu với dàn nhạc giao hưởng) hay bản giao hưởng, tôi muốn dành thời gian cho khí nhạc.

Dù ca khúc thường có lượng công chúng rộng rãi hơn, còn khí nhạc thường kén người nghe, nhưng tôi lại yêu nó, những năm sau này. Có những điều tôi không bộc bạch được bằng ca khúc, tôi nghĩ phải là hình thức lớn hơn thì mới chuyển tải được hết, và tính công phu của nó khi soạn cũng làm cho mình thấy hứng thú hơn. Với tôi, đó chỉ là niềm vui được làm việc, niềm vui được lao động nghệ thuật với loại hình mới. Niềm vui này lớn hơn nhiều so với việc viết một ca khúc.


Báo Thanh Niên
09.05.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.