Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: Ước mơ âm nhạc nhen nhóm từ... nghĩa địa

08/04/2018 11:44 GMT+7

Ít ai biết rằng tác giả có thu nhập từ tiền tác quyền cao thứ hai trong cả nước hiện nay (chỉ đứng sau nhạc sĩ Trịnh Công Sơn) đã trải qua 'tuổi thơ dữ dội' gần 10 năm trong.. nghĩa địa.

Trò chuyện với nhạc sĩ của những bài hit do Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Noo Phước Thịnh… thể hiện trong dịp anh chuẩn bị dự án âm nhạc cho cặp đôi ca sĩ hải ngoại Tô Chấn Phong - Lưu Bích, Nguyễn Hồng Thuận chia sẻ đây là hai giọng hát có ảnh hưởng rất nhiều đến đam mê âm nhạc cũng như những sáng tác của anh sau này.
“Suốt những năm học cấp 2, 3, những cuộn băng cassette có giọng ca Lưu Bích, Tô Chấn Phong, Khánh Hà, Anh Tú, Thanh Hà… đã đồng hành cùng cậu bé mê nhạc tên Thuận (cười). Tầm quãng giọng của Thuận cũng tương đương với quãng giọng của anh Tô Chấn Phong, nên có thể nói không một bài nào của anh ấy mà Thuận không thuộc! Cả “style” nhạc tình nhẹ nhàng, lãng mạn ấy cũng ngấm dần vào Thuận, người nghe có thể dễ dàng nhận thấy là cho đến tận hiện tại Thuận vẫn còn  chịu ảnh hưởng và luôn thích viết nhạc tình nhẹ nhàng như vậy thôi”, anh kể.
Chia sẻ những kỷ niệm thời thơ ấu, Nguyễn Hồng Thuận bảo rằng có thể một số nghệ sĩ nổi tiếng e ngại khi nói về quá khứ cơ cực của mình, nhưng anh thì không có gì phải giấu cả. "Cả nhà Thuận đã sống tạm tại một… nghĩa địa ở quận Bình Thạnh, TP.HCM gần 10 năm trời. Mình từng nghèo và mình trân trọng những năm tháng ấy”, anh chia sẻ.
* Anh có thể chia sẻ về “tuổi thơ dữ dội” ấy?
- Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận: Đó là khoảng thời gian Thuận học tiểu học, ba má dựng cái lều ở nghĩa địa và 5 anh em trai lớn lên cùng nhau nơi đó. Buổi sáng mấy anh em đi học toàn phải nhịn đói vì muốn ăn cũng không có gì để ăn. Cả nước để đánh răng rửa mặt cũng không có. Mấy anh em toàn lấy tro nấu bếp của má chà răng rồi đi học. Tối đến mấy anh em thường hay nằm cùng mấy ngôi mộ người ta ngắm trăng sao, thật sự không có cảm giác sợ hãi gì vì mình cũng không có phá phách mà nghĩ là cùng sinh sống với… thế giới đó.
Những đêm nằm ngắm trăng ấy, không biết có điều gì đó trong lòng cứ thôi thúc mình và khiến Thuận luôn mặc định trong suy nghĩ rằng mình sau này sẽ sống bằng âm nhạc (cười). Lúc đó Thuận có kể ý nghĩ này cho phụ huynh, rồi bị ba la cho một trận vì cơm còn không đủ ăn, âm nhạc thời sau đổi mới dường như là điều xa xỉ. Ba mẹ Thuận không muốn con cái theo nghề này… 30 năm đã qua, nhìn lại thấy mình cũng thật… phi thường, vì nghĩ bây giờ mà khổ lại như vậy chắc chịu không nổi!
Thế giới tuổi thơ của Nguyễn Hồng Thuận gắn với khu nghĩa trang ở quận Bình Thạnh, TP.HCM
* Thế anh đã đến với âm nhạc bằng cách nào?
- Sau một thời gian, ba mẹ Thuận được người bạn giúp đỡ bán thiếu cho miếng đất nên cả nhà dọn khỏi nghĩa trang. Vui lắm! Nhà chỉ đủ tiền xây tường lên thôi, không tô xi măng, không có cửa sổ. Nhà 7 người nhưng chỉ có 2, 3 cái ghế. Cả nhà ráng làm để vài năm thì sửa sang một chút, mua sắm thêm một chút. Thuận thiệt may mắn khi “thừa kế” cây đàn organ của chú ruột, ông mua về học mà không học được, chán và bỏ nên Thuận xin mượn về tự mày mò học và chơi vì mê lâu rồi. Cây đàn đó theo Thuận rất lâu về sau cho đến khi Thuận có thể đi làm kiếm tiền. Vì là cây đàn đời rất xưa và kiểu dành cho trẻ em nên phím bé xíu. Khi đi đánh đàn kiếm tiền thì làm chung với các anh chị lớn hơn và hay bị trêu chọc là già mà đánh cây đàn con nít. Lúc đó cũng quê lắm nhưng với một đứa học sinh nghèo, nhà lại đông anh em, đi làm thêm phụ gia đình thì cây đàn đó cũng là một gia tài.
Thuận may mắn là có khiếu, nên tự học khá nhanh và đánh theo các bài nhạc mà mình thích. Các bạn bây giờ muốn học gì đều lên mạng là có, còn hồi đó Thuận phải để dành tiền lâu lâu mới đi mua sách cũ về học thêm.
* Học cấp ba đã làm ra tiền nên chắc anh mê chạy show lắm?
- Mê thiệt chứ! Nhớ lúc tết năm lớp 11, mê tiền quá nên đi làm ở Suối Tiên từ sáng mùng 1 đến mùng 10 luôn. Mỗi ngày đánh 4 suất và có đêm về xém bị cướp. Ba Thuận sơn xe cho khách mà tết không xong kịp nên Thuận mới có xe máy chạy. Chứ bình thường đi làm ở trong Sài Gòn thì đi xe đạp thôi. Có nhiều show đánh ở Phú Lâm đạp xa ơi là xa, rồi mắc mưa mà không dám mặc áo mưa vì phải nhường áo mưa cho cây đàn. Đến khi vô chỗ làm ướt như chuột lột, vừa đánh  đàn vừa run vì lạnh…
Những gì mình học được là sự cóp nhặt mỗi ngày trên con đường mưu sinh của tuổi thơ đầy vất vả. Đó cũng là lý do mà cho đến giờ dù đã không còn khó khăn nhưng sự nhút nhát và kém tự tin vẫn còn tồn tại trong Thuận…
Vì thiếu ăn nên dù học cấp ba nhưng Thuận vẫn chưa dậy thì và trông rất ốm yếu

* Những năm cấp 3 của anh cũng là giai đoạn thịnh hành của Làn sóng xanh, cũng như những ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Anh nói thuộc nhiều bài hát của Tô Chấn Phong vậy có khi nào hát… lót khi ca sĩ chưa đến không?

- Không phải là hát lót mà là thi thoảng không có khách và ca sĩ (Thuận đánh đàn từ nhà hàng tiệc cưới đến các làng nướng, quán nhậu) thì Thuận tự đàn tự hát, thường là những bài ruột như Tình nồng, Một thuở yêu người, Tàn tro… Ngay cả khi đánh cho khách hát, người ta cũng hay yêu cầu những bài hit của Tô Chấn Phong, Lưu Bích, Khánh Hà…
Bên cạnh âm nhạc, Nguyễn Hồng Thuận khá may mắn trên con đường kinh doanh
* Nhờ vậy mà đưa đến cơ duyên gặp gỡ rồi sáng tác bài hát cho ca sĩ Lưu Bích - Tô Chấn Phong?
- Cách đây vài năm trung tâm ca nhạc hải ngoại có đặt Thuận viết ca khúc, sau đó bài hát Muộn của Thuận được trung tâm này đưa cho chị Lưu Bích hát. Bài hát này được khán giả yêu cầu chị Lưu Bích hát lại trong nhiều những đêm diễn của chị. Đó là lý do chị cũng yêu mến nhạc của Thuận. Hai năm trước chị có liên lạc với Thuận và muốn Thuận viết riêng thêm cho chị. Thuận nghĩ, đã lâu rồi không còn được nghe anh chị song ca, tại sao mình không viết cho chị một bài hát song ca! Và Thuận chia sẻ với chị đề nghị này, khi rất muốn làm bài song ca cho chị và anh Tô Chấn Phong hát, một phần vì mến mộ anh chị, và cũng mong nghe lại giọng hát của cả hai trong một nhạc phẩm mới  (anh Tô Chấn Phong lâu nay làm kinh doanh chứ không hát nữa). Và may mắn là chị đồng ý. Single Ta phụ nhau rồi đã ra đời từ đó. Hiện Thuận đang chuẩn bị MV cho bài hát này để ra mắt vào giữa tháng 4.
Anh rất hạnh phúc khi được làm sản phẩm âm nhạc cho ca sĩ mình từng mến mộ: Lưu Bích - Tô Chấn Phong
* Gần đây thấy anh cũng dành nhiều thời gian cho việc kinh doanh?
- Ngoài âm nhạc, Thuận khá may mắn trên con đường kinh doanh. Thuận hiện là thành viên hội đồng quản trị của hệ thống giải trí số hàng đầu Sài Gòn hiện nay, với hơn 10 club và nhà hàng trên địa bàn trung tâm thành phố. Sắp tới Thuận đang phát triển thêm các hướng kinh doanh thu lợi nhuận khác và cả các cơ sở kinh doanh từ thiện (hệ thống cơm từ thiện 2.000 đồng). Năm nay và năm sau Thuận sẽ chạy các hệ thống này.
Hiện tại mình cũng đang quá tải (cười). Chắc sẽ có vợ sớm thôi (cười) để vợ giúp điều hành những công việc này. Vì nói gì thì nói, Thuận vẫn thích ngồi sáng tác hơn!
* Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.