Nhìn Nguyễn Hồng Thuận bây giờ sống “sang chảnh” với nhà đẹp, xe sang, được nhiều ngôi sao trong và ngoài nước săn đón… ít ai biết từ lúc 4 tuổi anh đã phải bươn chải đi kiếm cơm. Lên lớp 6 phải đi làm đêm phụ bán cho các sạp ngoài chợ; lên cấp ba thì đi đánh đàn ở nhà hàng, quán nhậu…

Đúng là gặp tôi bây giờ sẽ chẳng có ai nghĩ nhiều năm về trước tôi đã có một tuổi thơ như thế và lớn lên trong cực khổ như vậy. Tôi hay đùa với những người bạn của mình rằng: Ai cũng thích hát Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, nhưng tôi thì không. Những ngày tháng lớn lên cùng khó khăn ấy ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Đôi khi trong giấc ngủ tôi vẫn thấy mình nằm lăn lóc bên vệ đường để canh sạp cho người ta…

Cơ cực như vậy, thời gian đâu để anh học hành, học nhạc để đi đánh đàn thuê cho người ta?

Cực và bận là thế nhưng tôi vẫn luôn hạnh phúc khi nghĩ lại thấy mình học không tệ. Nhà tôi có 5 anh em trai, ba mẹ lao động chân tay rất vất vả mưu sinh mỗi ngày. Tôi tự biết hoàn cảnh gia đình mình nghèo nên hồi đó dù học hành ngày thường tầm trung bình nhưng khi thi tốt nghiệp chuyển cấp thì cố gắng đạt điểm thật cao. Đơn giản tôi nghĩ mình thi đậu vào trường công lập sẽ đóng tiền ít; điểm kém thì phải vào trường bán công hay dân lập, ba mẹ sẽ thêm gánh nặng. Còn về nhạc, nhiều người từng cắc cớ hỏi tôi: “Chắc anh xạo chứ nhà nghèo vậy anh học đàn và biết đàn bằng cách nào…”. Sự thật tôi chưa từng được học nhạc qua trường lớp, thầy cô nào. Từng nốt nhạc, từng kỹ năng là tôi vì mê nhạc mà tự mày mò học qua băng đĩa, bạn bè và các anh em nhạc công chung quanh. Thậm chí là học bằng cách tưởng tượng từng thang âm, nốt nhạc trước khi ngủ mỗi đêm.

Anh nói tuổi thơ của mình gắn liền với bia mộ và cuộc sống chỉ toàn những khó khăn, thiếu thốn đến 13 năm? Giờ đây khi nghĩ lại, anh nhớ điều gì nhất?

Vì quá nghèo nên ngày đó ba mẹ dựng một cái chòi tạm sát ngay nghĩa trang nhỏ trong một con hẻm rất sâu ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM) để sống tạm. Nói là ở tạm nhưng mãi đến năm tôi 13 tuổi, gia đình mới có được một chỗ ở đúng nghĩa để thoát ra khỏi khu nghĩa trang. Nếu nói nhớ điều gì nhất về ngày sống trong nghĩa trang có lẽ là nhớ tiếng côn trùng kêu mỗi đêm. Nỗi ám ảnh nhất với tôi cùng gia đình là vào mỗi đêm khi mưa to gió lớn nước dâng lên ngập nền. Cả nhà phải rúc vào một góc nào đó ít dột nhất và đứng dựa vào nhau mà ngủ, vừa lạnh vừa run. Cái cảm giác ngủ trong mưa vẫn theo tôi đến tận bây giờ (xúc động mạnh). Kể thì có vẻ ngắn vậy nhưng thật sự thì nó dài, buồn và tủi nhục cũng nhiều. Đến giờ suốt cả quãng đời tuổi thơ của tôi chỉ có đúng một tấm hình, là tấm đứng chụp ở nghĩa trang.

Thế rồi Nguyễn Hồng Thuận phải làm sao để vươn lên có ngày hôm nay?

Có lẽ là số phận và được ơn trên yêu thương. Đôi khi tôi cũng không biết phải lý giải thế nào cho hành trình của một đứa trẻ nghèo chẳng có gì xuất sắc lại có thể đi đến được thành công như ngày hôm nay. Đã từng có những khoảng thời gian rất căng thẳng giữa tôi và ba mẹ, vì họ không tin vào con đường nghệ thuật của tôi. Ba mẹ muốn con mình có một nghề nghiệp gì đó ổn định đàng hoàng. Sau rất nhiều năm miệt mài tìm kiếm cơ hội cũng như quăng mình vào mọi ngóc ngách của âm nhạc để khai phá tiềm năng của chính bản thân mình, tôi đã đi đến con đường sáng tác như một định mệnh. Dù trước đó đã trải qua vài năm đi đánh đàn ở khắp nơi, từ đám cưới, đám tang, sinh nhật, vũ trường…; rồi đi hát nhóm, hát đám cưới...

Năm 2002 khi nhóm nhạc Speed (Tốc độ) của tôi do nhạc sĩ Tuấn Khanh đỡ đầu tan rã, thú thật tôi đã có chút hoang mang về khả năng âm nhạc của mình. Những năm tháng ấy tôi chỉ núp trong nhà, gần như không tiếp xúc với ai. Tôi viết nhạc suốt thời gian ấy. Và như một hành trình của “định mệnh”, tôi phải đến cái nơi cần đến để gặp người cần gặp...

Vậy có thể xem thất bại này là “định mệnh” cho một cơ duyên khác để có một nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận hôm nay?

Đúng là thế. Tôi nhớ mãi năm 2004, tôi lên Đà Lạt (Lâm Đồng) suốt 1 tháng để đánh đàn hằng đêm cho một nhà hàng cà phê vừa khai trương ở ngay bờ hồ Xuân Hương. Tại đây, tôi gặp được anh Đàm Vĩnh Hưng (2004 là năm ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trở thành một hiện tượng âm nhạc ăn khách). Anh có hẹn tôi khi nào về TP.HCM gọi cho anh và mang các sáng tác mới qua cho anh nghe. Anh Hưng đã mở cho tôi “con đường âm nhạc” với vai trò là một nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Có phải Đàm Vĩnh Hưng còn là người trao cho anh số tiền đầu tiên từ việc sáng tác?

Có 2 khoảnh khắc được nhận tiền mà chỉ đến ngày chết đi tôi mới có thể quên. Vào năm lớp 10, tôi nhận show diễn đầu tiên trong vai trò một nhạc công organ. Đêm đó tôi đánh rất tệ và sai rất nhiều. Lúc hết chương trình, bầu show kêu tôi ra một góc gửi cho 40.000 đồng và bảo ngày mai không cần đến làm nữa. Trên đường về tôi vui vì 40.000 đồng với đứa bé nghèo mười mấy tuổi là lớn lắm. Trước đó tôi giữ sạp đêm ở các chợ cả tháng cũng chỉ được 300.000 đồng, nên 40.000 đồng cho vài tiếng đứng đánh đàn là quá tốt. Nhưng rồi tôi thấy buồn, tủi thân muốn khóc. Tôi tự nghĩ có lẽ đây là show diễn đầu tiên và cũng là cuối cùng của mình.

Với anh Hưng, tôi sẽ không bao giờ quên ơn bởi anh lúc đó là ngôi sao sáng chói, còn tôi, một người trẻ viết nhạc vô danh. Vậy mà lần đó tôi mang 4 ca khúc mới qua hát cho anh nghe, nghe xong anh bảo muốn mua độc quyền luôn cả 4. Trước lúc đến gặp anh, tôi có suy nghĩ chỉ cần anh hát tôi sẽ tặng hết. Thế nhưng, anh Hưng không chịu nhận miễn phí mà trả cho tôi 10 triệu đồng. Trong khoảnh khắc ấy tôi… chết đứng, bần thần vì 10 triệu là một con số vô cùng lớn mà chưa bao giờ tôi mơ tới. Ngoài 10 triệu, anh Hưng còn gửi thêm 1 triệu nữa kèm câu nói: “Về mua chiếc xe máy mà đi lại cho tiện nha em”. Tôi luôn xem anh Hưng là ân nhân của đời mình.

Từ ngày được gọi là nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận, những “chất liệu sống” của mình được anh chuyển vào ca khúc như thế nào?

Tôi sáng tác tất cả thể loại âm nhạc, nhiều nhất là về tình yêu, còn lại là gia đình, xã hội, về trẻ em và những ước mơ cho cộng đồng. Nhờ những gì mình đã trải qua nên tôi biết rõ từng đối tượng khán giả họ sẽ thích thể loại và cách thể hiện âm nhạc thế nào. Nghĩ lại tôi cũng phải biết ơn chính mình đã vượt qua những ngày tháng ám ảnh đó; biết ơn những gì mà cuộc sống đã dạy và rèn giũa cho tôi.

Đến khi nào thì showbiz và hải ngoại biết đến tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận để anh được các ca sĩ ngôi sao săn đón?

Đó là năm 2005 khi ca khúc Tình yêu diệu kỳ của tôi phát hành đã được rất nhiều ca sĩ nổi tiếng liên lạc mua tác quyền hát cũng như đặt hàng các ca khúc mới. Đến năm 2006 khi anh Đàm Vĩnh Hưng phát hành ca khúc Muộn (1 trong 4 ca khúc mà anh đã mua của tôi 2 năm trước) thì tôi nhận được thêm tình yêu thương từ khán giả hải ngoại. Chính ca khúc Muộn đã mở đường cho tôi làm rất nhiều tour, live show âm nhạc ở Mỹ sau này.

Ngoài cuộc sống vất vả, có vẻ như tình yêu của anh cũng không hạnh phúc khi anh liên tục có những bài hát nổi tiếng về chuyện tình buồn như: Tội lỗi, Sao ta lặng im, Gửi người yêu cũ, Tìm lại giấc mơ...?

Thật ra chuyện tình buồn của tôi là từ hồi mình nghèo khổ. Sau này khi bớt nghèo, bớt khổ cũng là lúc sự kiên nhẫn, ước mơ trong tình yêu của mình đã hao mòn đi (cười buồn). Các ca khúc buồn mà mọi người nghe đa phần tôi viết cho chính chuyện của mình. Nhưng vì là đàn ông, nói ra những điều đó tự mình thấy ủy mị và hơi sến súa, nên thôi (cười). Với tôi, ca khúc mà không thật như chính cảm xúc mình thì sẽ không có hồn, không hay. Giờ đây tôi không còn muốn nhắc gì nhiều về chuyện tình yêu trong quá khứ nữa, có vui có buồn gì cũng là kỷ niệm đẹp trong cuộc đời của mình.

Người ta nói anh thu nhập hàng trăm triệu mỗi tháng, nhưng anh nói có ngày ăn 2 tô bún hay phở chỉ mất 100.000 đồng. Vậy anh làm ra “tiền nhiều để làm gì”?

Trước tiên phải nói rõ là tôi làm gì mà có nhiều tiền, chỉ đủ để chăm lo gia đình và sinh hoạt phí mỗi ngày. Cuộc sống của tôi vô cùng đơn giản. Tôi sống một mình đã nhiều năm, không hút thuốc, không bia rượu hay có thói quen ăn xài gì hết. Mỗi ngày thức dậy tôi chỉ ở trong nhà làm việc đến chiều là xuống nhà chạy bộ, bơi, tập gym… để giữ sức khỏe. Đúng là có khi mỗi ngày tôi xài không đến 100.000 đồng (cười). Tiền dành dụm nhiều năm dư được chút đỉnh tôi hùn vốn với bạn bè để kinh doanh với nhiều mô hình giải trí dành cho giới trẻ. Tôi luôn tự trích ra kha khá phần trăm thu nhập để làm quỹ từ thiện của chính mình. Mỗi khi stress quá hay có dịp gì đặc biệt tôi hay chạy xe máy đi cho quà những người vô gia cư, trẻ mồ côi, người già, tàn tật… Tôi xem thiện nguyện như một phần công việc mà mình phải làm. Đó còn là cách trả ơn cuộc đời vì những may mắn mà mình đã được trao. Tôi đang dành dụm thêm để mở những quán cơm từ thiện 0 đồng gần các bệnh viện.

Cho đến bây giờ Nguyễn Hồng Thuận dường như chưa từng công bố về người yêu?

Là do người tôi yêu trước đây ở ngoài showbiz nên mọi người ít biết và tôi cũng ngại công bố. Ở thời điểm hiện tại, việc tìm một người để yêu thật sự không khó. Nhưng cái khó chính là bản thân tôi đã không còn dễ mở lòng ra để tìm hiểu cũng như chào đón ai đó bước vào thế giới của mình như trước. Nếu như tuổi 20 tình yêu là tất cả với tôi, không yêu chắc sẽ… chết thì ở thời điểm này chỉ có thiếu đồ ăn, thiếu… ô xy, tôi mới chết thôi (cười).

Báo Thanh Niên
28.06.2020

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.