Hàng loạt tác phẩm khí nhạc (giao hưởng, thính phòng) và thanh nhạc của Đặng Hữu Phúc không chỉ được biểu diễn trên sân khấu trong nước mà cả quốc tế, trong đó có những buổi biểu diễn bán vé không đơn thuần chỉ mang tính chất giao lưu. Ông đã đưa âm nhạc hàn lâm VN tới thế giới.

Ông còn nhớ hoàn cảnh sáng tác tác phẩm Đất nước?

Đến giờ, tôi vẫn thấy đó là những nét nhạc sâu sắc nhất mà mình viết ra. Hồi đó, mọi người chỉ mong hết chiến tranh, hết bom đạn. Nên khi Hiệp định Paris vừa được ký, Mỹ không ném bom nữa, người dân VN mừng cả đêm hôm đấy. Lúc 9 - 9 giờ 30 tối, Đài phát thanh Hà Nội phát chương trình Tiếng thơ có bài thơ Đất nước (của Nguyễn Đình Thi) do bà Châu Loan ngâm. Tôi nằm nghe qua đài của nhà hàng xóm, nghĩ nếu phổ bài thơ này ra hợp xướng thì sẽ hay. Thế là cả đêm không ngủ được. Mà thời đó, kiếm được bài thơ cũng đâu có dễ như bây giờ là mở mạng có luôn, cũng không có sách vở gì.

Sáng hôm sau, từ sớm tôi đã đạp xe ra Thư viện Quốc gia để chép bài thơ. Chiều hôm ấy, lúc đánh cây đàn cũ ở nhà, tôi đã bật ra những nốt nhạc đầu tiên. Buổi tối, tôi đạp xe từ nhà ở Lò Đúc vào trường ở ô Chợ Dừa, vác theo cái đèn bão, một bảng gỗ dùng để đặt giấy nhạc lên trên cùng giấy và bút chì. Tôi viết đến 1 giờ đêm mới về. Thêm một đêm nữa thì tôi viết xong tuyến giai điệu, giống như con đường đi chính mình vẽ ra được rồi. Một vài tháng sau thì tôi hoàn thành tác phẩm. Năm 1974, tôi dựng tác phẩm tốt nghiệp trung cấp, mời Ái Vân, Măng Thị Hội, Từ Hậu, Tuyết Nhung, Bang Phác và Trần Tiến hát.

Sáng tác những tác phẩm đỉnh cao ở lứa tuổi còn rất trẻ, ông nghĩ những gì mình đạt được có bao nhiêu phần là trời cho, bao nhiêu phần là sự nỗ lực vượt qua chính mình?

Thực ra, hai cái đấy là một. Năm 20 tuổi tôi đã tự học, tự đọc để làm sao đưa ra tác phẩm mà mình không bị nói là ngây thơ. Năng khiếu ở trong con người rồi, cùng với đam mê khiến ta thích lao động. Nhưng không có năng khiếu thì không phải cứ lao động là làm ra tác phẩm hay được đâu.

Ngày xưa, thế hệ bọn tôi khó được gia đình nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa như thời bây giờ. Nhà thì đông con, nên mình phải tự lập hết. Tôi theo học nhạc vì lúc đó bố tôi làm Hiệu phó Nhạc viện Hà Nội (hiện là Học viện Âm nhạc quốc gia VN) phụ trách chính trị. Suốt 4 năm đi sơ tán, tôi sống với piano, thuộc làu làu những tác phẩm kinh điển viết cho piano từ thời đấy. Âm nhạc cứ thế ngấm vào mình.

Trước những tác phẩm khí nhạc, ông đã được nhiều khán giả biết đến với những ca khúc như Trăng chiều, Ru con mùa đông… mà hầu hết được thể hiện qua giọng hát Ái Vân. Ông viết những ca khúc đó dành riêng cho nữ ca sĩ?

Tôi thích thì sáng tác thôi, chứ không phải cho riêng ai cả. Tuy nhiên, giọng Ái Vân rất hợp nhạc của tôi, cô ấy lại là bạn cùng lớp. Hồi xưa, nhờ ca sĩ thu âm khó lắm, nên tôi nhờ luôn bạn mình.

Tôi viết ca khúc Ru con mùa đông lúc còn độc thân, chưa có con, nhưng xúc động khi đọc bài thơ của anh Phan Đan. Anh viết bài thơ này khi có đứa con khoảng 2 - 3 tuổi.

Cả nhà Phan Đan gồm 2 vợ chồng cùng 3 đứa con sống trong căn nhà có 10 m2. Cuộc sống khó khăn lắm. Vợ anh là thợ thêu, thêu đến mờ cả mắt. Sau này, tôi hay rủ Phan Đan cùng làm nhạc phim với mình, có thêm ít tiền trang trải cuộc sống.

Tôi cũng nhờ nhạc phim mà cuộc sống dễ thở hơn, có đồng ra, đồng vào, chứ còn những tác phẩm đỉnh cao thường không mang ra tiền mà có khi còn mất tiền thêm.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc trong chương trình biểu diễn năm 2009 - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhắc đến nhạc phim, ông là nhạc sĩ VN duy nhất đến nay đoạt giải Kim Tước nhạc phim xuất sắc của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Thượng Hải (Trung Quốc) với phần âm nhạc trong bộ phim Thời xa vắng. Ông từng rất bất ngờ khi lần đầu biết tin?

Lúc ông Hồ Quang Minh (đạo diễn bộ phim Thời xa vắng - PV) nhắn tin báo, tôi không tin, nghĩ là nhắn nhầm. Bởi ở thời điểm năm 2005, đất nước còn chưa phát triển như bây giờ. Lúc đó, làm nhạc cho phim mất cả năm trời mà chỉ được 10 triệu đồng. Nói thì chả ai tin, nhưng thời đó là thế! Tiền nong ít, phương tiện thì đơn giản. Nói chung, còn nhiều khó khăn. Trong khi LHP quốc tế đó có phim của những quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc..., ngay nước chủ nhà cũng có hàng chục phim.

Lúc đó tôi thấy không sao hiểu nổi, mãi đến năm 2019 tôi mới lý giải được. Đó là lần tham dự liên hoan âm nhạc hiện đại quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc), tôi mới biết nhạc sĩ Xiaogang YE (Diệp Tiểu Cương), một trong những tên tuổi nhạc sĩ lớn của Trung Quốc, là chủ tịch ban giám khảo liên hoan, cũng chính là chủ tịch ban giám khảo của LHP quốc tế Thượng Hải năm đó. Khi ấy tôi hiểu, giám khảo của LHP nghe âm nhạc trong phim với đôi tai của người trong nghề, tức là nhạc phim không chỉ “ăn” với phim, gây cảm xúc, mà còn phải có sáng tạo.

Khi viết nhạc cho Thời xa vắng, tôi đưa chất liệu âm nhạc dân tộc VN như ca trù, chèo..., cho đến nhạc cụ dân tộc như sênh, phách. Người trong nghề chỉ cần nghe hợp âm, giai điệu của bản nhạc là biết ngay người nhạc sĩ có sáng tạo, lao động hay không. Với mỗi nhân vật, tôi lại đưa vào những giai điệu, sử dụng những nhạc cụ khác nhau. Có lẽ, chính bởi vậy mà nhạc trong phim còn được nhận xét là đã làm rõ nét hơn số phận của những nhân vật chính.

NSND Đặng Thái Sơn và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cùng chơi tác phẩm Năm thể nghiệm trên chủ đề DDH vào tháng 1.2021 tại Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Không chỉ với âm nhạc trong phim Thời xa vắng, ở nhiều tác phẩm của mình, ông đều đưa vào chất liệu âm nhạc truyền thống. Ông có cảm hứng mạnh mẽ từ âm nhạc truyền thống và cũng coi đó là điểm nhấn trong phong cách sáng tác của mình?

Tôi nghĩ mình là người VN thì sáng tác của mình phải bám lấy hồn của người VN mới tồn tại được. Ở trên thế giới, nhiều nhạc sĩ trẻ đi học về âm nhạc tiền phong (avant - garde), tôi ủng hộ thôi vì hồi trẻ tôi cũng thế. Nhưng tôi nhận ra, mình cần có cái gì đó riêng không lẫn với người ta. Từ hồi trẻ, tôi xác định được con đường đi của mình khi nhìn theo những nhà sáng tạo đã mở ra những con đường mới cho âm nhạc thế giới như Debussy, Bartók, Stravinsky... Trong đó, Stravinsky bám rất chắc vào dân ca Nga, hay như Bartók cũng thường sử dụng âm nhạc truyền thống Hungary. Với tôi, nếu xác định là công dân toàn cầu mà bỏ đi yếu tố bản sắc thì rồi mình cũng sẽ biến mất thôi.

Bám vào dân ca nhưng mình khai thác, sáng tạo thế nào mới là khó. Bản nhạc Trống cơm tôi viết năm 2009 trong tổ khúc Chùm hoa VN đã được thu CD, phát trên đài phát thanh của Nhật, không hiểu sao còn trôi nổi sang tận Hồng Kông. Trên mạng, tôi được xem một cậu học trò của Lang Lang chơi bản nhạc ấy...

Ông nói, viết nhạc hàn lâm khó kiếm tiền, thậm chí còn phải tiêu tiền. Nhưng ông vẫn kiên định với con đường này từ thời trẻ?

Có khoảng thời gian cuộc sống nghèo quá, mình cũng bị hoang mang. Năm 1983, Trịnh Công Sơn đến nhà chơi, khuyên tôi vào Sài Gòn. Phú Quang với Trần Tiến vào trước đó đã nổi ầm ầm, mua nhà mua cửa. Nhìn lại mình đâm ra cũng hoảng. Nhưng mình không có người quen thân nào trong đó, nghĩ mọi cách xoay xở mà cuối cùng cũng không vào được.

Tùy từng thời điểm mà suy nghĩ của con người ta thay đổi. Nhiều năm sau, nhìn lại thì tôi thấy việc không vào Nam được có khi lại là cái may. Bởi miền Bắc lúc đó vẫn là môi trường phù hợp hơn để phát triển âm nhạc hàn lâm, còn vào Nam có khi dễ trở thành người viết ca khúc đại chúng.

Phải chăng do con đường này khó khăn mà những nhạc sĩ sáng tác khí nhạc hiện nay tại VN quá ít ỏi?

Thời đất nước gian khó, VN đã có Đặng Thái Sơn. Tôi cũng như Đặng Thái Sơn sinh ra trong thời đại mà con người được hun đúc từ biết bao nhiêu điều. Đất nước lúc đó dù khó khăn nhưng đã có nhiều cánh cửa mở ra để chúng ta thấy được những cao siêu trên thế giới rồi.

Còn bây giờ, đất nước mở cửa hơn, cuộc sống phát triển hơn, trong khi nhiều nghệ sĩ trẻ không biết suy nghĩ sâu sắc mà chạy theo cuộc sống vật chất nhiều hơn. Nhưng quan trọng hơn là tài năng mà tài năng không phải thứ lúc nào cũng có. Chẳng hạn như bây giờ hay sau này khó có một Đặng Thái Sơn thứ hai!

NSND Đặng Thái Sơn (phải) và nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Còn sự đánh đổi với tài năng trời cho, với ông, có phải là nỗi cô đơn?

Thực chất là mọi điều cuộc sống cứ diễn ra thế thôi, chứ không phải mình muốn thế này hay thế kia. Có lẽ mình say mê, tập trung cho cái gì quá nên bỏ lỡ những điều khác. Nhưng có thể việc không vướng bận gì lại khiến mình có thời gian dành hết cho âm nhạc.

Báo Thanh Niên
25.07.2021

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.