Nhạc phim 'thoát' phim

01/05/2020 06:21 GMT+7

Nhiều ca khúc viết cho phim truyền hình đã trở thành “hit”, có đời sống riêng khi phim đã kết thúc.

Sức sống nối dài sau phim

Khi mới chỉ lên sóng được vài tập, bộ phim Về nhà đi con (2019) không chỉ gây sốt với câu chuyện gà trống nuôi con thời hiện đại rất đời, mà cả ca khúc chủ đề của phim - Cảm ơn con nhé (nhạc sĩ Quốc An) cũng được lan tỏa mạnh mẽ bởi sự mộc mạc, gần gũi và xúc động của những lời hát từ tình cảm người cha dành cho con mình. Phim kết thúc, hàng loạt bản cover (hát lại) được người hâm mộ chia sẻ trên mạng xã hội, bên cạnh đó là những clip các diễn viên trong phim thể hiện ca khúc này. Theo nhạc sĩ Quốc An, bản thân anh cũng thấy bất ngờ khi bài hát được đón nhận và yêu thích nhiều như vậy. Tháng 3 vừa qua, nhạc sĩ Quốc An đã giới thiệu MV ca khúc này.

Viết ca khúc chứ không phải viết bài hát riêng cho phim, nên tôi luôn muốn chăm chút cho tác phẩm của mình để làm sao khi phim kết thúc, bài hát vẫn tiếp tục sống được

Nhạc sĩ Quốc An

Trước đó, ở phim Gạo nếp gạo tẻ (làm lại từ phim Hàn Wang’s Family), dù ca khúc chính của phim Đi tìm tình yêu được viết lại lời Việt (bởi nhạc sĩ Đinh Trung Chính) trên nền nhạc bản gốc Find Love Find Life, song lời hát gần gũi cùng bản phối bắt tai đã khiến bản nhạc “Việt hóa” này được ưa thích không kém bộ phim, vang lên khắp nơi ngay cả khi phim đã kết thúc. Bài hát cũng giúp ca sĩ Ôn Vĩnh Quang sở hữu bản “hit” đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Hay Hạnh phúc mong manh (ca khúc chủ đề phim Sống chung với mẹ chồng, do Lê Anh Dũng sáng tác) mà Khánh Linh thể hiện như đong đầy thêm cảm xúc người xem dành cho tâm tư, nỗi lòng của nhân vật chính Minh Vân, cũng là cho những người phụ nữ rơi vào “khoảng mong manh” trong tình yêu, trong hôn nhân.
Có không ít ca khúc được khán giả yêu thích cùng với “hiện tượng” của bộ phim trong thời gian qua như Khi tình yêu bắt đầu (phim Cả một đời ân oán), Mê cung (phim Mê cung), Lặng yên (phim Lặng yên dưới vực sâu)… Và ngay cả khi phim đã kết thúc, nhiều ca khúc được khán giả tiếp tục tìm kiếm, đón nhận trên các trang nhạc số, sân khấu ca nhạc. Thậm chí, có những ca khúc nhạc phim còn được biết đến nhiều hơn cả bộ phim. Có lẽ nhiều khán giả không biết rằng ca khúc Anh gắn bó với tên tuổi của nữ ca sĩ Hồ Quỳnh Hương vốn là một ca khúc nhạc phim.

Đầu tư hơn cho nhạc phim

Theo NSƯT - đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim, Đài truyền hình VN (VFC), việc làm âm nhạc cho phim truyền hình càng ngày càng được quan tâm hơn. Trên thực tế, trong không ít dự án phim, ca khúc được tung ra trước để thu hút sự quan tâm của khán giả trước khi phim lên sóng. Khán giả từng lùng sục ca khúc nhạc phim ngay trước khi phim Zippo, mù tạt và em được công chiếu. Bộ phim này được VFC đặt hàng tới 3 ca khúc. Với dự án phim Ngược chiều nước mắt, nhà sản xuất cũng “chịu chơi” khi đặt hàng tới 4 ca khúc cho bộ phim.

Kinh phí vẫn chưa cân xứng

Nhạc sĩ Xuân Phương cho biết việc làm nhạc cho phim truyền hình rất mất công sức, thời gian (có khi tới 2 - 3 tháng cho 1 bộ phim). “Khán giả xem có thể nghĩ là đơn giản, nhưng nhạc sĩ phải xem từng tập phim một, bàn bạc với đạo diễn bóc tách xem đoạn nào cần nhạc, nhạc như thế nào, sau đó nhạc sĩ viết nhạc, phối khí. Có tập phim cần đến 30 đoạn nhạc”, nhạc sĩ nói. Bên cạnh đó, công nghệ hay máy móc làm nhạc phim cũng cần nhạc sĩ đầu tư để đảm bảo chất lượng âm thanh khi khán giả xem bằng các thiết bị nghe nhìn khác nhau.
Việc làm âm nhạc cho phim đã được quan tâm hơn, nhưng nghịch lý là kinh phí cho làm nhạc phim vẫn chưa cân xứng. Trong nhiều dự án làm nhạc phim, nhạc sĩ chỉ nhận tiền cát sê khoảng 1,8 triệu đồng/tập phim (chưa trừ thuế), khoảng 10 triệu đồng/ca khúc (gồm chi phí sáng tác, phối khí, thu thanh, ca sĩ). Chính vì kinh phí như vậy nên nhiều nhạc sĩ sau một thời gian không muốn sáng tác ca khúc cho phim truyền hình nữa. Điều đó đã dẫn đến việc không ít nhà làm phim dùng ca khúc có sẵn, hay nhạc không lời cho… tiện.
Nhạc sĩ Xuân Phương nhận định, việc thực hiện âm nhạc trong phim đã được chú trọng hơn khi nhà làm phim có sự bàn bạc kỹ lưỡng và mở không gian rộng hơn cho nhạc sĩ. Việc sản xuất âm nhạc cho phim truyền hình đã dần được chuyên nghiệp hóa ở từng khâu từ lên ý tưởng, đến sáng tác, phối khí, thu thanh. “Nhiều nhạc sĩ hiện nay đã làm trọn vẹn những khâu như vậy. Trong khi trước đây, có những nhạc sĩ chỉ sáng tác, sau đó phải đưa ca khúc cho nhạc sĩ khác phối khí chẳng hạn. Điều đó có thể khiến cho khó truyền đạt được hết ý tưởng ca khúc đến người nghe”, anh nói.
Tuy nhiên, theo nhạc sĩ Quốc An, phần đầu tư kinh phí cho nhạc phim vẫn chưa thật sự được nhà sản xuất chú trọng đúng mực. Song, anh chia sẻ: “Viết ca khúc chứ không phải viết bài hát riêng cho phim, nên tôi luôn muốn chăm chút cho tác phẩm của mình để làm sao khi phim kết thúc, bài hát vẫn tiếp tục sống được”. Những bài hát anh viết cho các phim truyền hình gần như đều được ca sĩ phát hành sản phẩm sau đó hoặc dùng để biểu diễn rất nhiều: Bến bờ yêu thương (phim Cô nàng bướng bỉnh), Xin lỗi mẹ (phim Ảo vọng), Lạc bước hoang mang (phim Đường hoang lạc bước)...
Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc Mega GS, cũng thừa nhận nhà sản xuất ít quan tâm đến đầu tư âm nhạc cho phim cho đến vài năm trở lại đây. “Trước đây một năm làm cả ngàn tập phim, bây giờ chỉ còn trên dưới 200 tập. Khi từng phim được trau chuốt hơn thì buộc các khâu cũng phải kỹ lưỡng hơn. Ngay như tôi bây giờ cũng dành thời gian xem - nghe nhạc phim, thậm chí yêu cầu chỉnh sửa bản phối sao cho phù hợp không chỉ nội dung phim mà còn với khung giờ phát sóng nữa. Trong khi trước đó, chúng tôi hầu như giao trọn cho đạo diễn lo khâu này”, bà Liên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.