Nhạc kịch học sinh nở rộ

05/08/2017 09:23 GMT+7

Chỉ trong vòng vài tháng, có tới 3 vở nhạc kịch của học sinh trung học được công diễn tại Hà Nội: Mamma mia của trường Olympia, Viên đạn cho Valentine của nhóm Fragments và Nhật thực của trường Hà Nội - Amsterdam.

Nhà hát lớn Hà Nội tối 3.8 đã kín chỗ xem vở nhạc kịch - Nhật thực của nhóm học sinh trường Hà Nội- Amsterdam. Vở diễn kể về câu chuyện hai anh em sinh đôi. Người anh là Helios với tính cách của mặt trời - dũng cảm, tạo cảm hứng. Người em gái Selena lại có tính cách của mặt trăng - dịu dàng, kín đáo. Được tiên đoán sẽ gây ra sự tiêu vong của dòng họ, Selena bị người mẹ quyền mưu giam cầm suốt 17 năm trời, cho tới khi anh trai cô tìm thấy và giải thoát em. Vở diễn dễ thương với những đoạn nhảy múa nhuần nhuyễn, đều tăm tắp và tạo hình đa dạng. Thoại của vở diễn do các em tự viết lấy cũng cho thấy sự lạc quan, hóm hỉnh khi giữa những xung đột căng thẳng vẫn có những câu nói đùa để người xem có thể cười ào lên. Tuy nhiên, vở diễn không vì thế mà mất đi câu chuyện triết học. Cặp anh em chính là những mặt đối lập trong mỗi con người, sáng và tối, dữ dội và dịu êm. Việc của mỗi người là làm sao để cân bằng chúng…
Trước đó, tối 1.8, Viên đạn cho Valentine cũng gần như kín khán giả tại Nhà hát tuổi trẻ. Nhóm thực hiện Fragments là “liên quân” của nhiều trường như: Hà Nội Amsterdam, Chuyên ngoại ngữ, Trường quốc tế Singapore, trường quốc tế Liên hợp quốc Hà Nội… Vở diễn kể về cô gái Harley Brown 17 tuổi và cậu trai Eli Weston 18 tuổi khi gặp nhau trong trại cải tạo cho thanh thiếu niên. Từ đó, vở diễn mở ra vấn đề xã hội là bạo lực gia đình có thể gây hậu quả thế nào.

tin liên quan

Công diễn nhạc kịch 'Chuyện của dòng sông đỏ'
Vở nhạc kịch Chuyện của dòng sông đỏ do NSƯT - họa sĩ Hoàng Hà Tùng viết kịch bản và đạo diễn, sẽ công diễn vào lúc 20 giờ ngày 22 và 23.7 tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).
Chọn tông màu xám để thiết kế mỹ thuật, Viên đạn cho Valentine có những phông nền khá phù hợp màu sắc vở diễn. Các chi tiết cũng được tìm hiểu để khi đưa lên sân khấu, mô tả được thời điểm 1930 khi xảy ra câu chuyện.
“Chúng em có một nhóm người viết. Em là người dựng khung chính, cốt truyện, dàn cảnh. Một số người khác làm cùng em để đắp vào. Chúng em chọn đề tài bạo lực gia đình vì nó cũng đang tác động đến xã hội Việt Nam”, Lê Minh Hà, đồng sáng lập nhóm dự án cho biết. Dù viết bằng tiếng Anh, Minh Hà cho biết nhóm kịch không nhờ thêm người ngoài hiệu đính bản tiếng Anh này.
Mamma Mia của trường Olympia không viết lấy kịch bản mà chọn cách dựng lại vở diễn cùng tên đã nổi tiếng trên thế giới. Mamma Mia còn quen thuộc hơn với khán giả Việt nhờ bản phim ca nhạc do Meryl Streep thủ vai chính. Câu chuyện đi tìm lại cha để làm người yêu cho mẹ trong bản diễn rất trẻ trung và mượt mà nhờ những màn nhảy múa đẹp, giọng ca hay. Sân khấu với tông màu xanh trắng đặc trưng của Địa Trung Hải - nơi diễn ra câu chuyện - cũng được dựng khá đẹp. Một vở hài kịch lãng mạn dễ thương. Khán phòng của Phòng hòa nhạc lớn, Nhạc viện Hà Nội cũng kín chỗ trong buổi diễn hồi cuối tháng 5.
Sân chơi phong trào, sản xuất chuyên nghiệp
“Chúng ta phải thấy là các em yêu nhạc kịch, có nhu cầu xem nhạc kịch”, NSND Lê Khanh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, nói về khán giả mê trẻ mê nhạc kịch. Chính vì thế, khi các nhà hát đang chủ yếu dựng chính kịch và hài kịch thì khoảng trống nhạc kịch dần lộ ra. Điều đó cũng lý giải những vở diễn hút giới trẻ trong thời gian gần đây đều là nhạc kịch như: Góc phố danh vọng, Đêm hè sau cuối và Mộng ước không xa vời.
“Tôi thấy các em bây giờ hoạt động ngoại khóa cũng chuyên nghiệp và có tổ chức hơn xưa”, bà Nguyễn Minh Hằng, một phụ huynh học sinh trường Hà Nội - Amsterdam cho biết. Các nhóm tổ chức biểu diễn của cả 3 vở kịch đều chia thành ban chuyên môn. Các em có Ban Tài chính để vận động tài trợ, Ban Truyền thông để kết nối thông tin, Ban Hậu cần để lo liệu các vấn đề ăn uống đi lại. Liên quan đến nội dung, có ban lo phục trang, có ban lo biên đạo và quản lý vũ công, đạo cụ sân khấu, âm thanh ánh sáng… Sự chuyên nghiệp này giúp các dự án kịch dài hơi hơn. Với trường Hà Nội Amsterdam, điều này khá rõ. Nhật thực là sản phẩm của dự án nhạc kịch G’lams, và dự án này 3 năm nay đều cho ra các vở diễn đều đặn.
Việc chia công việc theo ban cũng được tính toán dựa trên thế mạnh của từng người. Chẳng hạn, vở diễn Nhật thực của trường Hà Nội Amsterdam có người thiết kế trang phục từ chính CLB thời trang lâu năm của trường. “Trong các trang phục em thiết kế cho 4 nhân vật chính, em thích nhất bộ váy của người mẹ đầy mưu mô trong vở. Chiếc váy được thiết kế với những đường nét cắt cúp thường dùng cho người lớn tuổi, màu đỏ để tạo cảm giác sức mạnh…”, Vũ Minh Ngọc, học sinh chuyên Pháp của trường, nói. Cô đã sinh hoạt nhiều năm tại Câu lạc bộ thời trang của Trường Hà Nội Amsterdam.
“Sự bài bản, kinh nghiệm thu được sẽ giúp các em làm việc nhóm sau này tốt hơn. Tuy nhiên, hiện nó mới tập trung tại các trường tốt, có nhiều học sinh giỏi, khuyến khích học sinh sinh hoạt ngoại khóa. Ngoại khóa về nghệ thuật cũng là điểm yếu của hệ thống giáo dục hiện nay. Vì thế, tôi mong nó sẽ lan ra nhiều trường hơn nữa”, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Viện xã hội học, nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.