Nhà văn Vũ Hạnh biệt trần gian

16/08/2021 06:10 GMT+7

Sáng 15.8, tin nhà văn Vũ Hạnh ra đi khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp, giới văn chương và bạn đọc vô cùng thương tiếc. Nhiều người nhắc nhớ những kỷ niệm về ông, một nhà văn bút lực mạnh, để lại ấn tượng sâu đậm trong một giai đoạn lịch sử nước nhà.

Tôi nhớ, lần đầu tôi gặp nhà văn Vũ Hạnh vào tháng 5.1975, dù trước đó đã được đọc tác phẩm của ông, đặc biệt là tập truyện Bút máu.
Cơ hội cho cuộc gặp gỡ đến từ nhà văn - nhà báo Hoàng Liên, một người bạn thân của tôi trong chiến khu. Khi về Sài Gòn vào tháng 5.1975, anh Hoàng Liên mời một số anh em thân thiết trong Rừng dự bữa cơm thân mật mừng hòa bình, mừng gia đình đoàn tụ. Anh Hoàng Liên đã lên chiến khu từ năm 1968, sau Mậu Thân. Trong số khách mời đến dự bữa cơm sum họp ở nhà anh Hai Hoàng, có một vị khách đặc biệt. Vị khách ấy không ở Rừng về, nhưng là người hoạt động đơn tuyến cho Việt cộng ngay tại
Sài Gòn. Đó là nhà văn Vũ Hạnh. Nhà anh Vũ Hạnh lại sát cạnh nhà anh Hai Hoàng, trong khu xóm Hòa Hưng - Nguyễn Thông. Mới hòa bình, ai cũng vui, gặp nhau uống rượu càng vui, nhưng tôi thấy nhà văn Vũ Hạnh vẫn giữ sự chừng mực, mà lúc đó tôi nghĩ là ông thận trọng. Hóa ra không phải. Sự chừng mực, kín đáo của Vũ Hạnh là cách sống của ông, một Việt cộng hoạt động đơn tuyến, giữa Sài Gòn đầy cạm bẫy.
Anh Vũ Hạnh và anh Hai Hoàng Liên là đồng hương Thăng Bình, Quảng Nam, cùng phải rời bỏ quê hương “điều lắng” ở Sài Gòn những năm sau 1954 tràn ngập những cuộc khủng bố nhằm vào những người kháng chiến cũ. Và ngay giữa Sài Gòn, Vũ Hạnh thành nhà văn nổi tiếng với nhiều tập truyện ngắn, với lối viết “biểu tượng” nhưng bộc lộ tinh thần yêu nước, đứng về phía nhân dân cần lao chống lại một chính quyền độc tài phi dân chủ.
Vũ Hạnh là nhà văn có bút lực mạnh nhưng luôn biết kìm nén, có phong cách của một nhà văn hiện thực sống có lý tưởng nhưng luôn kín đáo để những tác phẩm của mình vẫn được xuất bản ngay tại Sài Gòn thời chiến tranh, thời mà Vũ Hạnh đã không ít lần bị tù vì tham gia các hoạt động của văn hóa văn nghệ dân tộc và báo chí đối lập đấu tranh cho dân chủ và độc lập.
Trong nhóm Tin Văn mà nhà văn Nguyễn Văn Bổng (Trần Hiếu Minh) từ Hà Nội vào hoạt động bí mật ngay trong lòng Sài Gòn lập ra, nhà văn Vũ Hạnh là một thành viên chủ chốt hoạt động công khai. Nhóm Tin Văn chủ trương văn hóa - văn nghệ dân tộc, yêu nước, dân chủ, chống ngoại bang can thiệp, và hoạt động bằng tờ tạp chí văn nghệ Tin Văn ra công khai. Trong số những nhà văn, trí thức tham gia tạp chí Tin Văn có một số anh sau này vào chiến khu là bạn bè thân thiết với tôi, như anh Hoàng Liên, anh Lưu Kiểng Xuân, anh Nguyễn Khắc Vỹ (Ba Khanh), và một người tôi quen biết là nhà văn Lữ Phương. Họ là chiến hữu với nhà văn Vũ Hạnh, và sau Mậu Thân đều bị lộ, phải lên R. Chỉ nhà văn Vũ Hạnh, dù bị bắt tù, vẫn trụ lại giữa Sài Gòn cho tới ngày thống nhất đất nước.
Bản lĩnh của một người quen hoạt động bí mật đã khiến Vũ Hạnh viết được những tác phẩm thú vị, như Bút máu, như Mùa xuân trên đỉnh non cao, như Con chó hào hùng... Và đặc biệt, tập ký sự mang tên Người Việt cao quý được Vũ Hạnh ký dưới một tên người Ý là A.Pazzi, là tác phẩm rất nổi tiếng ở miền Nam thời trước 1975. Ca ngợi những phẩm cách tốt đẹp của người Việt, mà lại do một người Ý viết, thì hiệu quả sẽ cao hơn nếu đứng tên một nhà văn người Việt. Đó cũng là cách mà nhà văn Vũ Hạnh “hoạt động bí mật” trong văn học, ở một thời vô cùng khó khăn, nguy hiểm.
Năm 2007, Vũ Hạnh nhận được giải thưởng Nhà nước cho những tác phẩm mang đậm tinh thần yêu nước, được viết với tay nghề điêu luyện, và được bạn đọc Sài Gòn, bạn đọc miền Nam thời chiến tranh đón nhận nhiệt tình. Một số tác phẩm của ông cũng đã được xuất bản ở Hà Nội ngay trong những năm đánh Mỹ, và được độc giả miền Bắc đón nhận trân trọng.
Nhà văn Vũ Hạnh đã cả đời cầm bút, năm 95 tuổi còn “phóng xe máy vèo vèo” khắp Sài Gòn, cũng là một biểu tượng của một nhà văn già nhưng không lão, già nhưng vẫn tràn đầy năng lượng sống và sáng tạo.
Trước khi biệt trần gian một năm, vào năm 2020, Vũ Hạnh còn ra mắt cuốn tiểu thuyết Người nhà trời viết về những tay giang hồ nghĩa hiệp ở đất Sài Gòn ngày trước.
Và ông thanh thản ra đi vào buổi sáng ngày 15.8.2021. Hưởng thọ 96 tuổi.
Xin vĩnh biệt ông!
Nhà văn Vũ Hạnh tên thật là Nguyễn Đức Dũng, sinh ngày 15.7.1926 tại xã Bình Nguyên, H.Thăng Bình, Quảng Nam trong một gia đình nho học. Khi sáng tác, ông dùng nhiều bút danh khác nhau: Vũ Hạnh, Hoàng Thanh Kỳ, Minh Hữu, Nguyên Phủ...
Ông từng là Tổng thư ký Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM và vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Các tác phẩm lớn đã xuất bản gồm: tuyển tập: Bút máu, Chất ngọc, Vượt thác, Người chồng thời đại; truyện dài: Lửa rừng, cô gái Xà - Niêng, Tính sổ cuộc đời, Con chó hào hùng, Ngôi trường đi xuống; tiểu luận, phê bình: Đọc lại Truyện Kiều, Tìm hiểu văn nghệ, Cha mẹ bơ vơ, Tuổi trẻ nổi loạn, Người Việt cao quý...
Theo thông tin từ gia đình, nhà văn Vũ Hạnh bị tai biến, phải nhập viện Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) từ ngày 11.8. Dù được chữa trị kịp thời, nhưng do tuổi cao, sức yếu, nhà văn Vũ Hạnh đã ra đi. Do tình hình dịch Covid-19 nên tang lễ của nhà văn Vũ Hạnh được Thành ủy TP.HCM và Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM hỗ trợ giúp đỡ tiến hành vào 15 giờ ngày 15.8.2021, linh cữu được đưa đi an táng ở Nghĩa trang TP.HCM tại Củ Chi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.