Nhà văn Sương Nguyệt Minh và những trang viết khốc liệt về đại dịch Covid-19

Lê Công Sơn
Lê Công Sơn
25/09/2021 11:35 GMT+7

Tập bút ký - bình luận mới nhất của nhà báo, nhà văn Sương Nguyệt Minh 'Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua' là những trang viết cảm xúc, khắc họa phần nào bao mất mát thảm thương của nhiều số phận mong manh giữa đại dịch Covid -19.

Nói về tác phẩm mới Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua do Công ty CP Sbooks và NXB Văn học vừa ấn hành, nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ: “Là một nhà báo, vừa là người sáng tác văn học nên tôi có lợi thể là dù vấn đề thời sự, nhưng chỉ viết những cái mình quan tâm, cái tràn đầy cảm xúc, cái không viết thì bứt rứt không yên và viết theo ý tưởng, theo cách riêng của mình. In báo được thì in, không in được thì đưa vào sách, chứ không gò theo đơn đặt hàng của ai cả hoặc theo số chữ do khuôn khổ định dạng của bài nên cứ thoải mái mà viết” .

Tập bút ký - bình luận của nhà báo nhà văn Sương Nguyệt Minh vừa ra mắt

Ảnh: NVCC

Người Việt có câu: “Qua cơn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau”. Nói một cách văn chương là “hoàn cảnh bộc lộ tính cách”. Quả thật, đại dịch Covid-19 như “hàn thử biểu” đo lòng người. Cuộc chiến chống virus Sars-Cov-2 càng khốc liệt, tang tóc, thì phẩm chất con người càng thử thách. Đọc Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua, bạn đọc có thể hình dung được quá trình diễn biến của dịch. Dù Covid-19 chưa đến hồi kết, nhưng đã có quá nhiều điều đáng kể, đáng nói, đáng ghi chép lại từ một hiện thực nóng bỏng và khốc liệt.
Bên cạnh những người giả dối, cơ hội, trục lợi, chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị,… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì số đông là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can đảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai nghiệt ngã… Những sự kiện, câu chuyện, nhân vật ấy đã được ghi lại bằng cái nhìn tỉnh táo, nhân văn giàu trách nhiệm người cầm bút của nhà văn, nhà báo Sương Nguyệt Minh. Ông nêu sự kiện, ông trích văn bản đặt trong ngoặc kép, ông dẫn câu chuyện rồi ông bình luận, khái quát bằng một cái nhìn khách quan, sắc sảo.
Cũng với đề tài này, Công ty Sbooks liên kết NXB Văn học cũng vừa ra mắt cuốn Covid-19 và cuộc chiến sinh tử được chọn lọc trong rất nhiều bài viết của nhiều nhà văn, nhà báo trong suốt hai năm qua, kể về những chiến sĩ áo trắng, người lính ở mọi miền tổ quốc cùng những nhà hảo tâm và cả các bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh, cùng chung sức, đồng lòng chống dịch.
Một trong những thông điệp mà cuốn Covid-19 và cuộc chiến sinh tử muốn gửi đến bạn đọc là hãy giữ tinh thần lạc quan để góp phần nâng cao hiệu quả hệ thống miễn dịch cơ thể,  giúp độc giả có thêm năng lượng dồi dào từ những tấm gương vì cộng đồng, những bài học rút ra ngay trong cuộc chiến sinh tử, những mất mát và những điều lớn lao qua thử thách cam go vẫn còn ở phía trước. 

Nhà văn Sương Nguyệt Minh (phải) tại một triển lãm mỹ thuật

Ảnh: NVCC

'Covid-19 và cuộc chiến sinh tử' do Công ty Sbooks và NXB Văn học ấn hành cũng là đề tài hiện mang tính thời sự

Ảnh: NXB

Trở lại cuốn sách vừa ra mắt độc giả, nhà văn Sương Nguyệt Minh tâm sự: "Tôi nhận ra một hiện thực vô cùng khốc liệt, thời gian đầu dịch giã còn lạ lẫm, còn xa vời, mông lung; thời gian càng gần về đây càng cụ thể, rõ rệt, khốc liệt, thảm thương. Kiếp người nhỏ bé, mong manh quá. Dịch giã đi qua nơi nào là nơi ấy hiển lộ mất mát, đau thương, và cả tình yêu thương con người nữa. Tôi nghĩ viết về những người ở tuyến đầu chống dịch viết về đồng bào mình bị phong tỏa cách ly bao nhiêu cũng không thừa. Hiện thực đại dịch Covid – 19 vẫn còn ngổn ngang bề bộn, chất liệu từ đời sống quá đặc biệt để các nhà văn tha hồ khai thác để có thể hoàn thiện những đứa con tinh thần bằng những trang viết xúc động".
'Văn học là nhân học'. Và với tác phẩm mới Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua, nhà văn Sương Nguyệt Minh đang thực hiện thiên chức nhà văn cao quý của mình….
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.