Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Viết từ sự ấm ức của người dân

10/08/2014 02:10 GMT+7

Lời thề - tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Quang Vinh chính thức ra mắt chiều 9.8 tại Hà Nội. Thanh Niên đã trao đổi với tác giả về cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến chủ đề Hoàng Sa này.

Lời thề - tiểu thuyết thứ 9 của nhà văn Nguyễn Quang Vinh chính thức ra mắt chiều 9.8 tại Hà Nội. Thanh Niên đã trao đổi với tác giả về cuốn tiểu thuyết đầu tiên đề cập đến chủ đề Hoàng Sa này.

 Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cùng cuốn Lời thề
Nhà văn Nguyễn Quang Vinh cùng cuốn Lời thề - Ảnh: Đinh Hương

* Câu chuyện về Hoàng Sa qua mối tình mãnh liệt giữa đô tướng Đội Nhất và Lý Thắm - một cô gái theo đoàn thủy binh ra đảo, đã được thể hiện qua những câu chữ rất dữ dội. Anh có thể chia sẻ về động cơ khi viết cuốn sách trên?

- Thực ra, đây mới chỉ là tập 1 trong bộ sách Lời thề dự tính 10 tập, được xây dựng theo lịch sử thời gian, với nội dung trải dài theo từng đời vua, trong đó đặc biệt tập trung viết về phần biển đảo. Động cơ xây dựng nên ý tưởng bộ sách này xuất phát từ những ấm ức mà nước ta phải chịu suốt thời gian qua: người dân trên đảo Lý Sơn bị “người lạ” ép mua giấy phép khai thác thủy sản với giá mấy triệu đồng/giấy phép, những cuộc trao đổi cùng các nhân chứng từ Hoàng Sa trở về… Tất cả những điều đó đã tạo nên xúc cảm lớn trong tôi, ngày càng thôi thúc để viết lên một cuốn sách về Hoàng Sa.

* Một cuốn sách rất tâm huyết nhưng không nhà xuất bản nào chịu bỏ tiền để in, thậm chí phải trải qua tới 10 nhà xuất bản mới được cấp phép, anh có thấy “tủi” không?

- Không. Tôi hiểu là do hoàn cảnh chưa cho phép. Trong 2 năm chưa xin được giấy phép xuất bản, tôi không bao giờ chán nản bỏ viết. Tôi viết về biển đảo từ nhu cầu tự thân, luôn đầy hứng khởi. Hy vọng 1 cuốn ra rồi, 9 cuốn sách sau ra sẽ thuận lợi hơn.

* Là người từng viết nhiều kịch bản phim và kịch, anh có sử dụng thủ pháp gì trong cuốn tiểu thuyết lịch sử này để thu hút được độc giả hiện đại?

- Để độc giả tiếp cận tác phẩm dễ hơn, tôi đã đưa vào ngôn ngữ điện ảnh rất lớn, để họ dễ hình dung và bị cuốn hút. Câu thoại, cốt truyện đều không cần ngoa ngôn, không giả tạo.

* Anh có suy tính tới việc chuyển thể cuốn sách thành phim?

- Có. Hôm qua tôi đã ngồi với đạo diễn Quốc Trọng để bàn việc chuyển thể tập 1 Lời thề thành phim truyện nhựa. Vấn đề là đi tìm kinh phí, ít nhất cần có 20 tỉ đồng.

* Anh kỳ vọng gì vào cuốn sách này?

- Độc giả sẽ hiểu rõ hơn về chủ quyền Hoàng Sa của VN và tạo nên sự hứng khởi cho các nhà văn khác cùng đam mê sáng tác văn học về chủ quyền biển đảo.

Ngọc Bi (thực hiện)

 >> Nhà văn Nhật Hồng và tiểu thuyết ‘Chợ quê’
>> Tiểu thuyết của một nhà báo ở Bạc Liêu
>> Từ tiểu thuyết kỳ ảo đến phim
>> Chinh phục văn học Mỹ bằng tiểu thuyết thơ
>> Tiểu thuyết “người lớn” của Rowling chính thức lên kệ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.