Nhà văn Lê Trâm cô đơn vì 'phía gió biển không còn ai'

22/08/2016 14:54 GMT+7

Nhà văn Lê Trâm giới thiệu tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai gồm 13 tác phẩm tâm huyết được ông tuyển chọn công phu trong một thời gian dài, do NXB Trẻ vừa phát hành tháng 8.2016.

Trong giới sáng tác ở Quảng Nam - Đà Nẵng, Lê Trâm là nhà văn đi nhiều và… viết khỏe. Chính những năm tháng tuổi thơ nghèo khó, vất vả của ông tại làng Trà Đình, xã Quế Phú (H.Quế Sơn, Quảng Nam) đã hình thành nên sự chịu thương, chịu khó cũng như tính cách con người xứ Quảng trong ông.
Khẳng khái và mê…. văn chương, tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Huế, ra trường ông về sinh sống và làm việc ngay tại vùng đất “ngũ phụng tề phi”. Hiện Lê Trâm là Chi hội trưởng Văn học, Ủy viên Ban chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Quảng Nam, phụ trách biên tập Văn xuôi tạp chí Đất Quảng.
Ông từng đoạt nhiều giải thưởng có uy tín, danh giá: Giải thưởng Văn học nghệ thuật Quảng Nam - Đà Nẵng (1985-1995), giải thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng lần thứ I (1998-2008), lần II (2009-2013), tặng thưởng Văn học nghệ thuật Đất Quảng liên tiếp các năm 2010, 2014. Năm 1990, nhà văn Lê Trâm còn được trao giải thưởng truyện ngắn hay của báo Tiền Phong.
Tập truyện ngắn mới nhất Phía gió biển không còn ai của ông vừa phát hành
Bắt đầu đến với nghiệp văn chương từ truyện ngắn đầu tay trên tuần báo Tuổi Ngọc năm 1974, Lê Trâm ngày càng trưởng thành trong nghề với nhiều tác phẩm được công chúng đón nhận và yêu thích: Nghe vọng tiếng đồng (tiểu luận, tạp văn - NXB Đà Nẵng 2010), Một giấc hồ điệp (truyện ngắn - NXB Hội Nhà văn 2007), Mơ về phía chân trời (truyện vừa - NXB Đà Nẵng 2004), Tìm lại thời gian (truyện ngắn - NXB Đà Nẵng 1999), Tý cô nương (truyện vừa - NXB Đà Nẵng 1994), Bức tranh gửi lại (truyện vừa - NXB Kim Đồng 1996), Lai lịch một thành hoàng (truyện ngắn - Hội VHNT Quảng Nam - Đà Nẵng 1992)… Và mới đây nhất là tập truyện ngắn Phía gió biển không còn ai gồm 13 truyện ngắn tâm huyết của ông được tuyển chọn công phu trong một thời gian dài, do NXB Trẻ vừa phát hành tháng 8.2016.
Đọc một tập truyện ngắn dễ dàng nhận thấy đây là một cây bút có nghề, lăn lộn. Từ những câu chuyện đẫm màu sắc mơ màng, lung linh, nhung nhớ về miền ký ức xa xôi đến những đớn đau, dằn vặt vì bị cuốn vào cơn xoáy lốc của cuộc sống khiến con người trở nên xấu xa, đê tiện, ích kỷ, hẹp hòi... Ông tâm sự: “Loạt truyện Người của thời gian, Ven đô, Trong khu vườn ký ức, Vừa đúng giao thừa, tôi viết có điểm xuất phát từ sự ám ảnh của những năm tháng sống cùng, dưới cái ngột ngạt của cuộc chiến tranh vừa trải qua và những chiêm nghiệm mất, còn của con người từ cuộc chiến tranh bước ra. Sự hòa nhập với cuộc sống thời bình, dẫu ở đó nhiều chân giá trị đã thay đổi nên không dễ gì theo kịp. Tôi đã cố gắng phát hiện ra nhiều đòi hỏi bức xúc từ hiện thực, một số ít cũng lý giải phần nào còn lại vẫn cứ lửng lơ. Nhiều số phận đã bị xô theo dòng chảy của cuộc sống, vô cùng bi đát thậm chí không hiếm số phận bị cuốn đi mất không tăm tích”.
Một số truyện còn lại bám theo dòng chảy của cuộc sống đương đại, cố gắng thoát khỏi sự mô tả để tìm những điều ẩn giấu đằng sau sự biểu hiện bên ngoài ấy nhìn nhận ra bản chất của con người, từ đó ông chiêm nghiệm về sự sống, cái chết, hơn thua mất còn, giàu nghèo, sang hèn…
Nhà văn Lê Trâm luôn đau đáu trước những thân phận
Nói về Lê Trâm, nhà văn Lê Hoài Lương nhận xét: “Hình bóng thời gian trong truyện ngắn Lê Trâm là cái chất riêng khó trộn lẫn, không phải chuyện hoài cổ, nó như thư pháp. Cái ngưng đọng hay vèo trôi của thời gian thường gắn cụ thể với vùng đất Quảng quê anh, những con người của đồng đất xóm bãi nghèo xơ bơ xấc bấc, tuổi nhỏ đi học thì hai mùa mưa nắng qua sông, lớn lên chiến tranh ly loạn, tản cư, để rồi hết giặc về nằm trên chiếc chõng tre chờ về với đất, trong ấm nồng tình làng nghĩa xóm…”.
Cuộc đời ai chẳng ghét sự cô đơn, vậy mà với nhà văn nổi tiếng xứ Quảng này: “Phía mong manh như gió biển mà vẫn chẳng có ai đưa ra tay cứu vớt, thậm chí còn bị xua đuổi đến ngõ cụt bởi cả những người thân thiết trong gia đình và bởi chính mình. Vì vậy, hơn lúc nào hết lòng tốt phải được khơi dậy trong mỗi con người để cuộc sống này ngày một tốt đẹp hơn”, nhà văn Lê Trâm nhắn nhủ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.