Nhà văn đương đại nổi tiếng nhất của Pháp trải lòng về 'Mối tình Paris'

16/11/2018 13:18 GMT+7

Một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất của Pháp - David Foenkinos với những tác phẩm đã được xuất bản tại 40 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, vừa đặt chân tới Hà Nội.

David Foenkinos tham gia Tuần lễ văn học Pháp có chủ đề Từ trang sách đến màn ảnh, với nhiều hoạt động diễn ra tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội). Tại Việt Nam, David Foenkinos được đông đảo bạn đọc yêu mến qua các tiểu thuyết như Mối tình Paris, Những lần ta chia tay…, và sắp tới đây là Charlotte (tác phẩm đã đoạt giải thưởng danh giá Goncourt).

Tiểu thuyết Mối tình Paris đã trở thành cuốn best - seller (bán chạy nhất) với 1,5 triệu bản chỉ riêng tại Pháp. Mối tình Paris đã được anh chuyển thể thành phim và cùng với anh trai là Stéphane Foenkinos đạo diễn cho bộ phim này. Bộ phim Mối tình Paris (La délicatesse) đã nhận được đề cử 2 giải César dành cho phim đầu tay và kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. 

David Foenkinos đã trò chuyện với Thanh Niên về tác phẩm đã đưa tên tuổi của mình trở thành một trong những tên tuổi đầu trong văn đàn Pháp, cũng như quan điểm về việc viết văn.

Mối tình Paris có bắt đầu từ mối tình nào của anh?

Nhà văn David Foenkinos: Đó chỉ là cuốn truyện hư cấu, tuy nhiên, tôi cũng đã đưa vào rất nhiều những trải nghiệm của mình vào trong cuốn truyện này.

Năm 16 tuổi, tôi bị ốm rất nặng và phải nhập viện. Khi ra viện rồi, tôi mong muốn được kể lại, thuật lại cảm giác khi mình từ những tháng ngày đen tối trở lại đời sống bình thường thì nó như thế nào. Đây là cuốn sách mà tôi đã đưa vào những chi tiết từ những trải nghiệm của tôi những năm 16 tuổi.

Nhiều bạn đọc đã viết thư và hỏi tôi rằng bản thân tôi thế nào, đời sống tình cảm ra sao mà có thể miêu tả được cảm giác của một phụ nữ mất chồng lại giỏi như thế. Tôi muốn nói rằng, tôi đã khai thác yếu tố tình cảm, tâm tư của mình rất nhiều để đưa vào câu chuyện.

Những trang viết của anh rất lãng mạn. Vậy còn ngoài đời, anh cũng là một người lãng mạn?

Mối tình Paris là câu chuyện tình, nhưng tôi không chỉ viết chuyện tình không thôi. Tôi đã viết 16 tác phẩm khác nhau. Cũng phải thú nhận rằng tôi là người lãng mạn. Mối tình Paris, nguyên bản tiếng Pháp có tên là La délicatesse, chỉ sự sự tinh tế, tế nhị. Tôi muốn qua câu chuyện này khai thác mối quan hệ giữa người với người có những cái nhẹ nhàng, êm dịu giữa thời đại hiện đại ngày nay. Thời đại hiện đại cái gì cũng phải nhanh, và nhiều khi rất cũng tàn nhẫn. Tôi muốn có khoảng lặng dừng lại như thế.

Anh và anh trai mình - Stéphane Foenkinos, đã đưa cuốn tiểu thuyết này lên màn ảnh. Làm việc với những trang giấy khác gì với làm việc với những khung hình?

Rất khác nhau, dù rằng có cùng cốt truyện. Vì là phim nên yếu tố hình ảnh rất quan trọng. Bởi vậy, khi chuyển thể, tôi đã gần như viết lại. Cũng là cốt truyện ấy thôi nhưng mình thay đổi, thêm nhân vật, viết lại và thêm những chi tiết không có trong sách, không có trong truyện ở bản giấy.

Cảm xúc của người xem rất quan trọng. Tôi không muốn nhân vật trong phim nói lại những từ mà người đọc đã đọc được trên bản giấy, mà phải diễn tả bằng cảm xúc. May mắn là chúng tôi có được sự cộng tác của dàn diễn viên diễn xuất rất tốt, đặc biệt nữ diễn viên Audrey Tautou vào vai Nathalie.

Anh cảm thấy thế nào khi là chủ nhân của rất nhiều giải thưởng văn chương?

Trước cuốn này và sau cuốn Mối tình Paris, tôi cũng đã nhận được nhiều giải thưởng. Nhưng điều quan trọng với tôi không phải là các giải thưởng, mà là sự đón nhận của công chúng. Trong vòng một năm rưỡi, Mối tình Paris đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất tại Pháp, với số lượng ấn bản là 1,5 triệu bản. Đây là điều mà bản thân tôi cũng không giải thích được. Việc này đã cho phép tôi có điều kiện dư dả về mặt tài chính, để sau đó, mình có thể viết những gì muốn viết.

Cuốn tiểu thuyết Charlotte đã đoạt giải thưởng Goncourt và đưa vào giảng dạy trong trường học cấp 3. Tôi rất vui khi tiểu thuyết của mình được các em bình giảng, nghiên cứu tại nhà trường. Đấy mới là phần thưởng lớn với tôi.

Vậy ới anh, văn chương là gì?

Văn chương là những mâu thuẫn, nghịch lý mà nhà văn phải giải quyết. Để viết được, mình phải thoát ra khỏi cái tôi của mình, nhưng lại phải diễn tả được cái gì thầm kín nhất, trong nội tâm của mình. Làm được điều ấy chính là văn chương. Đó là định nghĩa mà bản thân tôi vừa nghĩ ra đấy! (cười)

Anh có quan tâm đến văn chương Việt Nam không?

Tôi sang Việt Nam để khám phá. Tôi sang đây không chỉ để nói về tác phẩm của tôi với các bạn, mà muốn có lời khuyên của các bạn.

Tôi biết một số nhà văn mang cả hai dòng máu Pháp và Việt Nam, nhưng tôi không có nhiều thông tin, hiểu biết về văn học của Việt Nam. Nếu các bạn có lời khuyên nào với tôi, hoặc là có chia sẻ nào với tôi, tôi rất muốn đón nhận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.