Nha Trang trong 'Ở Nha Trang sóng tựa như mây'

23/09/2019 13:30 GMT+7

Ở Nha Trang sóng tựa như mây là một tản văn, cũng là tên cuốn sách bao gồm 29 tản văn của nhà văn nữ Ái Duy vừa được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản vào quý III/2019, một cuốn sách khá ấn tượng đối với người đọc khi tiếp cận. Ấn tượng vì tất cả nội dung trong đó đều viết về Nha Trang với bút pháp khá linh hoạt và giàu chất trữ tình.

Là người cầm bút, ai cũng biết, để có cả 29 tản văn khác nhau viết về một vùng đất như Nha Trang, chỉ tính riêng về mặt đề tài để không bị trùng lặp là việc làm không dễ dàng gì. Nhưng điều này Ái Duy đã làm được. 29 tản văn trong cuốn sách của chị là 29 bức tranh lung linh sắc màu và đầy chất hiện thực về thành phố biển Nha Trang của hôm qua, hôm nay và được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Nếu trong Người đàn bà nằm nghiêng đề cập về núi Cô Tiên, một cảnh đẹp nằm ở phía Bắc thành phố gắn liền với những câu chuyện thần tiên xa xưa in đậm trong ký ức của bao người dân nơi đây thì trong tản văn Đồng Bò, tác giả mang đến cho người đọc những trang viết đầy cảm xúc về một vùng đất vốn là chiến khu xưa mang đầy những dấu tích hào hùng trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc. Nếu trong tản văn Ở Nha Trang sóng tựa như mây là bức chân dung sống động về biển khi mùa đông đến thì ở Thung lũng bên bờ biển là nỗi ưu tư đến nao lòng của con người trước hình ảnh thành phố vốn nổi tiếng với “tứ thủy triều qui, tứ thú tụ”, nơi được mệnh danh là "lẵng hoa bên bờ đại dương” đang bị cắt xẻ không thương tiếc trước xu thế đô thị hóa không được kiểm soát chu đáo… Nếu trong Tiếng Nha Trang tác giả mang đến cho người đọc một số sắc thái rất riêng về mặt ngữ âm của một vùng đất thì trong tản văn Một người Nha Trang lại giới thiệu đến bạn đọc những sự việc liên quan tới một nhân vật nổi tiếng mà khi nói đến Nha Trang không ai không nhắc tới, đó là "ông Tư" Yersin…

Đường biển Duy Tân, nay là Trần Phú

Ảnh: ST

Nha Trang xưa, Nha Trang nay, phong cảnh, địa danh, sự kiện, con người… tất cả bàng bạc, nối tiếp xuất hiện trong các tản văn từ đầu đến cuối cuốn sách. Nhưng điều đáng chú ý là, trong quá trình thực hiện từng tác phẩm của mình, Ái Duy không bị sa vào khảo cứu, giới thiệu tư liệu. Là người con sinh ra và cả cuộc đời gắn bó với Nha Trang, Ái Duy không chỉ biết nhiều, hiểu nhiều mà gắn bó với thành phố này bằng tình yêu, bằng những kỷ niệm máu thịt qua nhiều thời kỳ khác nhau. Chính vì thế, khi viết về Nha Trang, dù khai thác ở khía cạnh nào, tản văn của chị cũng luôn được “mềm hóa”, được tạo dựng từ cái tôi của tác giả để qua đó diễn đạt, bộc lộ cảm nhận của mình trước từng bức tranh hiện thực.
Ở nhiều tác phẩm, tác giả chỉ kể những chuyện đã xảy ra mà mình đã trải qua, đã chứng kiến - những chuyện tưởng chừng như ai cũng có thể bắt gặp, nhưng khi đọc, ta có thể tiếp nhận bao nhiêu dấu ấn về một thành phố Nha Trang thơ mộng, êm đềm và kể cả những biến động… ở vào các thời điểm khác nhau. Đó là, cảnh “ở Nha Trang mùa hè ai cũng túa ra biển” để rồi “tuổi thơ của người phố biển nào cũng lưu giữ trong ký ức khoảnh khắc thần tiên ấy, khi được hòa mình vào trời mây nước cát. Cứ chiều lại là nhà nhà cơm đùm nước xách, cuốn theo cái chiếu, tấm bạt, lùa con nít đi bộ tà tà xuống biển. Bãi biển ngày ấy sao mà hiền lành đơn sơ, rộng mở thênh thang, từ xa xa đã nghe tiếng sóng vỗ rì rầm, ù té chạy xuống bãi, ngả nào cũng được. Mang cái gì ra biển ăn cũng ngon. Má tôi hay ịn chặt cơm nóng vô mấy lon sữa guigoz, thêm ít đồ kho mặn, cả bầy con chạy nhảy, lăn lộn xong bu lại ăn như chết đói…” trong Góc biển đêm của tôi.
Nha Trang trong “ở nha trang sóng tựa như mây”

Tình cảm gia đình nhiều thế hệ được gắn kết chính là nền tảng bình an cho mỗi người, một trong các chủ đề chính của tác phẩm

Ảnh: TL

Đó là cảnh những con đường của thành phố Nha Trang với bao đổi thay nối tiếp đi qua cùng quãng đời đến trường của cô nữ sinh từ thời tiểu học cho tới khi lên bậc trung học rồi vào trường cao đẳng… trong Những con đường nằm nghe bước êm; là cảnh của một hòn đảo nhỏ giữa biển khơi chỉ đến một lần rồi nhớ mãi trong tản văn  Thức dậy ở đâu đó: “Ở đảo hoang làm gì cũng thấy vui, ăn gì cũng thấy ngon, nói chuyện gì cũng thú vị. Đội nắng đi lượm củi cành khô kê đá làm bếp lò bắc vội nồi cơm mà như chơi đồ hàng hồi nhỏ. Muối ớt cũng quý. Trái xoài xanh cũng mừng. Chia nhau từng ca nước ngọt mang từ đất liền ra. Hốc đá tự nhiên thành khuê phòng thay xiêm y. Sóng vỗ rì rào mơn trớn mạn ghềnh, ai muốn ra đầu bãi thả câu bắt ốc thì tùy, nước trong vắt thấy rõ từng rạn san hô đang tự do sinh sôi nảy nở. Không có bãi cát mịn, tôi chỉ có thể bước từng bước nhỏ trên đá, trên rong rêu rồi đắm mình trong làn nước trong xanh và thả trôi lênh đênh ngửa mặt nhìn trời, hỏi đời không như là mơ nữa đi. Buổi tối ở đảo mới đúng là huyền diệu, bởi gặp phải đêm không trăng thì toàn bộ là thế giới phẳng trên bờ dưới nước như nhau. Nếu không có tiếng sóng vỗ về và mùi biển mặn trẻ trung e không biết dựa dẫm vào đâu. Bốn mặt là biển mênh mang, giữa bóng tối bao trùm, người ở lại có xu hướng xích lại gần nhau, muốn chạm vào nhau, muốn tha thứ cho nhau. Màn trời chiếu đá mà ngủ một giấc tròn đầy như chưa từng….”. 
Đọc cuốn tản văn mới xuất bản của Ái Duy, ta có cảm giác như mình đang đứng trước nhiều mảnh ghép về Nha Trang, những mảnh ghép rất đa dạng, rất nhiều màu sắc được thể hiện bằng văn học ở nhiều cung bậc mang đậm dấu ấn lịch sử và man mác một dấu tình riêng, đồng thời xen kẽ trong đó là những hình ảnh về Nha Trang nay với cuộc sống sôi động, chan hòa tình người thông qua một cái nhìn trong trẻo, một cách kể chuyện duyên dáng. Có những điều, những việc rất nhỏ tưởng chừng như rất khó viết nhưng dưới ngòi bút của Ái Duy đã trở thành một tản văn khá hay nói về Nha Trang như Cà phê đàn bà, Cây bàng trước ngõ, Từ một thảo am, Check in ở bồn nước
Nha Trang trong “ở nha trang sóng tựa như mây”

Cái tivi đen trắng thập niên 60 là cả một gia tài, ký ức đẹp cho những ai đã từng trải qua

Ảnh: TL

Tản văn thường là những tác phẩm ngắn, dù là tự sự hay trữ tình, để lôi cuốn người đọc, đòi hỏi tác giả phải xây dựng theo một cấu trúc chặt chẽ. Trong tản văn của Ái Duy, ngoài cấu trúc khá chặt, ngôn ngữ ở từng tác phẩm luôn được chị chọn lọc khá kỹ cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Đặc biệt, với giọng văn vốn nhẹ nhàng, giàu hình ảnh, luôn kết hợp hài hòa giữa tường thuật và miêu tả đã góp phần làm cho tản văn của chị luôn lôi cuốn người đọc. Chẳng hạn như khi viết về cây bàng trong Cây bàng trước ngõ có đoạn khi đọc xong thật khó quên: “Sao tôi nhớ trái bàng chín vàng của tuổi thơ quá đỗi. Cây bàng trước ngõ nhà tôi ngày ấy trùm nhứt xóm, tỏa bóng hàng chục mét, ai đi bộ ngang qua đều ghé lại trật nón hóng mát. Mùa bàng chín, trên cao lũ chim sẻ lách chách phá, dưới gốc là lũ trẻ thi nhau vác đá vụt lên những chùm bàng lúc lỉu rồi tranh nhau lượm trái rụng phủi qua cạp ăn tại chỗ. Bàng chín mẩy vỏ mỏng vàng mơ, phần cơm dày cắn ngập răng chua chua ngọt ngọt chan chát. Bàng rụng đầy gốc, cứ chiều lại là bà ngoại tôi xách chổi quét lùa dồn vô một góc sân trống có nắng để phơi. Ai nói gì nói, bà cứ lủi thủi gom nhặt, phơi cho khô. Hết mùa có khi đống bàng khô của ngoại phải đầy năm giỏ cần xé. Để rồi một trưa hè rảnh rỗi, khi ngoại hì hục lôi mấy cái giỏ bàng khô ấy ra giữa sân và tuyên bố hôm nay đập bàng là cả lũ trẻ con reo hò. Bàng khô được đập bằng búa, gõ cho khéo vừa đủ nứt cái lớp bao cứng ra, rồi khươi nhẹ cái nhân chút xíu bên trong. Muốn nhanh hơn thì lấy dao chặt ngang, nhân đứt đôi lấy rất dễ. Người lớn đập, chặt cho cả bầy con nít xúm lại khươi. Làm từ giấc trưa cho tới giờ nấu cơm chiều trừ phần vừa làm vừa ăn ra thì cũng được cả tô lớn nhân hạt. Má tôi sẽ lấy rang lên, hạt bàng chín vàng giòn thơm lừng lựng. Sau đó má nấu đường thắng cho keo lại, rồi đổ bàng đã rang vào ngào lên, thêm chút chanh, chút gừng. Cuối cùng mới phết lên bánh tráng nướng. Mỗi đứa nhỏ sẽ được chia phần bằng nhau là góc tư cái bánh tráng ngào hạt bàng, vừa ăn vừa mút vì sợ hết trước đứa bên cạnh, cứ ước ao sao sau này lớn lên có nguyên một mâm đầy ăn cho đã….”.

Ở Nha Trang sóng tựa như mây gồm 29 tản văn của nhà văn nữ Ái Duy vừa được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản

Ái Duy đã từng ra mắt bạn đọc nhiều cuốn sách, trong đó có truyện dài, truyện ngắn. Riêng về tản văn, đây là cuốn thứ 2, sau cuốn Thương nhau hai tiếng cố nhân (Nhà xuất bản Trẻ 2017). Ở Nha Trang sóng tựa như mây là thành công, tiếp tục khẳng định sự đa dạng trong cách cảm, cách sáng tạo của Ái Duy. Đây cũng là thành công mà Ái Duy thực hiện được đối với mảnh đất Nha Trang, nơi mình được nuôi dưỡng cả cuộc đời như lời tâm sự chị in ở đầu cuốn sách: “Cũng là yêu và quá yêu nhưng không ai giống ai. Người thì yêu cuồng yêu dại, người thì thầm lặng, bền bỉ suốt đời. Người chỉ muốn chiếm hữu, người thả cho tự do tung bay… Yêu người tôi chưa từng nói ra lời yêu, nhưng người đã yêu lại tôi hơn rất nhiều những gì tôi có thể thổ lộ. Nên chi, tình yêu của mỗi người đối với mảnh đất quê hương nơi mình sinh sống cũng vậy. Cuốn sách mỏng này như lời tỏ tình muộn màng gửi tới một Nha Trang mộng mị, nơi con sóng tràn bờ cũng tựa như mây”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.