Nhà thờ Bùi Chu: Trùng tu cục bộ theo nguyên trạng sẽ kéo dài nhiều năm

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
27/06/2019 06:00 GMT+7

Sau khi Viện Bảo tồn di tích đưa ra 2 phương án trùng tu (cục bộ và toàn bộ) nhà thờ Bùi Chu (Nam Định), đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.

Thanh Niên có cuộc trao đổi với TS-KTS Hoàng Đạo Cương (ảnh), Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích.
Báo cáo của Viện Bảo tồn di tích về nhà thờ Bùi Chu cho biết công trình đang ở mức C, điều đó có nghĩa thế nào?
Nhà thờ Bùi Chu hư hại ở mức độ C theo tiêu chuẩn chất lượng VN. Đây là công trình mang nhiều cấu trúc, thành phần xuống cấp và có nguy cơ sụp đổ. Công trình có bộ khung gỗ chịu lực kết hợp với tường xây chịu lực. Do đó, việc sửa chữa khó hơn rất nhiều so với công trình kiến trúc gỗ truyền thống có cấu kiện gỗ liên kết bằng mộng, có thể tháo ghép được mà vẫn đảm bảo yếu tố gốc.
Các tường xây thì vữa hiện không còn liên kết, cũng không còn liên kết được gạch. Tình trạng kỹ thuật để giữ tường dài 40 m, cao đến 7 m là điều hết sức nguy hiểm khi bản thân tường cũng xuất hiện hiện tượng nghiêng. Có khoảng 4 - 5 vết nứt xuất hiện quanh nhà thờ và đặc biệt gác chuông đã nghiêng 2 độ so với phương thẳng đứng. Có việc tách giữa gác chuông và công trình chính đến 20 cm. Rất nguy hiểm. Nền công trình là vùng trũng ngập và vẫn đang được bồi đắp, nền địa chất yếu. Do đó, sẽ khó khăn để giữ một công trình ở tình trạng kỹ thuật như vậy.

Cận cảnh Nhà thờ Bùi Chu 134 tuổi - Video tư liệu

Về độ nghiêng, nứt, lún, có phải nếu có thời gian nhiều hơn thì kết quả đo sẽ chính xác hơn?
Ở đây chúng tôi không đo được độ lún theo chu kỳ vì thời gian đề ra phương án rất nhanh. Chúng tôi chỉ đo được độ lún ở một số điểm quan sát bằng mắt thường. Điều quan trọng là nền công trình đã bị bồi đắp hơn cũ khoảng 70 cm. Đây là vùng trũng, công trình nhà dân xung quanh bồi cao hơn. Để tránh ngập lụt, công trình cũng đã được tôn lên nhiều. Quan sát bằng mắt thường, chúng ta dễ thấy công trình có độ lún. Điều này là một vấn đề kỹ thuật lớn trong bảo tồn nhà thờ vì nếu bảo tồn đình, chùa với bộ khung gỗ tháo lắp được thì có thể tháo lắp và gia cố nền. Còn công trình xây như thế này, lại lún cũng như tôn nền làm ảnh hưởng kiến trúc thì đó là một việc hết sức phức tạp.
Với 2 phương án của viện: trùng tu cục bộ theo nguyên trạng và trùng tu triệt để (hạ giải hết), có người cho rằng viện đang thiên về phương án 2, trong khi nhiều người lại lo cách này là làm giả cổ nhà thờ. Ông nghĩ thế nào về điều này?
Trước hết, tôi phải nói cả hai phương án đều có quan điểm mục tiêu đầu tiên đặt ra là bảo tồn càng nhiều giá trị cốt lõi, dấu ấn lịch sử của nhà thờ Bùi Chu càng tốt. Cả hai phương án đều hướng tới việc giữ được cấu trúc quy mô theo hình thức cũ và những thành phần kiến trúc như chân tảng, khung gỗ, hệ thống tường trang trí xung quanh theo kiến trúc Baroque và một số vật liệu cũ như gạch, ngói cổ, những nền gạch hoa từ thế kỷ 20, một số hoa sắt bằng kim loại đúc và các bộ cửa gỗ. Tất cả giá trị cốt lõi đó, chúng tôi đều đưa vào mục tiêu của cả hai phương án.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong phương án viện đưa ra không có con số tính toán chi phí cho từng phương án. Tuy nhiên, viện lại cho rằng phương án 2 có kinh phí hợp lý, có tính khả thi và tránh lãng phí đối với của cải vật chất?
Cả hai phương án đều có ưu - nhược điểm riêng. Phương án trùng tu cục bộ theo nguyên trạng đòi hỏi quá trình tiếp tục duy tu bảo dưỡng, thậm chí là sửa chữa lớn trong một vài năm tới và kéo dài nhiều năm. Sự đầu tư đó không dừng lại ở một thời điểm mà sẽ kéo dài. Còn phương án trùng tu toàn bộ sẽ khắc phục được nguyên nhân gây hư hỏng cho công trình tồn tại dài hơn, thời gian trùng tu sẽ ngắn hơn.
Xin cảm ơn ông! 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.