Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về

Nguyên Vân
Nguyên Vân
16/09/2018 08:54 GMT+7

Vào ngày 17.9, nhà thiết kế Phương My sẽ mở màn Vancouver Fashion Week tại Canada (tuần lễ thời trang lớn thứ 2 ở Bắc Mỹ, sau New York Fashion Week). Đây là lần đầu tiên một nhà thiết kế VN mở màn cho tuần lễ thời trang lớn ở Canada.

Trước khi đến Canada, Phương My đã dành cho Thanh Niên cuộc trò chuyện thú vị, về những “bước ngoặt” của người học chuyên toán chuyển sang ngành thời trang, từ thành công ở Mỹ rồi về VN định vị thương hiệu của nhà thiết kế (NTK) 30 tuổi này.
Chú trọng vừa mắt hơn vừa người
Tin vui này không chỉ cho Phương My mà cho cả thời trang VN, Phương My có thể chia sẻ thêm về sự kiện “mở màn” Vancouver Fashion Week?
Khi được mời tham gia những tuần lễ thời trang ở nước ngoài, tôi đều hỏi mình có thể là người mở màn được không. Những lần khác họ từ chối vì lý do đã có NTK trong nước, hoặc đã ký hợp đồng với ai đó rồi. Đây là lần đầu tiên yêu cầu của tôi được chấp nhận. Dĩ nhiên khi mình đặt vấn đề, họ cũng có những điều kiện ngược lại, như xem những bộ sưu tập (BST) cũ của mình ra sao, gửi BST mới cho họ xem trước, mình định làm gì trong show sắp tới… Khoảng một tháng trao đổi thì được đồng ý.
Phương My có thể giới thiệu một chút về BST được mở màn này?
Lâu nay, điểm quan trọng đầu tiên trong mỗi BST Phương My luôn chú trọng là chất liệu vải. Chất liệu vải năm nay được đặt dệt riêng ở nước ngoài. Tôi đặc biệt thích tơ tằm, nhưng tôi “chuyển thể” và đặt dệt riêng cho thương hiệu của mình để tơ tằm có đủ độ đơ và độ cứng, khi mặc lên vẫn thấy sự thoải mái, phom dáng người mặc phải đẹp hơn. Vì thế BST của Phương My luôn nhấn mạnh sự vừa mắt hơn là vừa người. Vừa mắt có nghĩa là bạn mặc một bộ đồ mà ai cũng nhìn thấy hài hòa, thấy số đo 3 vòng chuẩn kể cả khi bộ đồ đó có vừa hay không vừa với người bạn. Sự vừa mắt của bộ đồ làm cân đối và sang trọng người mặc.
Sau chất liệu sẽ là…?
Đường cắt. Chúng tôi không bao giờ lặp lại đường cắt từ BST này sang BST kia, dù cùng độ phồng hay đường eo, mỗi BST phải có đường cắt riêng.
Nói đến tơ tằm, vì sao Phương My không sử dụng của VN khi đây vừa là chất liệu truyền thống và cũng nổi tiếng thế giới?
Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về1
Nữ ca sĩ - nhạc sĩ Julia Michaels trong trang phục do Phương My thiết kế nhận giải New Artist of the year tại lễ trao giải American Music Awards 2017
Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về2
Nữ diễn viên Betty Gabriel mặc trang phục do Phương My thiết kế trên thảm đỏ của lễ trao giải SAG 2018
Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về3
Susan Kelechi Watson trong trang phục do Phương My thiết kế tại lễ trao giải The NAAP image Awards lần thứ 49 ở Los Angeles, Mỹ
Mẫu thiết kế của tôi từ dây kéo, hạt cườm đến chỉ và cả chất liệu vải, tất cả đều được nhập từ nước ngoài. Chỉ nhân công là VN, xưởng may tôi đặt ở VN. Ngoài việc tôi là NTK và là người VN thì tôi còn là người làm kinh doanh, nên hiểu được điểm chạm đến khách hàng. Khách hàng không chọn mua một thương hiệu chỉ vì họ tự hào là của người VN, mà bởi vì họ cảm thấy thương hiệu đó xứng với đồng tiền họ bỏ ra, cái xứng đáng đó mới quan trọng. Xứng đáng ở việc chọn tơ tằm nước nào tốt nhất, chọn pha lê đính lên chiếc đầm thì phải đặt từ nước nào đang dẫn đầu chất lượng pha lê. Chỉ ở nước nào đang sản xuất loại vừa nhẹ vừa mỏng và vừa đủ dai để khi mặc không bị rạn đồ thì mình phải nhập từ nước đấy. Tôi không đưa vào trang phục những cái mà mình tự hào nhất ở VN, mà là tất cả những gì đang tốt nhất trên thế giới.
Nhưng dĩ nhiên cái tự hào của mình là người VN có đủ tay nghề, đủ sự khéo léo để có thể may được chiếc đầm, xuất khẩu chiếc đầm đấy, diễn trong show thời trang nước ngoài và người nổi tiếng nước ngoài phải mặc chiếc đầm này.
Các ngôi sao thế giới: Chandler Kinney, Mariana Klaveno, Susan Kelechi Watson, Betty Gabriel… đến với thương hiệu Phuong My từ những tuần lễ thời trang?
Đa số là từ các tuần lễ thời trang, show diễn tôi làm ở nước ngoài. Các ngôi sao không tìm đến thiết kế Phuong My mà là do stylist của họ (cười). Đầu tiên là Lindsay Lohan, cách đây khoảng 5 năm, khi tôi giới thiệu BST thu đông 2013. Người tiếp theo là con gái của Chủ tịch Tập đoàn Hearst, một trong những tập đoàn nắm giữ nhiều tờ báo về thời trang ở Mỹ. Gần đây thì có ca sĩ Pink. Stylist của cô ấy đã đặt tôi thiết kế trang phục. Chúng tôi tôn trọng quyền riêng tư của khách hàng, rất ít khi yêu cầu họ gửi ảnh sau khi sử dụng, nếu họ không muốn.
Là NTK VN khi tham gia các tuần lễ thời trang thế giới, Phương My có chú trọng đến thông điệp mình truyền tải?
Nhiều người hỏi mỗi khi tôi tham gia show diễn ở ngoài nước, tôi mang đặc thù gì của VN ra nước ngoài. Tôi nghĩ mỗi show diễn nên làm sao để mình cảm thấy đẹp nhất và nhắm đúng đối tượng khách hàng của mình. Đặc thù VN không cần phải quá nhấn mạnh. Vì tên mình đã là VN rồi, không nên quá cố gắng truyền tải thông điệp gì hết. Giống như tuần lễ thời trang ở Canada, khi họ mời tôi, điều duy nhất tôi chú trọng là mình phải được quyền mở màn, NTK VN cũng xứng đáng được làm như vậy.
Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về4
BST Phuong My tại Perth Fashion Festival, Úc Ảnh: T.L
Đúng - sai được định nghĩa từ khách hàng
Phương My bắt đầu với ngành thiết kế thời trang như thế nào?
Tôi học chuyên toán từ nhỏ (cười). Cấp 2 tôi học Trường chuyên Amsterdam Hà Nội, khi sang Mỹ lúc 13 tuổi, tiếp tục chuyên toán. Tôi nghĩ môn nào mình giỏi thì theo ngành đấy. Rồi khi đang là sinh viên năm nhất của Trường UCLA (Mỹ), một người bạn hỏi tôi rằng 5, 10 năm nữa tôi thích làm gì. Khi đó tôi trả lời rất nhanh, là thích làm thời trang. Bạn tôi lại hỏi: Vậy tại sao học toán? Câu hỏi đó tôi không trả lời được. Về nhà, tôi suy nghĩ nhiều lắm, mình chỉ có một tuổi trẻ để dám làm, dám sai, dám thử thách bản thân. Lúc đấy tôi mới quyết định thời trang là ngành mình luôn thích. Vậy là chuyển qua học thời trang, ở Academy of Art University, San Francisco, Mỹ.
Phương My có gặp khó khăn gì khi bắt đầu lại như vậy?
Toán thì luôn chính xác 1 + 1 = 2 nhưng thời trang không có định nghĩa rõ ràng như vậy. Cái đẹp của mình không phải là cái đẹp của mọi người, cách mình nhìn một vấn đề không phải là cách mọi người đều nhìn vấn đề đấy, và thời trang thay đổi trong vòng 6 tháng. Đúng - sai của mình lại được định nghĩa từ khách hàng, từ cảm nhận của rất nhiều người xung quanh mình. Đó là điều tôi thấy khó nhất khi chuyển sang thời trang. Tôi là người khá quyết tâm. Nếu đã đặt ra mục tiêu thì phải đạt được. Càng khó khăn thử thách càng làm tôi ham muốn hơn để chinh phục.
Và xin việc làm thêm có phải là cách Phương My nhanh chóng đuổi kịp bạn bè lúc bấy giờ?
Tôi không thể nào đợi đến ra trường mới xin việc, vì như thế mình sẽ tự hạn chế lựa chọn trong cuộc sống. Vì thế đến năm 3 tôi viết email cho nhiều người để xin việc làm. Tôi nghĩ mỗi ngày gửi 10 email thì một tuần được 70 cái, 1 tháng gửi được 300 email. Trong 300 email đó chỉ cần 1, 2 người trả lời là mình đã có lựa chọn cho cuộc sống của mình khi ra trường rồi.
Công việc đầu tiên tôi làm là cho một tờ báo mới thành lập - Astonish Magazine. Lúc đó họ tuyển dụng nhiều nhân sự trẻ và chăm, nhưng trả lương rất thấp (cười). Tôi thì cần kinh nghiệm nên không đòi hỏi bất cứ điều gì. Lúc đầu tôi “chạy” tất cả những việc tờ báo cần, sau đó thì làm stylist, rồi khi ra trường thì chức vụ tôi là giám đốc sáng tạo.
Tham gia cuộc thi Are you runway ready có phải là bước đệm để bạn tiến vào làng thời trang thế giới?
Khi làm báo, tôi nắm bắt nhiều thông tin, tờ báo cũng mới nên những người trong tòa soạn rất năng động. Cứ ai thấy có cuộc thi gì thì họ lại khuyến khích tôi tham gia. Tôi nghĩ tất cả những gì mình làm nên gọi nó là điểm chạm, nhưng điểm chạm đó phải đúng. May mắn nhất là trong những bước đi đầu tiên vào ngành thời trang những người bên cạnh luôn cho tôi nhiều ý kiến, góp ý để tôi hoàn thiện hơn mỗi ngày.
Vì sao Phương My lại về VN khi đã có những thành công nhất định ở Mỹ?
Sau cùng thì mình vẫn là người VN. Và thương hiệu khi đặt cũng là tên tôi. Mọi thứ mình làm đều phải có gốc rễ. Mà gốc rễ của thương hiệu Phuong My thì nên bắt đầu từ đất nước mình. Cửa hàng đầu tiên của tôi ở VN được mở tại TP.HCM năm 2013 vì 3 lý do. Thứ nhất, một nước không quá mạnh về ngành thời trang như VN sẽ có nhiều cơ hội cho một người trẻ muốn thành lập cái gì đó cho riêng mình. Thứ hai, khi bắt đầu điều gì đó luôn cần có câu chuyện về thương hiệu, về gốc rễ của thương hiệu. Với tôi, bắt đầu từ nơi mình đã đi, để quay trở về. Cuối cùng, tôi nghĩ khi có những trải nghiệm, kinh nghiệm, những gì học được từ bên ngoài thì vẫn nên quay về, làm điều gì đấy cho chính quê hương mình. Một trong những điều tôi luôn nói với mọi người là sự không ủng hộ, không đồng tình hay không được ai đấy khen là một trong những động lực cho tôi tiếp tục bước đi mỗi ngày. Dễ dàng quá trong bất cứ việc gì thường làm cho mình không trân trọng kết quả của nó.
Bây giờ có khi nào Phương My lại nghĩ 5 hay 10 năm nữa mình sẽ làm gì?
Tôi không phải là người có kế hoạch cụ thể cho đời mình. Vì đặt ra mục tiêu cao quá sẽ bị mệt mà ngắn quá khi đạt được sẽ nản. Nên lúc nào tôi cũng nghĩ mình là người đang leo núi, chỉ biết càng lên cao sẽ nhìn xung quanh càng đẹp, và muốn biết được nó đẹp như thế nào thì phải leo. Mục tiêu tôi đặt ra chỉ là vượt qua thử thách của hôm nay. 
Nhà thiết kế Phương My: Ra đi để quay trở về1
Phương My (giữa) trong hậu trường chuẩn bị cho show Dubai Fashion Week 2017 Ảnh: T.L
Phương My tên đầy đủ là Trần Phương My, sinh năm 1988 tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp ĐH Academy of Art, San Francisco (Mỹ), Phương My thử sức tại thị trường thời trang Mỹ và ghi dấu ấn cá nhân với thương hiệu Phuong My tại New York - một trong 4 kinh đô thời trang của thế giới. Tính luôn cả Vancouver Fashion Week, thì Phương My đã trình diễn tại 8 tuần lễ thời trang quốc tế: Dubai Fashion Week tại Dubai 2017, Perth Fashion Festival tại Úc 2015, Asia Fashion Week tại Malaysia 2014, Blueprint Fashion Show tại Singapore 2014, New York Fashion Week Event tại New York 2011, Tokyo Fashion Fuse Show tại Nhật 2011, Black V San Francisco Fashion Show tại Mỹ 2011. Hiện tại, thương hiệu Phuong My đang có mặt tại 30 cửa hàng ở 20 quốc gia trên thế giới.
Một người cần được giới trẻ biết đến nhiều hơn
Á hậu Dương Trương Thiên Lý
Ảnh: NSCC
Tôi biết Phương My qua một người bạn, khi còn học tại Mỹ. Lúc đó nghe nói một sinh viên VN có BST trình diễn tại tuần lễ thời trang ở đây, tôi rất bất ngờ. Khi về VN, tôi mới biết thêm về Phương My. Lần đầu tiên nhìn thấy bộ trang phục do Phương My thiết kế cách đây 5 năm, tôi càng thêm ngưỡng mộ tài năng cô ấy. Thương hiệu Phuong My mang màu sắc độc đáo riêng không lẫn vào bất kỳ thương hiệu nào. Nhìn vào chất liệu vải hay kiểu dáng sản phẩm, người mặc có thể đoán ngay là của Phương My. Là phụ nữ, tôi mong muốn có những bộ áo vừa nữ tính nhưng cũng phải kín đáo và vẫn sang trọng. Phương My luôn đáp ứng được điều này. Điều khiến tôi ngưỡng mộ hơn ở NTK Phương My, là một phụ nữ trẻ đầy cảm hứng, một người cần được giới trẻ biết đến nhiều hơn để có thể học hỏi kinh nghiệm. Bởi, là cô gái sinh ra trong gia đình có điều kiện nhưng Phương My vẫn rất tự lập và chủ động trong cuộc sống, công việc của mình. Tôi còn biết, không chỉ thiết kế, gần đây cô còn là người chụp ảnh cả những BST của mình. Có lẽ Phương My sẽ không dừng lại ở đó, vì My không ngừng học hỏi, phát triển bản thân. 
Á hậu Dương Trương Thiên Lý
NSƯT Linh Nga
Ảnh: NSCC
Thiết kế của Phương My tôn lên nét đẹp của phụ nữ Á Đông
Là người VN nhưng học tập và làm việc ở nước ngoài nên thiết kế của Phương My vừa rất hiện đại mà vẫn tôn lên nét đẹp của phụ nữ Á Đông. Từng có thời gian làm đại sứ cho thương hiệu Phuong My, tôi hiểu hơn và trân trọng sức lao động, sáng tạo của cô ấy. Phương My đúng là người phụ nữ của công việc. Đáng quý hơn, Phương My không bon chen mình là NTK xếp hạng thứ bao nhiêu, mà chỉ chú trọng sao cho sản phẩm chỉn chu và hoàn hảo nhất cho khách hàng của mình.
NSƯT Linh Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.