Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền: Giấc mơ nhạc dân tộc

26/07/2013 13:50 GMT+7

Dàn nhạc dân tộc kiểu giao hưởng. Hồ sơ di sản đệ trình UNESCO. Giấc mơ nhạc dân tộc được “Tây công nhận” bỗng trở nên đắng ngắt khi nhiều nghệ nhân - báu vật dân gian ra đi mà không kịp có bảo hiểm y tế. Cùng nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền nói về giấc mơ nhạc dân tộc này.

GS dân tộc nhạc học Trần Văn Khê bỗng giật mình khi nhìn thấy phần phụ lục của hồ sơ không gian văn hóa cồng chiêng đệ trình UNESCO. Ông chính là người được tổ chức này giao trọng trách đánh giá hồ sơ năm ấy. Một bản tổng phổ về âm thanh cồng chiêng, mà nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đã mất hàng tháng trời ở Tây nguyên để ghi lại. Sau cuộc gặp trao đổi trực tiếp, một mối dây thân tình giữa hai đồng nghiệp đã biến thành cha con. Trong nhiều bài viết, GS Trần Quang Hải cũng âu yếm gọi ông Hiền là em trai.

Bùi Trọng Hiền - nd
Bùi Trọng Hiền - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng như GS Khê, GS Hải, Bùi Trọng Hiền đã nghiên cứu nhạc dân tộc với vốn hiểu biết căn bản về âm nhạc phương Tây, cùng nhiều năm điền dã làm việc với nghệ nhân cổ nhạc. Họ cũng đều chơi nhạc cụ dân tộc. Sau cùng, họ đau nỗi đau của những người nhìn thấy cổ nhạc lụi đi mà chưa được thuốc men tận tình...

* Nếu có thể chia sẻ thì câu chuyện cảm động nhất ông muốn kể về âm nhạc dân tộc là gì?

- Cổ nhạc Việt Nam là lẽ sống trong tôi, nên thật khó có thể nói trên bước đường điền dã, đâu là câu chuyện cảm động nhất! Mỗi công trình nghiên cứu với tôi đều in đậm dấu ấn của những bậc tài danh cổ nhạc. Họ đã chuyển giao cho tôi cả một kho tàng vô giá của ngàn xưa, như duyên nợ đời người. Năm 1993, khi vào Sài Gòn triển khai hướng nghiên cứu nhạc tài tử - cải lương, thuở đó còn đi dạy ở Học viện m nhạc quốc gia, lương bèo bọt có 90.000 đồng/tháng. Mỗi lần xách ba lô lên đường là phải tính toán chi li lắm, bóp mồm bóp miệng dành hết cho công việc. Thật may mắn, tôi được hầu hết các tài danh Sài Gòn đón tiếp cưu mang, dạy dỗ miễn phí, sẵn lòng nuôi ăn nuôi ở vài tháng liền. Mấy năm ròng liên tiếp là quãng thời gian không thể nào quên với biết bao ân tình hào sảng đất phương Nam.

* Nhiều năm qua, các di sản âm nhạc như nhã nhạc Huế, ca trù, quan họ, hát xoan... lần lượt được công nhận di sản văn hóa thế giới. Cá nhân ông thấy, hậu danh hiệu, những di sản đó đã được gìn giữ ra sao, hiện trạng của chúng giờ thế nào?

- Có một thực tế là khi di sản được công nhận danh hiệu thế giới thì nảy sinh quá nhiều vấn đề, các nhà quản lý dường như không thể thực hiện đúng theo công ước của UNESCO đã đề ra. Thế nên dù nhà nước tốn không biết bao nhiêu tiền của vào việc xây dựng hồ sơ và thực hiện “chương trình hành động”, nhưng mọi việc hầu như đều giậm chân tại chỗ. Sức sống của di sản vẫn tiếp tục lay lắt, mai một và nhiều giá trị tiếp tục biến mất theo cái chết của các nghệ nhân lão thành. Có vô số chuyện đáng bàn mà tôi nghĩ chỉ những người trong cuộc như các nghệ nhân hay nhà nghiên cứu chuyên ngành mới hiểu. Có thể tạm gọi đó là lỗi hệ thống!

* Đã từng có những giấc mơ Tây hóa nhạc dân tộc như dùng ghi âm kiểu u chứ không dùng “hò xử sang”, hay tổ chức dàn nhạc dân tộc theo “biên chế” giao hưởng. Giờ đây, theo ông, ý định Tây hóa nhạc dân tộc đã kết thúc chưa?

- Một thời, Tây hóa đồng nghĩa với “văn minh, phát triển, hiện đại, khoa học…”. Truyền thống văn hóa Việt Nam vốn được đánh giá có bản chất tiếp biến, phần lớn những giá trị du nhập từ bên ngoài đều được coi trọng, thậm chí như “kim chỉ Nam”. Song hành với nó thường là tâm lý tự ti dân tộc. Thế nên đừng ngạc nhiên về việc chúng ta từng một thời di dời vô số hệ giá trị văn hóa nghệ thuật trong kho tàng của cha ông, ngõ hầu ước vọng “cải biên, cải tiến, hiện đại hóa, khoa học hóa, văn minh hóa…” âm nhạc dân tộc.

Sau cả một chặng đường lịch sử định hướng như vậy, bên cạnh những thành tựu đạt được, chúng ta đồng thời cũng đánh mất rất nhiều giá trị cổ truyền dân tộc. Kèm theo đó là nhận thức sai lệch kéo dài nhiều thế hệ. Giờ đây, nhiều người mới sực tỉnh về cả một thời suy nghĩ/hành động có nhiều phần ấu trĩ đó. Hiện nay, tư tưởng Tây hóa tuy không còn sức mạnh như trước nhưng một bộ phận của nó vẫn tồn tại và được sự hậu thuẫn nhất định. Có lẽ phải rất lâu nữa người ta mới có thể hiểu được rằng tại sao phải bảo vệ nghiêm cẩn những di sản cổ nhạc của tổ tiên.

* Ông có nghĩ rằng việc bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc đang được làm rất hình thức. Ông có thể phân tích về điều đó?

- Hiện nay, dư luận nổi cộm việc chúng ta đang say mê cái giấc mơ “Tây công nhận”! Thật khó nói khi n­hà nước bỏ rất nhiều tiền của để phấn đấu sao cho Việt Nam ngày càng có nhiều di sản mang nhãn hiệu UNESCO, kể cả việc “vận động hành lang” tranh thủ sự ủng hộ của các quan chức ngoại giao, các nhà nghiên cứu nước ngoài. Có người đã than rằng di sản mà được công nhận kiểu chạy chọt như thế thì danh giá gì nữa!

Thử đặt vấn đề, tại sao số tiền đó không đầu tư bảo vệ di sản ngay tức khắc mà phải nhọc công xin UNESCO trao bằng? Hẳn nhiều người sợ không dám nói ra bởi dễ bị quy chụp tội danh “chống lại lợi ích quốc gia dân tộc” hay “xúc phạm di sản” này nọ… “Mũ ni che tai”, nên sự vô cảm trong trách nhiệm bảo tồn cũng là lẽ đương nhiên.

Hiện nay, với các di sản đã được UNESCO công nhận, vẫn còn quá nhiều bất cập, thậm chí nhăng nhố ở nhiều địa phương. Có nơi người ta ngang nhiên đánh tráo khái niệm di sản để thực hiện những dự án vô bổ, hay lập những chương trình “hành động” hết sức phi lý, sẵn sàng cải biên, cải tiến theo chiều hướng bóp méo, bất chấp sự phản đối của giới nghiên cứu chuyên ngành.

* Điều quan trọng nhất bây giờ cần làm cho nhạc dân tộc là gì?

- Điều cấp thiết nhất là phải bảo vệ quá trình chuyển giao giữa thầy nghệ nhân và trò nghệ nhân. Điều này tôi đã nói rất nhiều rồi. Những người như vậy cần được nhà nước đầu tư bao cấp như những chuyên viên bảo tồn cổ nhạc. Họ cần có lương, có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội như một vị trí công tác chính thức trong thiết chế văn hóa. Nếu chỉ để tình yêu cổ nhạc sống kiểu tự phát, lay lắt hay chỉ phủ dụ bởi những danh hiệu hào nhoáng, hình thức thì mọi sự sẽ ngày càng tiếp tục tệ hơn bây giờ.

Chuyên mục Sáng tạo vì Khát vọng Việt giới thiệu chân dung những người bạn của Trung Nguyên, bất kể tuổi tác, thành phần, trong hay ngoài nước... Họ là những con người đang ngày đêm miệt mài sáng tạo trong các lĩnh vực chuyên môn, đóng góp trí não, tâm sức, truyền đi ngọn lửa khát vọng, tạo cảm hứng cho thanh niên VN, khơi dậy khát khao đua tranh với thế giới để cùng sáng tạo tương lai một VN hùng mạnh và ảnh hưởng.

Sáng tạo vì Khát vọng Việt

Kiều Trinh

>> Nguyễn Trinh Thi: Độc lập để sáng tạo
>> Cảm hứng sáng tạo
>> Kinh doanh sáng tạo giữa trời Tây
>> Khuyến khích doanh nghiệp sáng tạo khoa học và công nghệ
>> Sân chơi sáng tạo trên sàn nhà lớn nhất Việt Nam
>> Cuộc thi sáng tạo robot khiêu vũ
>> Tạo môi trường để thanh niên sáng tạo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.