Nguyễn Ngọc Hưng nằm... thơ

12/04/2010 10:10 GMT+7

(TNTT>) Nguyễn Ngọc Hưng là nhà thơ quê Quảng Ngãi, có một số phận thơ "bi mà không thảm". Anh vốn là một sinh viên giỏi, đậu bằng đỏ ở khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, nhưng khi ra trường, vừa kịp được bổ nhiệm và giảng dạy ít ngày tại một trường trung học huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) thì bị đổ bệnh.

Bệnh của Hưng là một “bệnh lạ” hiểu theo nghĩa nó không thể được chữa trị khỏi. Nó khiến Hưng không thể ngồi thẳng người, buộc anh từ hai mươi năm nay phải nằm trên giường. Và từ trên chiếc giường với tư thế nằm ấy, Nguyễn Ngọc Hưng đã thành nhà thơ. Một nhà thơ trữ tình với hàng nghìn bài thơ được sáng tác đều đặn, với hàng chục tập thơ đã được xuất bản. Thơ Nguyễn Ngọc Hưng thiết tha tình yêu quê hương xứ sở, thiết tha với cuộc sống bình thường mà từ hai mươi năm nay anh không còn được trực tiếp cảm nhận. Đó là thơ của một người thiếu hụt nhưng không bế tắc, của một người chịu thiệt thòi nhưng không bi lụy, của một chàng trai mới thoáng có một mối tình đầu thì số phận đã bắt anh phải vĩnh viễn là “người ngoài cuộc” trong tình yêu và hôn nhân. Nằm một chỗ, nhưng Nguyễn Ngọc Hưng có một “ăng-ten” cảm nhận đời sống cực nhạy để viết được những bài thơ mà nếu không biết, người ta không thể biết tác giả này ở vào hoàn cảnh như thế nào.

Hơn 10 năm trước, lần đầu tiên thơ Nguyễn Ngọc Hưng được tuyển chọn vào tập thơ thế giới dành cho người tàn tật có nhan đề “Một trái tim một thế giới”, một tập thơ được in với nhiều thứ tiếng và được phát hành trên khắp thế giới. Bản thân Nguyễn Ngọc Hưng cũng nhờ bài thơ được tuyển ấy mà biết Hà Nội. Anh được đón, dĩ nhiên, bằng… băng-ca, qua các hành trình để ra Thủ đô dự cuộc hội ngộ quốc tế của những người khuyết tật. Theo yêu cầu tha thiết của Nguyễn Ngọc Hưng, anh đã được đưa, dĩ nhiên bằng băng-ca, vào viếng lăng Bác Hồ. Đó là một cuộc viếng lăng Bác không dễ dàng cho tất cả những người phục vụ, nhưng ai cũng cảm động tới rơi nước mắt. Trở về sau chuyến đi “lịch sử” đó, Nguyễn Ngọc Hưng đã viết được nhiều bài thơ rất cảm động về tấm lòng một thanh niên tàn tật đối với Bác Hồ. Bây giờ, khi thơ Nguyễn Ngọc Hưng đã trở nên quen thuộc với nhiều bạn yêu thơ trong cả nước, thì dù chỉ nằm một chỗ nơi miền quê vắng vẻ, Nguyễn Ngọc Hưng vẫn được bạn bè cả nước biết đến. Rất nhiều tờ báo, tạp chí trong cả nước đã in thơ Hưng, và anh có lẽ là một trong vài ba nhà thơ duy nhất trong cả nước này “sống được bằng thơ”. Đó chẳng phải là một kỷ lục sao? Vì ai cũng biết, nhuận bút trả cho một bài thơ là quá thấp.

Cuối năm ngoái, tôi nhận nhiệm vụ của một quỹ tài trợ cho thơ và các nhà thơ có hoàn cảnh khó khăn trong nước đưa số tiền 10 triệu đồng tài trợ của quỹ này tới hai nhà thơ miền Trung: Trần Vàng Sao và Nguyễn Ngọc Hưng. Trần Vàng Sao thì vẫn rất khỏe dù vẫn rất nghèo, còn Nguyễn Ngọc Hưng thì vẫn rất… nằm dù vẫn chưa… giàu, trừ sự giàu có những bài thơ. Khi gặp Hưng, tôi mới cảm nhận rõ một điều: nếu không có thơ, Hưng không thể nào còn sống tới hôm nay. Nói cho chính xác, nếu không có thơ và bạn bè, nhất là vợ chồng người bạn quý hơn vàng đã nuôi nấng chăm sóc Hưng trong hai mươi năm qua, và bây giờ vẫn bên cạnh Hưng trong mọi vui buồn, trong mọi thời gian của một ngày. Đầu năm nay, Nguyễn Ngọc Hưng đã chính thức trở thành hội viên Hội nhà văn Việt Nam với số phiếu đồng thuận rất cao từ hội đồng thơ và ban chấp hành. Thơ đẹp quá! Và tình bạn bè còn đẹp hơn! Sống giữa thơ và bạn như thế, hèn chi Nguyễn Ngọc Hưng luôn lạc quan yêu đời dù anh chỉ có thể yêu trong tư thế… nằm.

Nhật Chung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.