Nguyễn Huy Thiệp và chuyện viết tiểu thuyết võ hiệp có thơ

Việt Chiến
Việt Chiến
21/03/2021 00:15 GMT+7

Chiều 20.3, tin buồn đến với nền văn học nước nhà khi "vua truyện ngắn" Nguyễn Huy Thiệp qua đời sau thời gian bị tai biến. Tôi vẫn nhớ mãi lần trò chuyện cuối với Nguyễn Huy Thiệp trước khi ông gặp bạo bệnh, về chuyện ông viết tiểu thuyết võ hiệp có thơ…

Những tháng ngày cuối cùng trên giường bệnh, hẳn nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng thấy ấm lòng khi bạn bè văn chương và những người quý mến ông đã đến thăm nom và động viên nhà văn cố vượt qua bệnh tật hiểm nghèo và số phận không mấy dễ chịu của một người viết. Dường như không chịu bó tay trước số phận, trong những ngày bệnh trọng, ông mê mải vẽ và làm thơ như muốn chia sẻ những tâm sự cuối cùng của mình về cuộc đời, người thân, về văn chương, bạn bè.
Tôi còn nhớ mãi lần trò chuyện cuối với Nguyễn Huy Thiệp trước khi ông gặp bạo bệnh. Hôm đó, tôi mang nhuận bút của một tờ báo đến thăm tác giả Tướng về hưu. Tôi phải đi lòng vòng qua gần chục con ngõ quanh co của một ngôi làng cũ nằm ở xóm Cò, làng Khương Hạ, Q.Thanh Xuân, Hà Nội. Ngôi nhà của ông cũng phong phanh, chân chất, giản dị như chủ nhân của nó. Nguyễn Huy Thiệp vốn dễ gần và cũng dễ lạ. Gần là bởi cái giọng nói thào thào, cũ cũ và dáng điệu chất phác của ông. Lạ là bởi cái tư duy sắc sảo, phá cách, đổi mới và không chấp nhận sự bằng phẳng, rỗng mòn, cũ kỹ trong văn chương của ông.

Nguyễn Huy Thiệp có tư duy sắc sảo, phá cách, đổi mới và không chấp nhận sự bằng phẳng, rỗng mòn, cũ kỹ trong văn chương

Ảnh: T.L

Mấy năm cuối đời, ngoài các tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi lừng danh của mình trước đây, dường như Nguyễn Huy Thiệp không viết được gì thêm. Trao đổi với tôi về việc này, ông trải lòng: “Dạo này mình cũng chẳng thiết viết gì nữa! Viết văn đến cái độ nào đó thì cũng phải biết thôi, biết dừng lại, phải biết tiết chế chứ. Cũng phải nhường đất cho bọn trẻ họ viết chứ. Do vậy, mình rút dần vào vô minh...”.
Tôi đặt câu hỏi: “Độc giả và dư luận hình như vẫn còn đợi nhà văn ở mảng tiểu thuyết, ngoài cuốn Tuổi hai mươi, ông còn cuốn nào không?”. Nguyễn Huy Thiệp chậm rãi: “Tiểu thuyết ư? Hiện vẫn còn cuốn Bên rìa nước. Cuốn tiểu thuyết viết theo kiểu võ hiệp này tôi viết trong 10 năm. Bên rìa nước là những chuyện hiệp nghĩa, khôi hài và hoang đường chép bên rìa nước kinh thành. Tiểu thuyết này gồm 16 chương. Trước kia tôi viết cuốn Võ lâm ngoại sử chỉ là bản nháp thôi, chưa phải là tác phẩm hoàn chỉnh như cuốn này. Đây cũng là cuốn sách kén độc giả, tôi chủ trương in cũng được, không in cũng được...”.
Tôi lật qua ít trang bản thảo cuốn Bên rìa nước, thấy có nhiều đoạn viết như thơ, bèn hỏi nhà văn. Nguyễn Huy Thiệp bảo: “Đây không phải là thơ bình thường. Đây là thơ kệ, là tổng hợp của nhiều loại thơ cổ của Việt Nam. Các ông làm thơ thời “công-nông-binh” hiện nay cũng có cái hay của nó. Nhưng ngày xưa, tôi cho rằng người xưa coi thơ là mẹ của mọi thể loại. Nó là ngôn ngữ tối thượng, cao quý. Và, người xưa mới đầu học làm thơ 2 chữ: “Vào làng/ Xin thịt/ Ra làng/ Xin xôi”, rồi thơ 3 chữ: “Đi bên sông/ Về bên sông/Trồng cây cải/ Bơi đò ngang/ Một đò ngang/Hai ngang đò”, tiếp đến thể thơ 4 chữ và 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, 9 chữ. Và thơ lục bát Việt Nam giống như thể thơ Haiku của Nhật Bản. Nó là quốc hồn, quốc túy...”.

Nguyễn Huy Thiệp vẽ khá nhiều chân dung tự họa và của bạn bè văn chương trên các đĩa gốm

Ảnh: T.A.T 

Biết tôi là người làm thơ, Nguyễn Huy Thiệp thân mật giới thiệu mấy chiếc bình gốm sứ mới, khá đẹp trên có vẽ tranh và đề thơ của một số nhà thơ nổi tiếng đời Đường (Trung Quốc) và Việt Nam. Tôi khá bất ngờ khi biết đây là những chiếc bình gốm sứ do tự tay ông làm, tự vẽ tranh, đề thơ. Tiếp theo, nhà văn hồ hởi kéo tôi vào phía buồng trong, rồi ông lôi ra nhiều đĩa gốm sứ do chính tay ông vẽ cảnh, đề thơ và đích thân ông sang tận lò gốm bên Bát Tràng giám sát việc sản xuất. Chỉ vì tình yêu hội họa và say mê thơ, Nguyễn Huy Thiệp đã bỏ công sức, tiền của ra làm tới vài trăm đĩa gốm sứ, trên có tranh do ông vẽ và có thơ của các nhà thơ nổi tiếng xưa nay. Ngoài ra, ông còn vẽ tranh và đề thơ trên nhiều loại bình gốm sứ bày trong nhà. Đặc biệt, có khá nhiều chân dung tự họa của Nguyễn Huy Thiệp vẽ trên gốm và tất cả các bìa sách của ông được nước ngoài in, ông đều vẽ lại trên đĩa sứ. Tôi thích chiếc đĩa in bản minh họa đầu tiên của họa sĩ Đỗ Phấn cho truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp năm 1987.
Trước khi trở thành “vua truyện ngắn”, Nguyễn Huy Thiệp cũng từng làm thơ nhưng không thành. Ngồi nói chuyện văn thơ với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mới biết ông rất quý trọng cố nhà thơ Đồng Đức Bốn. Có thể tình bạn giữa hai ông vừa mang hơi thở mộc mạc bùn đất chốn chân quê vừa mang tính ngang tàng, bất cần của những văn tài một thời “bất đắc chí”. Phải chăng vì thế, nó khiến cho cái tình giữa hai người văn lãng tử trở nên sâu đậm, gắn bó? Biết đâu ở thế giới bên kia, cố nhà thơ Đồng Đức Bốn sẽ lại được hầu rượu nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để nghe “vua truyện ngắn” đàm đạo về thơ và những nhà thơ hạ giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.