Nguyễn Huy Thiệp - minh triết cả khi giã biệt cõi thế

21/03/2021 12:14 GMT+7

“ Hoa ban ơi/ ngàn năm sau còn trắng thế không? ”. Nguyễn Huy Thiệp chọn ngày hôm nay 20.3.2021 để đi, Ngày Quốc tế Hạnh Phúc , ngày xuân phân - ngày đặc biệt nhất trong năm.

Thì vào ngày này, mặt trời nằm ngang đường xích đạo, độ dài ngày và đêm bằng nhau thể hiện sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ; cũng là sự cân bằng giữa âm và dương, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa ước mơ và hiện thực. Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc.
Chờ cho ánh dương ngả xuống quá chiều, ông giã biệt cõi thế.
Sao lại tài tình, minh triết đến vậy? Tài tình và minh triết cả khi chuyển kiếp.
Tôi với Nguyễn Huy Thiệp không có mối quan hệ thân tình. Nhưng duyên nghiệp lại cho tôi có những kỷ niệm lạ lùng với ông.
Hồi học Khóa 4 Viết văn Nguyễn Du, các nhà báo hay tìm tôi để phỏng vấn cây bút trẻ. Ngay từ những ngày đầu đến với văn chương, tôi đã thiên hướng “Không gian đa chiều trong bút pháp”, đa phần viết truyện ngắn không dài lắm, có hình xoáy ốc, hoặc khối rubic xoay trở nhiều tầng ngữ nghĩa, câu chữ ngắn gọn, chứa nhiều hình ảnh ẩn dụ, với tiết tấu câu văn nhẹ bẫng, mà đau thì đau ngấm da ngấm thịt. Một trong những cách viết đó là truyện ngắn Cô gái quàng chiếc khăn xanh. Có mấy nhà văn vào trường chơi, khi biết tên tôi thì bảo: Này, Nguyễn Huy Thiệp khen cái truyện ngắn khăn xanh gì đấy của Hà lắm. Tôi bấy giờ cũng không hiểu sao Nguyễn Huy Thiệp lại thích cái truyện ngắn ấy giữa bao nhiêu truyện hay của các nhà văn bạn bè được ra đời trong bối cảnh đổi mới, với cả so với các truyện khác của tôi thì chính tôi cũng không đánh giá truyện ngắn đó cao nhất.
Mà hồi ấy nhắc đến Nguyễn Huy Thiệp thì thôi khỏi bàn. Giả sử có bao nhiêu viên kim cương trên đời dùng để đánh dấu những lời tụng ca Nguyễn Huy Thiệp, thì chắc cái giỏ của ông là cái giỏ to nhất, nhiều kim cương nhất so với tất cả các nhà văn “thơ phú lăng nhăng” xứ Việt (lời của Nguyễn Huy Thiệp trong một bài báo) suốt mấy chục năm ròng kể từ chớm và sau đổi mới. Quả thật ông làm cho bao người mất ăn mất ngủ, vì khoái văn ông quá, không buông cái truyện đang đọc dở xuống được. Viết gì mà lở đồi lở núi lở sông lở suối. Viết gì mà không thèm đủ chuẩn câu ngữ pháp. Hồi học ở Tổng hợp Văn, bọn tôi chết dở vì bị làm bài tập phân tích câu văn sai ngữ pháp của Nguyễn Huy Thiệp. Cái chính là sai ngữ pháp, mà cả trường đoạn hợp nhất câu vẫn ổn. Nghĩa là có thể hành văn theo lối ấy. Đọc lên sướng mắt, mắt nhìn chữ mà như tai cũng nghe chữ.
Nhưng mà cái ác được đem ra mổ xẻ. Ác chưa từng thấy. Giọng văn thản nhiên mô tả ác một cách lạnh lùng. Vậy mà đọc vẫn như có bùa mê. Ác thật, nhưng trước giờ chưa mấy ai vạch trần cái ác ở những góc khuất, những khía cạnh không ngờ được như thế. Hồi chuông cảnh tỉnh Nguyễn Huy Thiệp vang xa và sâu, ảnh hưởng mạnh mẽ đến ý thức hệ của tầng lớp trí thức Việt Nam thời kỳ đổi mới.
Ông được mệnh danh là ông vua truyện ngắn. Sống giữa những tràng vỗ tay, những đóa hoa rực rỡ, những tụng ca tràn ngập báo chí truyền thông. Ông không bị điên bị “tẩu hỏa” mới lạ, là điều tôi phục ông không kém phục văn ông. Thế nên khi ông khen truyện của tôi, tôi ngạc nhiên, vì ngỡ ông không chịu đọc lớp đi sau.
Lẽ dĩ nhiên không có vị thần tiên nào bay xuống trần gian này để ban cho loài người những công trình, những kiến tạo, những tác phẩm văn chương nghệ thuật. Chỉ có người trần chấp bút viết ra những tác phẩm văn chương phục vụ cộng đồng, hoặc nói theo cách khiêm tốn (nhưng đầy cao ngạo), rằng viết là để phục vụ đôi ba người, hoặc để đối thoại với chính mình.
Thế cho nên một số nhà văn khi đọc được cái bài “đánh” “bọn giặc già” “thơ phú lăng nhăng” của ông in trên tờ Ngày Nay của Unesco (thời kỳ hoàng kim của tờ báo này), ban đầu rất tức giận. Nhưng ngẫm sâu chút, lại phá ra cười với nhau. Quen nghe ve vuốt. Quen được tung hô. Nay cha Nguyễn Huy Thiệp dám đứng giữa ngã ba thần thánh mà giã những nhát chí mạng. Đổi mới tư duy đây chứ đâu.
Nghe tin ông mở nhà hàng Hoa Ban, tôi rủ bạn tìm đến. Hẳn nhiên tôi sốc, khi tận mắt chứng kiến nhà văn mà mình thực sự thán phục, trực tiếp bưng đồ ăn ra cho chúng tôi. Ông không biết ông đang bưng đồ ăn và ghi vào bill các món với giá cả, đặt lên bàn, cho chính tác giả trẻ mà ông đã chuyển lời khen. Hồi đó tôi bị sốc, còn những năm sau này, chính tôi cũng đã trải nghiệm cuộc sống giống ông một thời, cứ mở đi mở lại các quán café sách, chính tôi bưng bê phục vụ khách đủ mọi thành phần
Ở Nhà hàng Hoa Ban về, tôi viết bài thơ Tự thoại, tôi thường viết thơ chỉ để cho chính mình, và làm đề từ cho truyện của tôi, có những câu:
Có gì ở màu hoa ban
Mà ta chưa từng biết
Hoa ban ơi
Ngàn năm sau còn trắng thế không?
Khi viết những câu thơ tự thoại này, là tôi nghĩ đến ông, đến loài hoa ban mà ông đặt tên cho cái nhà hàng trải nghiệm sống của ông. Thực ra, tôi tự bào chữa cho ông rất nhiều, rằng loài hoa ban ngàn năm sau sẽ vẫn trắng muốt như thủa ban sơ mà thôi. Chỉ có điều, khi đã hiến cho đời hương thơm tinh khôi, ai bảo hoa ban không héo úa tàn lụi?
Có một chuỗi ngày tháng, tôi chung vốn mua quán bar đêm mang tên Titanic, là cái bar mở ngay trên con phà đỗ ở bến cũ sông Hồng. Chủ tớ bằng nhau, phải làm phục vụ hết. Quán bar càng về đêm càng đông khách nước ngoài. Nhạc, diva, bia rượu, váy áo, cổ cồn, giày đinh… và cơ man vỏ chai… Cánh chúng tôi phục vụ bán hàng cho khách, thu tiền tại quầy. Hai con trai của Nguyễn Huy Thiệp xin làm không cần trả lương (tuy nhiên vẫn được trả đủ). Mấy chị em dàn hàng ngang trong quầy bar, bán hàng liên tay. Tôi dặn Duy, chủ bar, cũng là quân của tôi hồi ở báo Điện ảnh Kịch trường: Đừng bảo hai bạn ấy chị là ai nhé. Nhưng hai bạn ấy nhìn tôi với con mắt mà tôi cũng đọc ra được: Chúng em thừa biết chị là ai nhé. Bán hàng dọn quán xong thì đã 2h sáng. Chúng tôi đi ăn cháo đêm. Ngồi cùng nhau, buôn đủ thứ chuyện, chỉ trừ không nhắc đến bọn “giặc già thơ phú lăng nhăng”, không nhắc ông Thiệp, hay bất cứ ông bà văn chương nào. Văn chương không có chỗ đậu ở những nơi đó. Nhưng những nơi đó, những thời khắc đó đã giúp tôi đứng vững ở đời.
Một trong hai bạn đó là nhân vật mà Nguyễn Huy Thiệp đã xa xót viết Tuổi hai mươi yêu dấu, cuốn tiểu thuyết theo đánh giá là không thành công của ông. Thật tiếc cho ông, khi không níu được cho những người con thành đạt. Trong con mắt tôi, hai con trai ông khá thông minh và ngoan. Các em ấy luôn nhìn tôi với ánh mắt quý trọng, dù những đêm dài, chúng tôi chả vinh quang gì, bợt bạt mồ hôi, ngáp ngủ đỏ mắt…
Ở Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8, Nguyễn Huy Thiệp chỉ vào chị Hà (cán bộ thư viện của Hội, con gái nhà thơ Hoàng Trung Thông, chị của họa sĩ Hoàng Phượng Vỹ - anh Vỹ này rất có duyên trêu tôi mỗi khi gặp), hỏi mấy chị mấy em ở văn phòng Hội: Có phải nhà văn Võ Thị Xuân Hà kia không? Các cô gái văn phòng cười rổn rảng, bảo: Khổ quá, đến giờ vẫn chưa biết mặt, đố anh nhà văn đó đứng ở đâu ngồi ở đâu trong khán phòng đông đúc kia?
Dĩ nhiên tôi nghĩ, chắc do mấy con trai của Nguyễn Huy Thiệp về nhà kể chuyện đi làm thâu đêm với chị nhà văn Xuân Hà khiến ông cứ mãi tìm tôi mà thôi.
Cho đến năm 2017, khi diễn ra Hội nghị Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc (giao lưu các nhà văn Việt Nam trong nước và hải ngoại), thì Nguyễn Huy Thiệp đã có thể định hình gương mặt tôi. Tôi nói vậy là vì tôi và ông ngồi gần nhau. Tôi chào: Em là Xuân Hà đây ạ. Ông không ra gật không ra cười chào lại. Gương mặt ông bấy giờ không biểu cảm, cứ nhạt phèo, gật đầu hay nói năng với mọi người xung quanh có cảm giác như cái hình rơm ngoài ruộng. Ông chán tất cả hay ông đã trút hết sự kỳ linh kỳ diệu của linh hồn và thân xác ông vào những câu chữ mê đắm đầy ma lực?
Nếu muốn biết hơn 50 truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, 3 tập tiểu thuyết và mấy kịch bản, có thể tra mạng. Khắp các giảng đường văn chương, các salon văn học, ngoài quán bia, “quán cóc liêu xiêu một câu thơ”… người ta nhắc và nghiên cứu văn ông, uống ăn và nâng lên đặt xuống văn lẫn con người ông. Nhưng tôi đồ rằng không ai hiểu cho cái giây phút đờ đẫn như hình nộm kia của một tài năng văn chương. Ngồi đó, cười nói đó, mà như linh hồn đang bay tận nơi nào xa thẳm, lạc lõng, chơi vơi, níu kéo cõi thực mà kiêu ngạo không chịu thừa nhận rằng mình đang níu kéo. Phải chăng đấy chính là bi kịch của những tài năng?
Ở văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam số 9 Nguyễn Đình Chiểu Hà Nội, các nhà văn thường nhắc tới Nguyễn Huy Thiệp với một sự đáng tiếc, khi vào thời kỳ rực rỡ nhất của sự nghiệp văn chương, khi bao năm đã trôi qua, Hội đã để tuột không hề trao giải nào xứng đáng cho ông.
Tôi nghĩ văn ông không để trao giải, vì những ý tưởng của các tác phẩm luôn đi ngược tư duy đám đông. Dĩ nhiên đám đông không phải khi nào cũng đúng.
Tôi tin bản thể linh hồn tài năng văn chương ấy vẫn lưu giữ sự thanh khiết, để chọn cho mình thời khắc hạnh phúc mà từ giã cõi sống đầy mê đắm như văn ông.
Tôi cũng tin những linh hồn tài năng sẽ lại tái sinh ở một đời sống khác với một hình hài khác.
Nhưng Nguyễn Huy Thiệp thì chỉ có một, duy nhất.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.