Nguyễn Bính và hội xuân: Người đẹp của hoa và rượu

14/02/2020 06:35 GMT+7

Trong không khí vừa háo hức của con người vừa thiêng liêng hội lễ, thiên hạ đông như kiến cỏ, càng như có thứ men vô hình gây say mê giao duyên.

Qua những tập thơ của Nguyễn Bính in ra trong các năm gần đây, riêng tôi chưa thấy tập nào giới thiệu bài Đêm ba mươi tết. Trong đó có những câu:
Trời đen như mực tối ba mươi
Diễm trốn nhà sang để gặp tôi
Hai đứa tôi ngồi trên nệm rạ
Lặng nghe nồi bánh rộn ràng sôi
Diễm là một cô gái người xóm Đình, thôn Vân, và là hình ảnh chính được Bính gọi là Nhi trong bài thơ Hoa với rượu:
Ngày xưa còn nhỏ Nhi còn đẹp
Huống nữa giờ Nhi đã đến thì
Tháng tháng mươi mười lăm buổi chợ
Cho người thiên hạ phải say Nhi
Từ những năm mười lăm, mười sáu tuổi Diễm đã nổi tiếng đẹp quanh vùng, tóc dài đen, da trắng mịn, môi son luôn luôn với nụ cười xinh, dáng người thon thả, cộng thêm tính tình cởi mở và ăn nói có duyên… Hầu như cánh trai làng đều chết mê chết mệt.
Thời gian ở thôn Vân, Bính thường trò chuyện với Diễm và một vài cô gái khác làng. Các cô thường trồng cải và hái chè, đi chợ giúp cho nhà cậu ruột Bính.
Diễm có một người chị gái tên là L., cũng rất xinh, và trong một dịp hội Phủ Giầy, cô L. bỏ nhà đi không trở về.
Trong những năm đầu thập niên 40, sau khi ở miền Nam ra, tôi có gặp Diễm ở Hà Nội như thơ Bính đã viết:
Lạy giời, trên bước đường lưu lạc
Một buổi chiều nào gặp gió mưa
Gõ cửa nhà ai xin ngủ trọ
Giật mình tôi thấy tiếng Nhi thưa...
Bính rất say Diễm. Cô có người bạn gái cùng làng là S., cũng được người anh họ của Bính rất yêu. Nhưng lúc đó, vì những hủ tục thời cũ, nên các cuộc tình duyên này đều chẳng đi tới đâu. Cô S. lưu lạc tha hương trước năm 1945.
Những kỳ hội Phủ Giầy, cũng là những ngày mà các cô gái như D., S., cùng Bính và bạn bè thường quấn quýt bên nhau nhiều nhất. Trong không khí vừa háo hức của con người, vừa thiêng liêng hội lễ, thiên hạ đông như kiến cỏ, càng như có thứ men vô hình gây say mê giao duyên. Có lần từ tảng sáng đã ra đi, và tối khuya (gà gáy lên chuồng) cũng chưa về. Cả năm mới có mấy ngày hội, gia đình, xóm giềng chả ai trách móc…
Có lần gặp Bính những năm 1938, 1939, tôi hỏi vui:
- Cô Oanh Hà Đông so với cô Nhi thì thế nào?
Nguyễn Bính từ thuở nhỏ đã có cái cười chua chát:
- So mà làm gì? Cứ nguyên hàng trăm câu ở bài Hoa với rượu đã là chứng cớ rõ ràng nhất.

Chị trúc và anh trúc đường

Người ta đọc thơ Bính, thường nhắc tới những bài Gửi chị Trúc, nhưng nói tới chị Trúc thì phải nói tới anh Trúc Đường. Trong bài Tơ trắng tặng Trúc Đường, Nguyễn Bính có những đoạn:
Tơ gạo phương xa tản mạn về
Gió vào đồng lúa chín vàng hoe
Một con diều giấy không ăn gió
Õng ẹo chao mình xuống vệ đê
Trúc Đường là anh ruột Nguyễn Bính, tên thực là Nguyễn Mạnh Phác. Lúc nhỏ học trường huyện (Vụ Bản) sau học trường Thành Chung - Nam Định, thi hai năm không đỗ diplôme, rồi đi dạy học ở Trường tư thục Hà Văn tại Hà Đông. Sau vài năm dạy học, vì nhận lời làm cho báo Ích Hữu, nên thầy giáo Phác thôi dạy ở Trường Hà Văn, và chuyển ra ở Hà Nội. Thời kỳ dạy học, Nguyễn Mạnh Phác đã viết truyện và kịch.
Giữa tháng chạp năm Mão, Trúc Đường và Bính về xóm Trạm, có thêm hai vị khách, một là bạn cùng dạy Trường Hà Văn, còn một người là Lê Văn Trương đang làm chủ bút tờ báo Ích Hữu.
Năm ấy ở xóm Trạm, nhà Trúc Đường và Nguyễn Bính từ chiều hai mươi tháng chạp đã mổ lợn, giã giò chuẩn bị tết. Con lợn mua của nhà hàng xóm với giá 4 đồng bạc Đông Dương (lúc đó một bát phở có 5 xu).
Vừa tiễn ông Táo về trời, và cũng là tiễn nhà văn Lê Văn Trương và thầy giáo Cẩm Trường Hà Văn lên Hà Nội. Nguyễn Mạnh Phác nhận viết thường xuyên một mục cho báo Ích Hữu. Do đó, cũng cần có một cái tên mới. Chả lẽ kịch của Mạnh Phác, truyện khôi hài cũng lại Mạnh Phác? Bính góp ý:
- Chị T. đã thành chị Trúc, thì người yêu của chị Trúc phải là anh Trúc.
Mấy người nghe cũng có lý. Nhưng Anh Trúc hay là Trúc gì? Sau có người nhắc tới chuyện lúc bé, Phác được gọi với cái tên “Cu Đường”. Trước ngày “ở cữ” chừng một tuần, cô Cả Biền về quê ngoại thôn Vân chơi. Được ba bốn ngày gì đó, bỗng một sớm, cô tôi bảo thấy trong người hơi khó ở. Ông bà nội tôi liền giục cô về, và nhờ một “bà mụ” người làng cùng đi bộ với cô tôi về xóm Trạm. Dọc đường, thì giở dạ, cô tôi sinh ra Phác. Ngày xưa có thói quen nhà nào sinh con đầu cháu sớm thường đặt một cái tên xấu xí mà gọi để cho “ma quỷ” nó không chú ý bắt đi… Bởi vậy, bên cạnh tên khai sinh chính là Nguyễn Mạnh Phác, Phác có tên Cu Đường… Vậy thì Trúc Đường, nhà báo Trúc Đường với ý nghĩa chính là Anh Đường, người yêu của chị Trúc.
Dạo ấy trên văn đàn, giới báo chí đã có những cái tên như Trúc Khê, Trúc Đình. Trúc Đường cũng đàng hoàng lịch sự chả kém.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.