Nguyễn An Cư chữa bệnh, đòi tiền thuốc nhà yêu nước Phan Châu Trinh

07/03/2021 09:00 GMT+7

Danh tiếng cha con nhà yêu nước Nguyễn An Khương, Nguyễn An Ninh đến nay vẫn còn được nhiều người nhắc nhớ, với dấu ấn Chiêu Nam Lầu, Cao vọng Thanh niên... Trong gia đình họ Nguyễn An, còn có người chú Nguyễn An Cư cũng nổi danh không kém, nhưng ở lĩnh vực y học.

Trong hồi ký Nguyễn An Ninh “Tôi chỉ làm cơn gió thổi”  của Nguyễn Thị Minh viết về cha mình, tác giả cho biết ông nội, tức nhà yêu nước Nguyễn An Khương sinh năm 1860, còn người chú Nguyễn An Cư sinh năm 1864.

Nổi danh với nghề y, cứu dân Gò Công

Theo hồi ký trên, gia đình họ Nguyễn An có nghề bốc thuốc gia truyền, do đó cả ông Khương, ông Cư đều biết, giỏi về y thuật. Ngay như Nguyễn An Ninh sau này năng hoạt động yêu nước, nhưng cũng biết nối nghiệp nhà, chế biến dầu cù là đi bán để dễ bề hoạt động. Nhưng về nghiệp y, nổi hơn cả là ông Nguyễn An Cư.
Nguyễn An Cư ở tuổi lục tuần được nhà báo Đào Trinh Nhất miêu tả là “vẻ người ốm xương, nhỏ thấp, hai má đã hóp, mái tóc đã bạc, trạng thái của tuổi già, nhưng cặp mắt còn tinh anh, cử chỉ ngôn ngữ rất linh động hoạt bát”.

Dấu đỏ Nguyễn An Cư xác nhận thuốc thật do ông chế biến

Ảnh:T.L

Nhiều giai thoại về cứu chữa bệnh thần diệu của ông còn được truyền lại, mà như lời nhà báo họ Đào thì nào là chữa bệnh lao cho bà điền chủ đã bị bệnh viện trả về, nào chữa bệnh rong kinh cả nửa năm cho phụ nữ chẳng những hết bệnh mà vẫn sinh sản tốt… Không chỉ cứu nhân mạng lẻ tẻ, năm 1927, khi Gò Công bị “bệnh thủng” truyền nhiễm hoành hành, vô số người mất mạng, “không có làng nào chết dưới 100 người”, ông Cư đã chế thuốc rượu tê bại mà cứu được bao người. Ngay cả người Âu cũng nhờ ở thuốc ông cứu chữa…
Trong đời hành nghề y của mình, Nguyễn An Cư đã tạo lập được một sự nghiệp đáng kể. Thuốc của ông bào chế có mặt ở nhiều tỉnh thành. Theo quảng cáo nơi sách Ngoại khoa bí quyết, ta thấy thuốc được bào chế tại Hóc Môn, phân phối ở số 52 đường Aviateur Garros (Sài Gòn), rồi có cả đại lý thuốc ở Sa Đéc, Long Xuyên…

Viết sách thuốc, dịch Tam quốc diễn nghĩa

Không nổi tiếng về hoạt động yêu nước như người anh Nguyễn An Khương và người cháu Nguyễn An Ninh, nhưng Nguyễn An Cư cũng tham gia hoạt động yêu nước đầu thế kỷ 20. Hưởng ứng sự lan tỏa của phong trào Đông Kinh nghĩa thục từ Hà Nội của Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, tại Nam Kỳ, anh em Nguyễn An Khương và Nguyễn An Cư đã tiên phong gia nhập phong trào này. Việc ấy, được Nguyễn Hiến Lê ghi lại trong tác phẩm Đông Kinh nghĩa thục: “Tại Nam, như trong một chương trên tôi đã nói, ba chí sĩ đầu tiên hưởng ứng phong trào Đông Kinh nghĩa thục là các cụ Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư và Nguyễn Thần Hiến”.
Với Nguyễn An Cư, ông là người có tiếng tăm trong lĩnh vực y học dân tộc, nổi danh là danh y. Trong lĩnh vực chuyên môn của mình, Nguyễn An Cư đã viết và xuất bản sách y khoa Ngoại khoa bí quyết (có ghi ngay bìa 1 là “Chép các phương thuốc ngoại khoa thiệt thần hiệu của Cụ Nguyễn An Cư ở Hốc Môn”) in 1938. Năm 1939, Ngoại khoa bí quyết tái bản. Cả hai lần in này đều in tại Nhà in Man Sanh (Sài Gòn), do hai học trò của ông là Kiều Văn Thanh, Nguyễn Văn Ngạn xuất bản.
Việc xuất bản tập sách trên, được tỏ rõ qua phần “Chủ ý của tập sách nhỏ này”, trong đó nêu rõ tác dụng của sách: “Những phương nầy vừa dản [giản] dị vừa linh nghiệm bất cứ ai cũng có thể tự mình chữa hay là chỉ bảo cho những người xóm giềng quen biết mình có thể tự cứu trong lúc nguy cấp mà mời thầy chưa tới, thuốc khác chưa có”. Sách ghi rõ việc giúp người bệnh có thể căn cứ vào đó mà chữa nhiều loại bệnh như tê bại, lỵ, thổ huyết, trúng phong… với các thang thuốc được kê rõ ràng, rành mạch cùng công dụng của nó.

Cuốn Nhì và cuốn 31 bộ Tam quốc diễn nghĩa do Nguyễn An Cư dịch, lần in thứ ba năm 1928

Ảnh; T.L

Dạo đầu thế kỷ 20, phong trào dịch, đăng báo hoặc xuất bản thành sách các tác phẩm kinh điển của Tàu rầm rộ. Nếu như ông Nguyễn An Khương dịch, xuất bản Phấn trang lầu diễn nghĩa năm 1928, thì Nguyễn An Cư dịch một trong “Tứ đại danh tác” của Trung Hoa, ấy là bộ sách nổi tiếng Tam quốc diễn nghĩa. Bộ Tam quốc diễn nghĩa được in đi in lại nhiều lần trong thời gian ngắn. Trong phần “Tựa” của bộ này, dịch giả đã diễn thơ cho độc giả về cái hay của bộ truyện, với lời mở:
Truyện Tam quốc trực trần thiệt sự.
Coi với trong Chánh sữ [sử] không sai.
Đả [đã] lầm trong trang quỉ quyệt trí tài.
Lại nhiều kế tâm hoài nghĩa khí.
Lần in thứ ba năm 1928 của Tam quốc diễn nghĩa được thực hiện tại Nhà in Xưa Nay của Nguyễn Háo Vĩnh, do Tín Đức thư xã thực hiện, trọn bộ 31 cuốn (cuốn Nhứt do Nguyễn Liên Phong dịch). Lần in thứ tư cũng được thực hiện trong năm này bởi Tín Đức thư xã.

Bốc thuốc và đòi tiền cụ Phan

Khi nhà yêu nước Phan Châu Trinh từ Pháp được Nguyễn An Ninh đưa về Sài Gòn tháng 6 năm 1925, cụ tuổi cao sức yếu bị ốm. Hồi ký Cùng anh đi suốt cuộc đời của bà Trương Thị Sáu (vợ Nguyễn An Ninh) cho biết cụ Phan lúc ấy bị bệnh lao. Nguyễn An Ninh đưa cụ về nhà mình ở Trung Chánh, Hóc Môn để chăm sóc, thuốc thang. Người xem bệnh và bốc thuốc cho cụ chính là Nguyễn An Cư.
Có việc khá bi hài ở đây là, Nguyễn An Ninh là người đích thân rước cụ Phan từ Pháp về nước để hoạt động, còn người chú Nguyễn An Cư thăm bệnh, bốc thuốc chữa cho cụ Phan, có lẽ theo thói quen chữa bệnh cho bệnh nhân nên vẫn lời bà Sáu trong hồi ký ghi: “Lúc ra về, chú Cư đòi tiền khám bịnh cụ Phan. Cha chồng tôi thấy vậy tức giận mắng chú Cư là thất đức, há lại không biết cụ Phan suốt đời vì nước vì dân, phải chịu tù đày thiếu thốn. Hai anh em cãi nhau, cha tôi đuổi chú tôi ra khỏi nhà và cấm không cho đến nữa. Tuy vậy chú tôi vẫn tiếp tục chữa trị cho cụ Phan”.
Nói thêm về dạo chữa bệnh cho cụ Phan, trong hồi ký Nguyễn An Ninh “Tôi chỉ làm cơn gió thổi” cho biết thêm thông tin. Theo đó bệnh của cụ Phan lúc ấy là bệnh nan y, đã vào giai đoạn cuối. Thuốc Nguyễn An Cư bốc cho cụ lúc ấy, chủ yếu để bồi bổ cơ thể không bị suy sụp nhanh. Nhờ có thuốc của ông Cư, cộng thêm đó là sự chăm sóc của bà Sáu, vợ nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nên “Cụ dần dần bình phục, da dẻ hồng hào, đi lại nhanh nhẹn”.
Về sự việc này, Đào Trinh Nhất trong bài “Nói chuyện với một nhà có tài cứu tử hồi sanh” trên báo Mai cho biết chính cụ Phan Châu Trinh đã tỏ lời khen ngợi, quý trọng tài trị bệnh của ông Nguyễn An Cư trong cuộc gặp với cụ Nguyễn Sinh Huy (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Đến như nhà báo Phan Khôi chẳng dễ khen ai, mà cũng có hai bài để tặng ông Nguyễn An Cư. Tài chữa bệnh của Nguyễn An Cư, được học trò của ông là Kiều Văn Thanh, Nguyễn Văn Ngạn ngợi ca là “Nguyễn An Cư tiên sanh, thầy học của chúng tôi chính là một bực danh y nước nhà hiện thời, trải ba chục năm tu luyện đạo y, lịch duyệt các bịnh đã phát hiến rất nhiều phương hay và cứu vớt được bao nhiêu bịnh nhơn trong cơn nhứt sanh vạn tử”.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.