Nguồn cảm hứng bất tận từ tranh Hàng Trống

10/11/2018 15:31 GMT+7

Ngày 10.11, nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nhà sưu tập Thanh Uy và nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang đã giao lưu với người yêu nghệ thuật dân gian về tranh Hàng Trống tại Trung tâm nghệ thuật đương đại - The Factory Contemporary Arts Centre (Q.2, TP.HCM).

Buổi trò chuyện xoay quanh việc gìn giữ các giá trị văn hóa dân gian qua việc truyền đạt thực hành, sưu tập tác phẩm cũng như nghiên cứu và đưa tranh Hàng Trống vào cuộc sống hiện đại. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, nhà sưu tập Thanh Uy và nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang đã đưa ra những góc nhìn mới mẻ về việc gìn giữ, bảo tồn văn hoá dân gian Việt Nam.
Kể về kỷ niệm quá trình vẽ tranh Hàng Trống, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: “Trong những năm chiến tranh không dễ gì kiếm được đủ màu để vẽ tranh Hàng Trống. Tôi có một kỷ niệm là để vẽ được màu cam tôi đã ra hàng thuốc mua thuốc đỏ để làm nguyên liệu và nhờ đó mà gia đình tôi mới có thể giao hàng đúng hẹn. Cuộc sống bây giờ phát triển nên màu sắc cũng dễ dàng tìm kiếm hơn ngày xưa!”. Không chỉ chia sẻ về nghề mà nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn dành thời gian để biểu diễn cách vẽ tranh để mọi người thưởng thức. 
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên đang vẽ tranh tại sự kiện. Ảnh: Diễm Thư

Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian khắc gỗ ra đời từ khoảng thế kỷ 17 gắn liền với địa danh: phường Hàng Trống, Hà Nội.  

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên, con trai nghệ nhân Lê Đình Liệu là người cuối cùng còn lại giữ hồn cho tranh Hàng Trống.


Chủ đề trên tranh Hàng Trống rất đa dạng như chúc tụng, giáo huấn, tín ngưỡng, điển tích, giải trí... Trong đó nổi bậc nhất là các tranh tết như: Công-Cá, Tam Đa-Thất Đồng, bộ Tố Nữ, bộ Tứ Quí; các tranh thờ như: bộ Ngũ Hổ, Tam Phủ, Tứ Phủ, Mẫu Thượng Ngàn; một số bộ tranh minh họa truyện như: Bộ Kiều, Nhị Độ Mai, Sơn Hậu, Tam Quốc... Các nghệ nhân làm tranh Hàng Trống chỉ dùng bản khắc nét (ván khắc nét được làm bằng gỗ mềm, lồng mực hoặc gỗ thị) và công đoạn vẽ màu hoàn toàn được nghệ nhân trực tiếp vẽ tay sau khi in bản nét. 
Người yêu nghệ thuật đang ngắm một tác phẩm tranh Hàng Trống. Ảnh: Diễm Thư

Trước thắc mắc của người yêu nghệ thuật tại TP.HCM: “Tranh dân gian cũng là một loại hình nghệ thuật, và đã là nghệ thuật thì phải có sự sáng tạo. Vậy sự sáng tạo của tranh Hàng Trống được thể hiện ở đâu?”. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên cho biết: “Tranh Hàng Trống đã trở thành một biểu tượng quen thuộc với mọi người. Tôi cũng từng suy nghĩ đến chuyện sáng tạo và cũng có những sáng tác mới nhưng thật sự để đưa các sáng tác mới vào thực tế thì rất khó. Người ta không quen với những tác phẩm mới khi những bức tranh cũ đã trở thành một biểu tượng. Ông cha ta đã quá giỏi khi sáng tạo nên những bức tranh dân gian này”. 
Người yêu nghệ thuật dân gian có thể thưởng lãm tranh Hàng Trống đến ngày 18.11. Ảnh: Diễm Thư

Khi nói về việc lưu trữ và bảo tồn văn hoá truyền thống nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng, nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang chia sẻ: “Nghệ nhân ở làng nghề không có thói quen lưu trữ bằng văn bản. Họ xem đó như một nghề để gia đình kiếm sống, với tính chất cha truyền con nối. Khi nghề không còn hiểu quả kinh tế thì con cháu sẽ bỏ nghề, hoặc nếu các cụ - nghệ nhân mất đi thì không còn ai biết làm nghề. Ví dụ như gần đây khi tôi đến làng nghề làm quạt giấy làng Vác (Hà Tây) và có gặp gỡ một nghệ nhân giỏi nghề, nhưng đến tuần sau tôi trở lại làng thì hay tin người nghệ nhân đó đã mất và mang theo tất cả kinh nghiệm lẫn bí quyết. Tôi hi vọng những người nghệ nhân và những người nghiên cứu có thể góp một phần nhỏ để cùng nhau lưu giữ nền văn hoá dân gian”. 
Tranh Hàng Trống đang cần lưu trữ và bảo tồn. Ảnh: Diễm Thư

Tại sự kiện này còn có một workshop cho người tham dự lựa chọn màu sắc, họa tiết từ tranh Hàng Trống để tạo thành các họa tiết trang trí trên sỏi, do nhóm Họa Sắc Việt hướng dẫn. Sự kiện này do The Factory Contemporary Arts Centre cùng Khơi nguồn cảm hứng - Inspiration tổ chức. Người yêu nghệ thuật dân gian có thể thưởng lãm tranh Hàng Trống tại The Factory Contemporary Arts Centre (Q.2, TP.HCM) từ bây giờ đến 15 giờ ngày 18.11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.