Người trẻ viết về chiến tranh

Ngọc An
Ngọc An
30/08/2019 06:24 GMT+7

Tiếp nối thế hệ nhà văn là những người lính, hay những người đi qua chiến tranh, đã có những cây bút mang đến cho văn học chiến tranh cái nhìn của thế hệ họ - những người sinh sau thời chiến.

Người trẻ viết về chiến tranh

Ảnh bìa tác phẩm Xác phàm của Nguyễn Đình Tú, Mộ phần tuổi trẻ của Huỳnh Trọng Khang và Đỉnh khói của Nguyễn Thị Kim Hòa

Ảnh: T.L

Theo nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, văn học chiến tranh đã có khoảng một thập niên bị đứt gãy, từ năm 1995 - 2005, và trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây.
Trong số những cây bút đương đại viết về chiến tranh, không thể không nhắc đến sự xuất hiện của nhiều nhà văn sinh sau chiến tranh thuộc thế hệ 7X, 8X, 9X với những tác phẩm chủ yếu thuộc thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết được chú ý như Nguyễn Đình Tú (Xác phàm), Phong Điệp (Chuyến đêm), Đoàn Dũng (Âm thanh của ký ức), Hồ Kiên Giang (Trên núi Tưk - cot), Trịnh Sơn (Sóng gió Ô Cấp, Những bóng người trên đất), Nguyễn Thị Kim Hòa (Đỉnh khói, Giấc mơ đá vỡ), Nguyệt Chu (Gió tháng chạp), Đinh Phương (Đợi đến lượt), Huỳnh Trọng Khang (Mộ phần tuổi trẻ, Những vọng âm nằm ngủ)…

Bình tĩnh, khách quan hơn khi nhìn về chiến tranh

“Chiến tranh là một đề tài lớn, bởi vậy, đề tài này đã, đang sẽ vẫn tiếp tục thu hút nhiều thế hệ người viết. Có hai kiểu, những người đi qua chiến tranh thường viết về sự trải nghiệm thực tế của cuộc đời họ, còn những người chưa từng đi qua cuộc chiến nào sẽ viết từ những sự nghe, đọc, tìm hiểu, nghiên cứu”, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói. Ông cho rằng với những người viết trẻ, do có độ lùi của lịch sử nên họ dễ có cách nhìn bình tĩnh và khách quan hơn về chiến tranh. “Khách quan ở đây là sẽ nhìn được rõ những khốc liệt, dữ dội, được - mất, bên này - bên kia của chiến tranh”. Theo nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm, cũng nhờ khoảng cách thời gian và cách nhìn lịch sử gián tiếp mà những nhà văn trẻ tự do hơn trong cách “hình dung, tưởng tượng và trình bày về cuộc chiến”.

Cần ghi nhận họ ở những điều đã làm được và ngay cả việc có tác giả đã viết về đề tài chiến tranh khi họ mới hơn 20 tuổi

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận, tác phẩm viết về chiến tranh của các tác giả trẻ chủ yếu phô bày những đau thương khốc liệt của chiến tranh, cảnh báo cho con người đừng gây ra chiến tranh, hướng đến hòa bình. Nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm cho rằng chiến tranh thường chỉ là nguyên cớ, gợi dẫn, ký ức cho những câu chuyện khác trong tác phẩm của họ. Bên cạnh những khốc liệt của chiến tranh từ điểm nhìn của mình, các cây viết trẻ còn xoáy vào nhiều khía cạnh khuất lấp, diễn biến sau cuộc chiến nhưng bắt nguồn từ cuộc chiến, rõ nhất là những câu chuyện, thân phận bi kịch thời hậu chiến. Theo ông Phạm Xuân Nguyên, hầu hết các nhà văn trẻ dựng lên không gian hư cấu, nhân vật hư cấu, nhưng cũng để trả lời cho câu hỏi lý giải cuộc chiến có thật vừa qua, đồng thời đặt ra vấn đề con người trong cuộc chiến ấy. “Nhiều người đã đi qua chiến tranh thường lựa chọn viết dưới dạng tự truyện, hồi ký, còn tác giả chưa từng đi qua cuộc chiến thường chọn viết về chiến tranh nhưng không chỉ là chiến tranh mà viết về thân phận con người trong chiến tranh. Đây là hướng viết của nhiều nhà văn trẻ trong nước và cũng là hướng viết của văn chương trên thế giới hiện nay”, ông Nguyên nhìn nhận.

Cần vượt qua bóng “tượng đài”

Theo nhìn nhận của nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm, số lượng nhà văn trẻ (theo các tiêu chí của Hội Nhà văn đưa ra năm 2016) viết về chiến tranh chưa có nhiều. Những cái tên vẫn được nhắc đến như những người đã tạo được dòng chảy riêng như Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đoàn Dũng, Hồ Kiên Giang… thuộc lứa nhà văn đã bước sang tuổi 40 hoặc hơn. Tuy nhiên, có thể du di xếp họ vào lực lượng này, bởi họ viết những tác phẩm về chiến tranh khi tuổi đang còn trẻ. Thế hệ kế tiếp có thể nhắc đến những cái tên như Nguyễn Thị Kim Hòa, Trịnh Sơn, Đinh Phương, Nguyệt Chu, Trần Thị Tú Ngọc, Võ Thu Hương, Minh Moon, Huỳnh Trọng Khang…
Không chỉ ít về số lượng, hiện cũng chưa có nhiều cây viết trẻ có thể kiến tạo được con đường đi riêng. Họ còn bị quá ảnh hưởng bởi các “tượng đài” văn học thời chiến trước đó. “Các nhà văn trẻ cần nỗ lực để thoát ra khỏi những cái bóng “tượng đài” cũng như thoát khỏi ám ảnh của những tác phẩm đã đóng đinh vào lịch sử văn học thời chiến. Muốn như vậy, họ phải vượt qua chính mình”, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tâm nhìn nhận.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng dễ hiểu vì sao những cây bút trẻ viết về chiến tranh không có nhiều. “Viết về chiến tranh luôn luôn khó và thách thức”, ông Nguyên nói. Theo ông, khi chiến tranh đã lùi xa, viết về chiến tranh chắc chắn sẽ phải dày công nghiên cứu hơn, nếu không sẽ rất dễ ngô nghê, hay xảy ra sai sót. “Chẳng hạn, muốn viết về một trận đánh, dù có dựng trận đánh đó trong thế giới hư cấu thì người viết cũng cần phải đi từ cái thực. Họ cần phải nghiên cứu, tìm hiểu về các thuật ngữ quân sự, phiên chế quân đội, cấp bậc trong quân đội…”. “Mặc dù có những hạn chế, trở ngại nhưng các tác giả trẻ đã có ít nhiều đóng góp vào dòng văn học chiến tranh. Cần ghi nhận họ ở những điều đã làm được và ngay cả việc có tác giả đã viết về đề tài chiến tranh khi họ mới hơn 20 tuổi”, ông Nguyên nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.