Người trẻ kể chuyện xã hội bằng âm nhạc

Nguyên Vân
Nguyên Vân
04/04/2018 06:24 GMT+7

Trong tập 5 của chương trình Sing My Song - Bài hát hay nhất (lên sóng tối chủ nhật vừa qua), lần đầu tiên 'nỗi niềm' của phạm nhân trong 4 bức tường lạnh lẽo nơi nhà lao được cất lên, qua ca khúc mới toanh của Đinh Tuấn Anh: Sao tôi vào đây .

Không gian u tối, đầy ám ảnh được thể hiện qua ca từ gai góc cùng chất rock mạnh mẽ, lời rap tê tái cùng giọng hát giằng xé của chàng trai 23 tuổi khiến bài hát gây xúc động mạnh, khiến nhiều khán giả tại trường quay “nổi da gà”. Nếu nhạc sĩ Đức Trí cất lời khen rằng ở độ tuổi như Tuấn Anh mà dám dấn thân vào thể loại âm nhạc không hề dễ nghe, thì nhạc sĩ Lê Minh Sơn thích thú với cách đặt vấn đề lẫn chất liệu âm nhạc của bài hát.
Ở đêm thi trước, Đinh Tuấn Anh cũng đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả qua ca khúc Bão, chia sẻ những mất mát và nỗi đau của người ở lại khi cơn bão đi qua. Tuấn Anh cho biết cảm xúc bật thành lời hát sau khi cùng em gái xem video về cơn bão Damrey tràn vào Khánh Hòa. Không chỉ đánh giá cao về tư duy âm nhạc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng Tuấn Anh biết cách đẩy cảm xúc của người nghe lên cao trào, đặc biệt khi dẫn vào phần rap, với dồn dập những câu hỏi “đau điếng lòng”… Nhạc sĩ Lê Minh Sơn nhận định: “Không chỉ một bài Bão mà sẽ là cơn bão mang tên Đinh Tuấn Anh, tất nhiên phải đi đúng với chính những gì của bạn”.
“Dấn thân” ở những đề tài khó hơn, ngoài tình yêu
Cũng tại sân chơi dành cho người sáng tác - Sing My Song năm nay, nhiều ca khúc về các vấn đề xã hội đã được giới thiệu và được các nhạc sĩ trong đội ngũ huấn luyện đánh giá cao, đồng thời thu hút lượt nghe nhiều trên YouTube. Đó là Hương sắc trời (Lê Minh Phương) viết về những cô gái “bán hoa” mà xót xa hơn, họ thực chất là những người đàn ông chuyển giới; là Ngôi nhà vắng tênh (Hoàng Thống) đề cập nạn bạo lực gia đình cùng nỗi ám ảnh của những con người khiếp sợ chính mái nhà của mình; hay Ông kẹ (Trương Phước Lộc) nói đến nạn xâm hại trẻ em. Không chỉ vậy, những khía cạnh khác trong đời sống, những tâm tư của giới trẻ cũng được phản ánh một cách trào phúng. Trong đó, nổi bật nhất có thể kể đến ca khúc Người yêu tôi không có gì để mặc của Lộn Xộn Band, với giai điệu cực kỳ bắt tai và phần lời rap rất thú vị khiến người nghe khoái chí: “Lên Hồ Gươm thì phải mặc bộ khác, mạn Hồ Tây phải mặc concept này, đôi giày đi qua Bà Triệu - Phố Huế phải khác với đôi em đi qua Cầu Giấy”.
Ngoài sân khấu Sing My Song, nhiều ca khúc về các đề tài xã hội cũng được các nhạc sĩ, ca sĩ giới thiệu dưới hình thức MV được đầu tư và tạo hiệu ứng lan tỏa mạnh. Ca sĩ Phương Thanh làm hẳn phim ca nhạc ngắn cho ca khúc Buông tay đi (Dương Khắc Linh), lên án nạn bạo hành gia đình; nhạc sĩ Dương Cầm thực hiện MV Lũ đêm với tiếng hát Đông Hùng để chia sẻ với nỗi đau và mất mát của đồng bào miền Trung sau thiên tai…
Tác giả Lê Thiện Hiếu (được biết đến với bài Ông bà anh tại Sing My Song mùa đầu tiên) nhìn nhận: “Có lẽ khi tình yêu được khai thác quá nhiều, những nghệ sĩ trẻ muốn thử sức mình ở những đề tài khó hơn. Đặt trọng trách của người nghệ sĩ ở một vị trí khó khăn hơn thì các bạn tự khắc sẽ lấy cảm hứng từ cuộc sống hằng ngày để làm chất liệu”.
Ở góc độ khác, nhạc sĩ Minh Khang (tác giả ca khúc Đứa bé từng gây sốt các trang nghe nhạc trong nước và được dịch ra tiếng Anh, Pháp) cho rằng: “Một phần giá trị của âm nhạc là đánh thức lương tâm, cho người nghe suy ngẫm: mình đã làm tốt chưa, đã sống tốt chưa... Người sáng tác, nhất là các bạn trẻ, với lợi thế trong việc cập nhật các thể loại âm nhạc lẫn chất liệu từ cuộc sống, bên cạnh ca khúc tình yêu, niềm lạc quan, cũng cần thể hiện trách nhiệm của mình qua các tác phẩm âm nhạc mang đề tài xã hội”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.