Người 'thổi hồn' cho tiền Việt

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/09/2019 05:49 GMT+7

Có 10 năm làm thiết kế mẫu tiền tại Ngân hàng Nhà nước VN, tiến sĩ - họa sĩ Hồ Trọng Minh (giảng viên Trường đại học Mỹ thuật VN) đã cùng các cộng sự 'thổi hồn' cho đồng tiền VN .

PV Báo Thanh Niên đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh các mẫu tiền ông đã tham gia thiết kế.

Kể về làng Sen trên tờ tiền 500.000 đồng

Ông Hồ Trọng Minh (hội viên Hội Mỹ thuật VN) đang sinh sống tại Hà Nội, là tiến sĩ nghệ thuật tại Viện Văn hóa nghệ thuật VN. Từ 1995 - 2005, ông làm thiết kế mẫu tiền tại Ngân hàng Nhà nước VN. Hiện ông giảng dạy tại Trường ĐH Mỹ thuật VN; là chuyên gia trong lĩnh vực tư vấn xây dựng thương hiệu và thiết kế nhận diện thương hiệu cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu khoa học về mỹ thuật được công bố trên các tạp chí chuyên ngành và tham luận tại các hội thảo quốc gia và quốc tế.
Được biết ông có 10 năm làm công việc thiết kế mẫu tiền tại Ngân hàng Nhà nước VN và tham gia vẽ hình ảnh trên nhiều tờ tiền, được coi là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc. Xin ông cho biết mình đã “vẽ ra tiền” như thế nào?
Tôi là người thiết kế tiền, nên tôi yêu quý tiền lắm (cười). Khi nhận nhiệm vụ thiết kế mặt sau tờ tiền 500.000 đồng, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất trong hệ thống tiền polymer hiện nay của nước ta, tôi đã suy nghĩ về chủ đề và hình tượng. Dựa trên phong cảnh thực tại làng Sen để tượng trưng cho quê hương VN, tôi lựa chọn 7 hình tượng được sử dụng trong mặt sau tờ 500.000 đồng là: ngôi nhà, lũy tre, hàng cau, cái võng, ngọn đèn dầu, khung cửi dệt vải và hoa sen. Tất cả đều liên quan tới tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Hồ Trọng Minh trên đảo Trường Sa năm 2019

Khi tôi bảo vệ luận án về “Mỹ thuật trên tiền giấy VN giai đoạn 1946 - 2006”, có nhiều người hỏi tôi lý do sử dụng các hình tượng ấy, tôi cho rằng khi làm nghề thiết kế tiền, lại được giao thiết kế tờ tiền có mệnh giá lớn nhất này, tờ tiền cần truyền tải một thông điệp ý nghĩa để mọi người cùng thấy yêu quý nó.
Ông có thể chia sẻ thông điệp của 7 hình tượng đó là gì?
Trung tâm của không gian là ngôi nhà tại quê nội Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Sen, đây cũng là hình ảnh tượng trưng cho làng quê VN. Hình tượng lũy tre mạnh mẽ dạt dào phía sau ngôi nhà, tượng trưng cho người cha. Khi về Hà Nội, tôi vẽ lại chi tiết từ hàng tre ở Lăng Bác. Tôi muốn có hình ảnh hàng tre rì rào ôm ấp quanh Lăng xuất hiện trên tờ tiền. Tôi cũng chọn hình tượng hàng cau, nó vừa có trong phong cảnh thật, vừa tượng trưng cho người mẹ gầy gò, tần tảo sớm hôm. Để vẽ hàng cau này, tôi đã về quê ngoại Bác Hồ nơi có hàng cau ở phía trước, mong thể hiện nó thật đẹp và ý nghĩa.
Trong ngôi nhà của Bác, có ngọn đèn nhỏ, tôi thể hiện bằng các vòng tròn đồng tâm, tượng trưng cho ánh sáng và hình ảnh này cũng là biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Việt. Bên cạnh đó, hình tượng cái võng được thể hiện bởi các ô màu hình quả trám. Tôi chọn chiếc võng tượng trưng cho việc hình thành tâm hồn con người. Cái võng trong nhà Bác là nơi bà Hoàng Thị Loan đã vừa làm việc, vừa ru Người trong những đêm hè oi ả. Trong không gian đó, còn có hình tượng khung cửi dệt vải mà mẹ của Bác hằng đêm cặm cụi vừa dệt vải vừa ru con, được thể hiện bằng các hoa văn chìm. Hình tượng này biểu trưng cho tinh thần lao động. Và nổi bật nhất là hình ảnh hoa sen được thể hiện ở chi tiết như: cửa sổ hình hoa sen, hoa văn trang trí hoa sen, in chìm hoa sen... nhằm thể hiện vẻ đẹp tinh thần của dân tộc VN.

Hồn dân tộc trong những biểu tượng

Ông có thể cho biết đã tham gia thiết kế bao nhiêu tờ tiền, những thông điệp trên đó là gì?
Tôi may mắn được tham gia thiết kế mặt sau tờ 500.000 đồng và cả hai mặt tờ 10.000 đồng, ngoài ra có tham gia vài sản phẩm khác. Người ta hay gọi số 10 là con số tròn trịa nhất. Thật may cho tôi lại được thiết kế tờ 10.000 đồng. Khi nhận nhiệm vụ thiết kế tờ tiền này với chủ đề khai thác dầu khí trên biển, tôi đã có ý tưởng về sóng nước, biển cả. Một ý tưởng về Lạc Long Quân mang 50 con xuống biển, mẹ Âu Cơ mang 50 con lên rừng để xây dựng đất nước đã hình thành. Tôi mong muốn thể hiện được sự thống nhất dưới biển trên rừng, và nhất là thể hiện được sự quan tâm che chở của mẹ Âu Cơ từ rừng xanh tới các con dưới biển.
Người

Ý nghĩa của các biểu tượng trên mặt sau tờ tiền 500.000 đồng do ông Hồ Trọng Minh thiết kế

Vậy ông đã thể hiện ý tưởng đó như thế nào?
Tại mặt trước, trong cụm ảnh ẩn, tôi đã lồng chữ VN in hoa với hình hoa văn sóng nước với ý tưởng VN không chỉ là quốc gia biển, mà còn thể hiện gốc tích người Việt ta là con Lạc - cháu Rồng, giỏi sông nước, vượt sóng dữ. Toàn bộ nền trang trí mặt trước là các hình ảnh hoa văn dân tộc ở Tây nguyên và vùng núi phía bắc được khai thác thể hiện cùng các biến thể của hoa văn sóng, với ý tưởng gợi nhớ rừng vàng - biển bạc hay xa xôi hơn là tưởng nhớ cội nguồn cha Rồng - mẹ Tiên...
Tại mặt sau, hình ảnh con tàu rẽ sóng được cách điệu thành dải màu đậm bên dưới, như thể hiện ý chí vượt sóng gió ra khơi cùng các hoa văn nền với nhịp điệu sóng nước. Trung tâm mặt sau là hình ảnh giàn khoan Bạch Hổ, một trong những giàn khoan nổi tiếng và cung cấp nhiều sản lượng cho nước ta. Tôi không muốn tả thực giàn khoan hay cảnh khai thác dầu, mà muốn thể hiện ước vọng vươn xa, vượt qua muôn trùng sóng gió của dân tộc VN. Vì vậy, tôi vẽ đường chân trời cong với mặt trời rọi sáng ở đằng xa như thể hiện tầm nhìn và ước vọng xa hơn, và tôi thêm vào nơi chân trời đó một giàn khoan nữa. Các giàn khoan đứng sừng sững, phần sóng nước không phẳng lặng mà cồn cào và được tách hẳn thành màu xanh, như những thử thách gian lao mà dân tộc ta luôn phải đối mặt suốt 4.000 năm với bao máu xương. Và mẹ Âu Cơ vẫn dõi theo từng bước chân của những người con đi theo cha xuống biển để xây dựng đất nước qua hình tượng chim phượng được đặt phía trên các giàn khoan...
Được biết ông đã dày công nghiên cứu về mỹ thuật trên tiền giấy VN và sẽ ra mắt cuốn sách về nghệ thuật trên tiền giấy VN. Ông có thể chia sẻ những nghiên cứu của mình?
VN có nhiều họa sĩ giỏi, là “cây đa cây đề” trong lĩnh vực này; tôi thuộc diện họa sĩ trẻ, còn bé nhỏ trong công cuộc “vẽ tiền” và nghiên cứu về tiền. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình để mọi người hiểu hơn về giá trị tiền VN, để yêu quý, trân trọng và bảo vệ giá trị VN; đồng thời quảng bá với du khách, bạn bè năm châu về vẻ đẹp của đất nước ta.
Khi nghiên cứu về tiền, tôi cũng mới nhận ra điểm khác biệt của chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy VN như: chân dung Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất trên tiền VN; các nước khác có thể dùng nhiều chân dung cho tiền của quốc gia mình. Chân dung Hồ Chí Minh thường thể hiện nhìn thẳng (các nước khác thường nghiêng 3/4); góc nhìn chính diện, mang phong cách riêng, đặc trưng của văn hóa VN vì góc nhìn này cho cảm nhận nghiêm trang, thành kính. Đặc biệt, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được đặt ở vị trí bên cạnh - cách đặt này nhằm tránh việc nếp gấp đôi tờ bạc vào chính giữa chân dung. Đồng thời trong quá trình nghiên cứu, tôi cũng cảm nhận sâu sắc về công sức của Nhà nước và của những hoạ sĩ đã thầm lặng làm và truyền dạy cho người trẻ chúng tôi về cách vẽ tiền. Tôi vô cùng biết ơn những bậc thầy ấy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.