Người thầm thĩ không dứt với dòng sông

20/06/2021 06:32 GMT+7

Ngày 20.6.2021 là kỷ niệm đúng 100 năm ngày sinh của nhà thơ lớn Tế Hanh - một niềm tự hào không chỉ của quê hương Quảng Ngãi, mà còn của cả Việt Nam.

Bắt đầu bằng tình yêu thương

Tế Hanh là nhà thơ thuần chất Việt, thậm chí, thuần chất quê Quảng Ngãi. Ông đã đi tới tận cùng sự mộc mạc hồn nhiên, đi tới tận cùng của tình yêu thương. Nếu ai hỏi thế nào là bí quyết thành công của một nhà thơ, thì bí quyết của thơ Tế Hanh là tình yêu thương và xúc cảm dâng trào. Và một cách nói, cách viết tương xứng với hai phẩm chất đó.

Nhà thơ Tế Hanh

ẢNH: TƯ LIỆU

       
Năm 1997, cùng đoàn làm phim chân dung Tế Hanh của nhà thơ - đạo diễn Nguyễn Thụy Kha, chúng tôi đã theo Tế Hanh về quê Bình Dương của ông: “Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới/Nước bao vây cách biển nửa ngày sông”. Hai câu thơ đã nói lên hết cái “lý lịch” của làng Đông Yên quê Tế Hanh. Trong lần về quê ấy, cũng nhờ yêu cầu của đạo diễn mà chúng tôi được cùng Tế Hanh đi thuyền trên dòng sông Trà Bồng đoạn chảy qua Bình Dương quê ông. Dạo ấy vẫn còn những chiếc cầu tre bắc ngang sông, và tôi ít thấy một dòng sông nào nước xanh trong đến thế! Chúng tôi như mê đi trong cái mát mẻ của dòng sông, của những “Bờ tre ríu rít tiếng chim kêu”, của những “Mặt nước chập chờn con cá nhảy”...
Phải có dòng sông Trà Bồng chảy qua làng quê Đông Yên thì mới có Tế Hanh. Nhưng phải có Tế Hanh thì dòng sông Trà Bồng mới được người cả nước biết và yêu thương đến như vậy, sau khi đọc bài thơ Nhớ con sông quê hương. Thơ không chỉ làm đẹp cho dòng sông vốn đã rất đẹp, thơ còn găm dòng sông vào xúc cảm, vào trí nhớ của mọi người, khiến dòng sông ấy lung linh không thôi từ thế hệ này tới thế hệ khác của người Việt. Cùng với dòng sông, đó là bài thơ bất tử. Ra đi từ dòng sông và trở về với dòng sông, thơ Tế Hanh là cuộc chuyện trò thầm thĩ không dứt với con sông thân yêu của đời mình.
Nói thật, viết về Tế Hanh tôi có thể viết mãi không chán. Không hẳn vì tôi là đồng hương Quảng Ngãi với ông, mà vì thơ ông, đôi khi chỉ là một bài thơ ngắn, nhưng có thể đọc mãi không dứt, đơn giản, vì lúc ấy ta đang đọc tâm hồn ông, giản dị mà mông lung, mong manh mà cao đẹp, tưởng có thể nắm bắt được ngay, nhưng rồi như tìm trăng đáy nước. Đây là một bài thơ ngắn như vậy:
Hà Nội vắng em
“Thế là Hà Nội vắng em
Anh theo các phố đi tìm ngày qua
Phố này ở cạnh vườn hoa
Nhớ khi đón gió, quen mà chưa thân
Phố này đêm ấy có trăng
Cùng đi một quãng nói bằng lặng im
Phố này anh đến tìm em
Người qua lại tưởng anh tìm bóng cây
Anh theo các phố đó đây
Thêm yêu Hà Nội vắng đầy cả em”
Bài thơ này quá giản dị, nhưng ta không thể hiểu vì sao tác giả lại viết được như thế, nó “đuổi hình bắt bóng”, nó lơ thơ lẩn thẩn một cách kỳ lạ, mà chỉ một người tuyệt đối thi sĩ mới có thể viết được. Thơ tỏ mà không tường, là vậy. Có lẽ, thơ ấy bắt đầu từ tình yêu thương, nó chân thành tuyệt đối, và hồn nhiên vô kể. Nó nhẹ nhàng thoát ra khỏi vô thức nhà thơ, như vầng trăng ra khỏi đám mây, nhưng khi ta vừa kịp thấy thì vầng trăng ấy lại nhẹ nhàng khuất vào một đám mây khác.

“Mình thích thơ hiện đại lắm, nhưng...”

Thời Tế Hanh chưa đau mắt nặng, ông rất mê đọc sách. Ông là một trong những nhà thơ Việt Nam đọc thơ Tây nhiều nhất. Vậy mà giọng thơ Tế Hanh vẫn rất mộc mạc, thật hồn nhiên. Và với ông, kỹ thuật thơ, dù là kỹ thuật tân kỳ, vẫn không khiến ông quan tâm bằng chính cảm xúc và sự hồn nhiên, đôn hậu.
Trần từ đường (nhà thờ họ của nhà thơ Tế Hanh) Ảnh: Hoàng Lan Quyên

Trần từ đường (nhà thờ họ của nhà thơ Tế Hanh)

Ảnh: Hoàng Lan Quyên

Có lần, cách đây hơn mấy chục năm rồi, trong dịp về thăm Quy Nhơn, ông nói với tôi: “Mình thích thơ hiện đại phương Tây, nhất là thơ hiện đại Pháp”. Tôi hỏi ông thích ai trong số những nhà thơ Pháp hiện đại, Tế Hanh nói: “Mình thích Aragon, nhất là những sáng tác thời kỳ sau của ông mà ở ta chưa dịch. Thơ Aragon trôi chảy như một dòng sông lớn. Mình thích Eluard. Thơ ông trong veo nhưng rất khó nắm bắt. Mình thích thơ Rene Char, một nhà thơ Pháp tham gia kháng chiến chống phát xít nhưng làm thơ u ẩn như một thiền sư phương Đông. Mình thích thơ Saint-John-Perse, thơ ông này có kiến trúc nguy nga và ào ạt như sóng trào. Mình thích Andre Breton, nhưng chỉ thích phần lý luận thơ ca của ông này, chứ không thích thơ mấy. Mình thích...”. Tôi nghe như nuốt từng lời của ông. Người làm thơ vẫn thường học nhau, lớp trước truyền cho lớp sau những thu nhận và suy ngẫm, những tri thức và sự từng trải. Uyên bác như thế, nhưng Tế Hanh làm thơ rất thật thà và hồn nhiên. Ông vẫn là ông, cho tới cuối đời.

Mong muốn quê Tế Hanh thành điểm du lịch

Làng Đông Yên quê Tế Hanh hội đủ những điều kiện để thành một điểm du lịch hấp dẫn. Bên cạnh làng là sông Trà Bồng quanh năm nước xanh trong. Giữa sông lại có một dải cù lao mà bà con Đông Yên thường qua đó trồng rau củ quả, nhưng phần hoang dại của cù lao này vẫn còn rất đậm. Nếu bà con chỉ gieo cải thôi, thì khi mùa hoa cải nở vàng rực, đã là điểm check-in cho biết bao bạn trẻ ham chụp ảnh. Dọc bờ sông Trà Bồng, nay đã có những quán “tranh tre nứa lá” bán nhiều món ăn hải sản tươi ngon mà dân làng đi đánh cá mang về. Nơi ấy “Nước bao vây cách biển nửa ngày sông” thì những chuyến tàu du lịch nhỏ sẽ tha hồ chở khách từ sông ra biển và ngược lại. Làng Đông Yên lại có đền thờ cá Ông, có đội hát múa bả trạo hành lễ và biểu diễn mỗi mùa cúng Thần Nam Hải vào tháng tư âm lịch.
Và đặc biệt, làng có ngôi nhà đã sinh ra nhà thơ lớn Tế Hanh. Ngôi nhà ấy vẫn còn, và đang là nhà thờ của gia đình. Du khách có thể tìm về và tìm hiểu nơi nhà thơ yêu mến của mình đã sống từ những năm thơ ấu, giữa một làng quê mà cư dân nửa là nông dân nửa là ngư dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.