Người "phục" lụa

16/04/2010 09:44 GMT+7

(TNTT>) Nói “phục” ở đây có nghĩa là “phục sinh”, “phục sáng” lại một bộ môn lụa truyền thống mà cũng có nghĩa “mai phục”, “đón lõng” một cơ hội ngàn năm có một; cơ hội mà không phải ai cũng đủ kiên tâm và tri thức để nắm bắt. Bùi Tiến Tuấn, một họa sĩ trẻ đã làm được điều đó.

Tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM cùng một khóa với các họa sĩ Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh… nhưng chỉ mình Bùi Tiến Tuấn bảo vệ thành công ở khoa lụa.

Muôn ngàn nẻo lụa


Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn

Với cái mỏng manh, vàng vọt, như bản chất của tằm kén, lụa được xem là yếm thế, không thể trụ được giữa cái nhiễu nhương xói bão của thị trường. Sự xuống cấp đến lãng quên làm tất cả những ai có tâm huyết với những làng nghề truyền thống, với bản sắc dân tộc đều thao thức. Nhưng để tìm được lối thoát là không thể. Còn đâu lụa Việt với những tự hào đã đi vào tranh Việt với những kiệt tác hào quang một thời với những ngây thơ, hồn nhiên trong Chơi ô ăn quan, Em bé cho chim ăn, Đi cày, Đi cấy của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Lụa mềm mại và sang trọng với Con đọc bầm nghe - họa sĩ Trần Văn Cẩn, Mùa đông - họa sĩ Nguyễn Thụ, Cá về của nữ họa sĩ Vũ Giáng Hương… Vẻ đẹp đài các, sang trọng đó đã từng đưa tranh Việt ra thế giới, khẳng định những cấp đẳng riêng bây giờ như “rừng xưa đã khép” của một thời vang bóng…

Sự lên ngôi của sơn dầu không rõ từ lúc nào nhưng có vẻ cách làm việc phóng khoáng, quệt ngang, phết dọc trên bố phơi lộ cá tính rõ nét làm nhiều họa sĩ trẻ thích thú. Bên cạnh giá cả tăng vọt đột biến trên thị trường tranh, sơn dầu gần như hút về phía nó mọi vẻ thời thượng. Vẽ một bức sơn dầu không quá đòi hỏi quy chuẩn, dày công như khi vẽ lụa phải thực hành đủ mọi khúc thức phân đoạn như hồ, phơi vải, sấy khô, vẽ chồng lớp… đủ làm mất kiên nhẫn với một người vốn sức chịu đựng bình thường.    

Nhưng họa sĩ Bùi Tiến Tuấn thao thức với lụa không hẳn vì anh “lỡ” có nghề, có bằng cấp tốt nghiệp hạng ưu ở trường mỹ thuật mà là vì tiếng thoi, tiếng tằm ăn rỗi từ tuổi thơ vọng mãi trong giấc mơ anh. Anh vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu, trong cái “hoàng triều”, “hoàng phố” rất riêng biệt của phố cổ Hội An với những màu sắc, tường rêu, vải vóc, những làng nghề thoi đưa lách cách, nét dập dìu khép kín nền kinh tế “điền nông trang”… Một ngày Tuấn nhận ra lụa là đặc trưng của một tính cách, một bản lĩnh sống rất gần gũi với người Hội An. Ở lụa có sang trọng đẳng cấp trong thiết phục áo quần, có cái êm ả mềm mại bao bọc bốn mùa và đặc biệt thứ hạng không cách nào trộn lẫn của nó. Lụa có thể sang hơn, cao hơn. Lụa không thấp đi, giữ nguyên một thứ bậc quân tử. Những suy tư đó đã khiến Tuấn trăn trở, thao thức về lụa. Làm sao để vẽ trên lụa những tác phẩm gửi vào đó ngọn gió thời đại…   

    


Một số bức tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn đang được chú ý trên thị trường - Ảnh Đông Dương

Thượng đế thì cười

Trăn trở nhiều năm đã giúp Tuấn chọn cho mình một hướng đi khác. Anh quyết định ngưng hẳn sơn dầu, một trong những thể nghiệm đã mang lại nhiều thành công cho mình để tập trung khai phóng một con đường mới. “Nhiều người bạn băn khoăn trước chuyển đổi của tôi. Ai cũng nói từ những triển lãm sơn dầu cá nhân như “Những hình nhân trên đường phố” cuối năm 2007 ít nhiều thành tựu tại sao tôi không tiếp tục dấn thân mà lại “thối lui”, vạn sự khởi đầu nan với con đường khác? Ít ai biết chính tôi cảm thấy cạn kiệt và bế tắc từ bên trong. Khi những đề tài và chất liệu sơn dầu “thời thượng” đã trở thành luẩn quẩn không lối thoát. Nếu cứ tiếp tục “diêm dúa” như thế tôi sẽ không còn là tôi”. Bùi Tiến Tuấn trầm ngâm: “Trong khi đó không thể giấu được những trăn trở về lụa cứ luôn trở về cuốn hút tôi. Tôi biết đã đến lúc mình cần phải làm một cái gì đó cống hiến nhiều hơn là truy nhận. Hơn nữa, với tấm bằng tốt nghiệp khoa lụa, tôi đâu thể quay lưng với đam mê của mình?”.

Sau đó là những ngày tháng mê đắm Tuấn đóng cửa nhà để vẽ. Ngạc nhiên và dữ dội, như những cơn trầm uất, những bức tranh khổ lớn được anh căng ra giữa nền nhà vẽ ngày đêm. Trong cái mỏng manh của chất liệu, những phún trào, bùng vỡ của một đời sống thị dân ám ảnh nổ trên tranh lụa anh. Những cô gái với hương sắc phù dung, những thân thể phì nộn vì chán mứa bởi những dục vọng sủi bọt, điên cuồng, những cái cười toang toác cho những câu chuyện không đầu không cuối mà như một câu ngạn ngữ “Thượng đế thì cười và loài người thì khóc”. Các bức “Trích đoạn một câu chuyện”, “Cô gái với vớ đen”, "Chân dung”, … lụa tự thân nó trở nên mạnh mẽ và ám ảnh. Gần như mỗi bức tranh chuyên chở một nỗi buồn âm thầm vuột ra ngoài sắc vóc ẻo lả của một chất liệu được xem là truyền thống dân gian.

Lụa sẽ phục sinh?

Không chỉ cười mà phải nói là còn cười toe toét khi triển lãm Lụa của Bùi Tiến Tuấn tại gallery Tự Do (53 Hồ Tùng Mậu, Q.1, TP.HCM) với số tranh treo đã “bị sở hữu”, bị mua gần hết, đa phần người mua là Việt kiều hay nước ngoài. Nó cho thấy sự đổi khác hay chuyển hướng trong cách thẩm định, bình giá tranh. Có vẻ như cái lạnh lẽo, khô khan của sơn dầu đang có nguy cơ bị “soán ngôi”, thay thế bằng những chuẩn khác? Ngay cả họa sĩ cũng kinh ngạc trước biến cố “kỳ lạ” trên con đường hội họa mình. Đột biến này báo hiệu dự cảm từ bao lâu nay trong anh là đúng. Không có một cái chuẩn hay sự tuyệt đối cho cái đẹp nghệ thuật. Sự kiện này được các nhà phê bình tranh hồ hởi vì sự thức dậy sau nhiều năm ngủ say và ngủ quên của lụa Việt. Nó cho thấy hội họa luôn luôn bất ngờ nếu biết khám phá. Thực ra, vấn đề không phải nằm ở chất liệu mà chính là nội dung. Sáng tạo, quan trọng như chính nhà văn kiêm triết gia Jean Paul Sartre định nghĩa “phần quan trọng nhất của chiếc bình là cái khoảng rỗng bên trong”.

Lụa không phải “nhược” ở chất liệu quá mềm, quá mỏng mà do cách khai thác quá “cứng”, cách nhìn máy móc không uyển chuyển. Với một cách nhìn khác, đúng hướng, chắc chắn lụa sẽ trở lại đỉnh cao như một thời vàng son đã dựng nên của các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Trần Văn Cẩn… Phục sinh được sức sống cho lụa là vấn đề và trách nhiệm hôm nay của các họa sĩ trẻ. Bùi Tiến Tuấn là một ví dụ.

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.