Người mê đá

14/06/2008 19:22 GMT+7

Trong một căn nhà nằm bên chân cầu Kiệu (Q.1, TP.HCM) có một bộ sưu tập đá với thiên hình vạn trạng mà chủ nhân đã đánh đổi bằng cơ ngơi, thời gian và cả một niềm đam mê tột cùng...

Chủ nhân của bộ sưu tập đá này là họa sĩ Phạm Ngọc Tuấn. 15 năm trước, anh từ Sài Gòn lên Đà Lạt lập nghiệp, kinh doanh loại hình “hotel - gallery”. Nhưng “duyên phận” đã gắn kết anh với những “tác phẩm” đá tuyệt đẹp mà tạo hóa đã “rải” xuống khắp lũng đồi, thác suối tỉnh Lâm Đồng. Cho nên, “bản tổng kết” mà anh mang về Sài Gòn sau 15 năm lên Đà Lạt kinh doanh là... một bộ sưu tập đá “làm khổ vợ con” như anh tự thú.

Phạm Ngọc Tuấn cho biết, năm 1996 tình cờ anh đến thăm một người quen làm ở ngành địa chất. Trong nhà anh này có chưng một số đá cảnh rất độc đáo. Bản thân vốn là một họa sĩ, Tuấn nhìn ngắm đá dưới góc độ nghệ thuật, càng ngắm càng thích. Từ đó những tác phẩm đá thiên nhiên luôn là đối tượng để anh tìm kiếm, ngắm nghía và rồi...


Đá có hình gấu Bắc Cực

 
Đá có hình ông Thọ


Thấu thạch hình cá

cảm xúc cứ vỡ òa mỗi khi anh thẩm thấu, khám phá ra nét độc đáo, sự vi diệu của từng tác phẩm...

Qua trao đổi, học hỏi kinh ngiệm với những người đồng sở thích cũng như tìm hiểu trên internet, anh quyết định sưu tập đá theo đúng tiêu chí của nghệ thuật Suiseki – Nhật Bản. Nghĩa là giữ nguyên trạng hình dáng, màu sắc của đá trong thiên nhiên, không hề có sự can thiệp của bàn tay con người (đẽo gọt, mài dũa, sơn phết...). Tác phẩm đầu tiên mà Phạm Ngọc Tuấn tìm được là cục đá mang dáng hình tượng Quan Công ngồi. Còn bây giờ, bộ sưu tập của anh đã có đến hàng trăm hiện vật, trong đó có đủ bộ “Tứ linh” (Long, Lân, Quy, Phụng) đồng chất liệu đá Agate (mã não) có kích thước khá đồng đều (trọng lượng trên 100 kg/tác phẩm). Bộ sưu tập “thiên hình, vạn trạng” do thiên nhiên tạo dáng: ông Thọ chống gậy, thiếu nữ khỏa thân nằm, đầu gấu Bắc cực, những “thấu thạch” (đá có lỗ thủng hình tròn đồng tâm) mang hình cá, tượng đá mang khuôn mặt “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng... Tuy nhiên, tác phẩm mà Phạm Ngọc Tuấn tự hào nhất chính là bộ “Linga-Yoni” (sinh thực khí nam - nữ) hết sức độc đáo và tạo ấn tượng ngay cái nhìn đầu tiên. Anh tiết lộ: “Cái Linga tìm thấy ở Di Linh, mãi đến 5 năm sau mới tìm được cái Yoni ở Bảo Lộc. Điều đáng ngạc nhiên là chúng “ăn khớp” với nhau một cách kỳ lạ từ màu sắc đến bố cục, họa tiết như thể đã từng được tạo hóa đúc chung nhưng vì một lý do nào đó mà chúng phải phân ly. Tôi rất hạnh phúc, tâm đắc khi kết hợp đôi “chày, cối” này lại với nhau. Đã có một thương nhân Nhật Bản trả giá 5.000 USD để sở hữu bộ tác phẩm “độc nhất vô nhị” này nhưng tôi không bán. Cũng có khá nhiều nhà sưu tập đá thường lui tới nhà tôi chỉ để chiêm ngưỡng tác phẩm độc đáo này”.

Phạm Ngọc Tuấn cho biết, sắp tới anh sẽ phối hợp với Hội Mỹ thuật TP.HCM để tổ chức trưng bày bộ sưu tập này cho công chúng thưởng ngoạn. Qua đó anh hy vọng dần dần công chúng Việt Nam cũng sẽ “nâng” thú sưu tầm và thưởng lãm đá nghệ thuật từ một bộ môn “đá cảnh” thuộc Hội Sinh vật cảnh trở thành một cái “đạo” như bộ môn Suiseki ở Nhật Bản.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.