Người mẫu trong bức 'Trừu tượng' sẽ không xuất hiện tại buổi họp thẩm định

18/07/2016 18:30 GMT+7

Họa sĩ Kim Anh khẳng định sẽ không xuất hiện tại buổi họp thẩm định lại bức tranh Trừu tượng do Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức sáng 19.7, mặc dù chị đã xác nhận bức Trừu tượng là do họa sĩ Thành Chương vẽ chị năm 18 tuổi.

Được biết vợ chồng họa sĩ Thành Chương tha thiết mời họa sĩ Kim Anh có mặt tại buổi họp thẩm định, tuy nhiên chị đã từ chối. Giải thích về điều này, họa sĩ Kim Anh cho biết không muốn cuộc sống hiện tại bị xáo trộn bởi truyền thông quá chú ý và cũng không cần thiết vì những điều gì cần nói đã nói rồi.
Tuy nhiên để rộng đường dư luận và thêm chứng thực cho họa sĩ Thành Chương, ngày 18.7, Kim Anh đã viết một bức thư gửi báo Thanh Niên kèm theo bức hình chụp chị năm 18 tuổi cùng bức tượng về nữ họa sĩ do chính Thành Chương làm. Bức hình chỉ chụp sau bức vẽ Trừu tượng không quá lâu.
Nữ họa sĩ Kim Anh đã nhờ báo Thanh Niên đăng độc quyền lá thư trên nhằm chuyển tới Hội đồng thẩm định của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, giới phê bình mỹ thuật và những người yêu tranh thêm bằng chứng khẳng định về sự chính trực của họa sĩ Thành Chương, đồng thời cũng thông cảm cho sự vắng mặt của chị vào sáng 19.7 tới.
Được biết nữ họa sĩ Kim Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Yết Kiêu chỉ sau họa sĩ Thành Chương vài khóa. Sau khi tốt nghiệp và chuyển vào Sài Gòn sinh sống, chị đã chuyển sang nghề khác. Riêng số tranh mà họa sĩ Thành Chương vẽ về chị phải lên tới vài trăm bức các loại.
Người mẫu bức tranh Trừu tượng gửi lời cám ơn tới nhà sưu tập 2
Nữ họa sĩ Kim Anh cùng bức tượng chân dung do họa sĩ Thành Chương nặn, chụp năm 1976
Nội dung chi tiết bức thư của nữ họa sĩ Kim Anh gửi báo Thanh Niên:
Tôi là Kim Anh. Nhân chứng của bức tranh đang tranh chấp. Tôi xin xác nhận bức đó 100% là chân dung của tôi do anh Thành Chương vẽ. Năm đó tôi 18 tuổi.
Hôm qua vợ chồng anh Chương có mời tôi đến Bảo tàng họp báo, song tôi đã từ chối. Vì biết rằng đến đó câu chuyện càng thêm “loãng”. Bức tranh anh Thành Chương vẽ tôi theo kiểu lập thể, mặt là một mảng tròn, không mắt mũi miệng mồm… Bây giờ nói ai mà chẳng được.
Nhưng sự thực là với cách vẽ của anh Chương, từng thời kỳ một, dù là lập thể, trừu tượng hay hiện thực đi nữa thì người trong nghề đều nhận ra ngay, không trộn lẫn với ai được. Những bạn thân quen thuở đó như Ca Lê Thắng, Gia Hương, Đào M.Trị, Bích Trâm, chỉ cần nhìn bằng nửa con mắt là họ đã nhận ra Chương vẽ Kim Anh rồi. Mà không phải chỉ một, hai bức đâu. Mỗi thời kỳ thể nghiệm của anh Chương là hàng chục hàng trăm bức.
Tôi rất không muốn hiện diện vì các nhà “phân tích” lại “hoang mang”. Bởi nay tôi đã thành “Lão Bà Bà” rồi, nếu đem so ngược với câu chuyện bức chân dung vẽ lập thể gần 50 năm về trước khi mới mười tám, đôi mươi, thật mất thời gian và buồn cười cho thiên hạ. Nếu đi xa hơn mời những nhà phân tích quốc tế… e rằng họ sẽ cười thêm cho những nhà nghiên cứu và sưu tầm Việt Nam đấy.
Nhưng tôi gửi kèm theo đây bức chân dung những năm tháng chúng tôi thương nhau. Bức chân dung này chụp năm 1976 (cách khoảng vài năm so với bức tranh vẽ, đã thấy hơi khác rồi). Nhưng mọi người hãy nhìn kỹ vào bức tượng. Thành Chương đã nặn tôi đúng vào năm bức tranh lập thể chân dung tôi ra đời đó (tôi nghĩ là giống hệt nhau).
Vậy xin gửi báo Thanh Niên bản trình bày này. Và cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến nhà sưu tập đã cho tôi được coi lại bức chân dung của chính mình để nhớ về một thời con gái đẹp nhất đã được một chàng họa sĩ “ngốc nghếch” yêu thương tha thiết và thật lòng để vẽ nên những bức tranh và bức tượng còn mãi với thời gian.
Xin cám ơn
Phạm Thị Kim Anh
Lá thư của nữ họa sĩ Kim Anh


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.