Người lưu giữ bộ ấn triện độc đáo

03/07/2009 09:15 GMT+7

(TNTS) Tiếp chúng tôi trong một căn nhà nhỏ yên tĩnh tại TP.HCM là người đàn ông trung niên gốc Phù Cát, Bình Định. Anh hiện đang sở hữu nhiều bộ sưu tập độc đáo, nhưng có lẽ ấn tượng nhất vẫn là bộ ấn triện hiện được cho là có một không hai tại Việt Nam.

Nguyễn Văn Phẩm đến với thú sưu tập ấn triện thật tình cờ. Trong một lần về quê, bắt gặp những chiếc ấn bằng đồng được bán với giá tuy có cao so với phế liệu nhưng anh bỗng thấy thích thú được sở hữu chúng. Anh đã mua được những chiếc ấn triện đầu tiên mà đến nay chúng trở nên vô giá và là niềm tự hào của anh.

Chuyện xảy ra đã hơn 20 năm và cũng từ đó anh chập chững “đặt chân” vào một thú chơi đặc biệt: sưu tầm ấn triện cổ. Hiện anh có tới hơn 400 chiếc ấn to nhỏ, chất liệu bằng đồng hoặc bằng ngà, trải dài từ thời nhà Trần cho đến nhà Lê, nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn. Mỗi chiếc có những “chức vụ” khác nhau như: đại đô đốc, đô đốc, tổng đốc... Anh Phẩm cho biết, ấn triện không chỉ đơn thuần là biểu hiện quyền uy, quyền sinh sát của người từng làm chủ nó, mà hơn thế nữa, nó còn là một chứng cứ lịch sử cho chủ quyền của dân tộc, là dấu ấn của bộ máy nhà nước từ ngàn xưa.

Một số ấn, triệu trong bộ sưu tập của anh Phẩm 

Một số ấn, triệu trong bộ sưu tập của anh Phẩm

Nâng niu trên tay những chiếc ấn đồng phủ kín gỉ xanh, hay những chiếc ấn ngà lên nước nâu bóng, anh say sưa giới thiệu đặc điểm, nét độc đáo của từng chiếc. Trong bộ sưu tập của mình, anh đặc biệt nâng niu những chiếc ấn của triều đại Tây Sơn, một triều đại anh hùng đánh Nam dẹp Bắc làm khiếp vía cả quân Xiêm lẫn binh tướng Mãn Thanh... Nhà Tây Sơn tồn tại không lâu, lại do hoàn cảnh lịch sử nên những chiếc ấn thời đại này cực kỳ khó tìm, trở nên quý giá hơn bao giờ hết...

Anh Phẩm hiện có trong tay những chiếc ấn rất “độc” như chiếc Thiên Trường Phủ Ấn được làm năm Vĩnh Tộ thứ 10 (năm 1628 - đời vua Lê Thần Tông). Hoặc chiếc ấn của Bình Khấu tướng quân Trần Văn Năng là một trong những người được vua Minh Mạng trao trọng trách dẹp loạn Lê Văn Khôi năm 1833 (theo Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim).

Nghề chơi cũng lắm công phu, bước chân vào lĩnh vực này, anh cũng trải nghiệm biết bao vui buồn cùng những kỷ niệm khó quên. Có khi phải ra Bắc 3 lần trong 6 tháng chỉ để thuyết phục người ta bán cho một chiếc ấn mà anh thích. Thậm chí có những món cổ vật mà anh phải theo đuổi nhiều năm mà vẫn chưa có được. Lại càng không dễ đọc những kiểu chữ “triện” ngoằn ngoèo trên mặt ấn, anh phải nhờ một chuyên gia trong nghề giúp sức, đồng thời tự mình học thêm chữ Hán và Nôm để mày mò nghiên cứu thêm.

Ngoài bộ sưu tập ấn triện độc đáo, anh còn có vô số cổ vật quý và lạ khác như vũ khí, dụng cụ đo lường, đồ trang sức, tượng... thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau như văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh... được làm bằng đủ mọi chất liệu từ đá, gỗ cho đến đồng, sắt... Cái xưa nhất cũng hơn 2.000 năm tuổi.

Hiện anh Phẩm là Phó chủ nhiệm CLB Cổ vật TP.HCM, anh thường xuyên cùng với hơn 60 thành viên khác tổ chức trưng bày triển lãm, giao lưu học hỏi hoặc cho mượn cổ vật để các bảo tàng trong cả nước trưng bày cho đông đảo người dân chiêm ngưỡng.

 Bài & ảnh: Miên Thảo – Thanh Xuân Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.